| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng công nghệ số để sinh tồn và đột phá sau dịch Covid-19

Thứ Sáu 15/05/2020 , 06:01 (GMT+7)

Nhiều chuyên gia kinh tế, công nghệ cho rằng nếu tận dụng được nền tảng số và tối ưu hóa nó, nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển đột phá sau dịch Covid-19.

Chương trình đào tạo trực tuyến với nội dung 'Chuyển đổi và tối ưu hóa nền tảng số để ứng phó và bứt phá thành công trong và sau dịch Covid-19' sáng 14/5 của VIDA. Ảnh: Tùng Đinh.

Chương trình đào tạo trực tuyến với nội dung "Chuyển đổi và tối ưu hóa nền tảng số để ứng phó và bứt phá thành công trong và sau dịch Covid-19" sáng 14/5 của VIDA. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong chương trình đào tạo trực tuyến với nội dung "Chuyển đổi và tối ưu hóa nền tảng số để ứng phó và bứt phá thành công trong và sau dịch Covid-19", Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), ông Trương Gia Bình cho rằng, đại dịch Covid-19 đang gây ra những tổn thất cực lớn về kinh tế, xã hội, có thể tương đương với Đại suy thoái những năm 1930.

Theo ông Bình, với đặc điểm của xã hội hiện nay, Covid-19 gây nên hiệu ứng đám đông, tạo ra thêm 2 loại virus nữa là sợ hãi và tiêu dùng tối thiểu.

Do đó, chiến lược "ngủ đông", chờ hết dịch rồi tính tiếp sẽ hoàn toàn không phù hợp và nếu doanh nghiệp nào chọn phương án này sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Ngoài ra, ý định nỗ lực tăng trưởng sau Covid-19 cũng sẽ không phù hợp vì quỹ đạo của cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn, chuyển sang trạng thái bình thường mới. Do đó, cần có chuẩn mực mới để hành động, "nói cách khác phải xoay quanh ứng dụng công nghệ số", ông Trương Gia Bình khẳng định.

Chủ tịch VIDA cho rằng: "Hành động đúng đắn nhất hiện nay là tích cực, chủ động thích nghi và kiến tạo trong điều kiện bình thường mới".

Vì không thể có được tầm nhìn, chiến lược dài hơi như trước, các doanh nghiệp cần chuyển sang chiến lược "thời chiến", thời gian thực hiện các kế hoạch phải rút từ theo quý, theo tháng xuống theo tuần, theo ngày.

Để đảm bảo sự sinh tồn trong dịch và đột phá sau khi Covid-19 đi qua, các doanh nghiệp nông nghiệp cần lưu ý 3 yếu tố, thứ nhất là tìm ra cách làm mới, thứ hai là đoàn kết và thứ ba là dựa vào công nghệ.

"Đây là thời cơ ngàn năm có một cho ngành nông nghiệp, chúng ta cần tính toán để có phát triển đột phá trong thời gian tới và xoay quanh nông nghiệp số", ông Trương Gia Bình nhận xét.

Ông Trương Gia Bình cho rằng đây là thời điểm tốt để nông nghiệp có thể phát triển đột phá. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Trương Gia Bình cho rằng đây là thời điểm tốt để nông nghiệp có thể phát triển đột phá. Ảnh: Tùng Đinh.

"Chữ V choãi"

Với vai trò diễn giả trong buổi đào tạo, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, Covid-19 gây ra những hệ lụy không hề nhỏ cho kinh tế, xã hội Việt Nam.

Ngoài đảo lộn cuộc sống của người dân, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến cả cung và cầu trong kinh tế do chuỗi giá trị bị gián đoạn và tâm lý lo ngại của người dân.

Chuyên gia này cho rằng, khả năng phục hồi của nền kinh tế vẫn đang khó đoán định, có thể là chữ V, chữ U hay chữ W nhưng rất có thể là chữ V choãi vì còn nhiều rủi ro phía trước. Từ đó, các doanh nghiệp cần có một góc nhìn mới về nông nghiệp.

Mặc dù Việt Nam có nhiều lợi thế về nông nghiệp như thiên nhiên, con người và từ đó trở thành một cường quốc về xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, đến nay, hiệu ứng phát triển đang có dấu hiệu chững lại, năng xuất không còn vượt trội và chủ yếu vẫn là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ về thách thức và cơ hội trong Covid-19. Ảnh: Tùng Đinh.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ về thách thức và cơ hội trong Covid-19. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo ông Võ Trí Thành, điều này khiến nông dân trở thành nhóm được hưởng lợi ít nhất từ các lợi thế về nông nghiệp và quá trình đổi mới, phát triển hơn 30 năm qua. Nhưng cũng vì thế mà có thể thấy được tiềm năng về nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Trong 5-7 năm trở lại đây, các doanh nghiệp lớn và một số mô hình mới ra đời đã quan tâm hơn và gắn với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đây sẽ là cơ sở để nền nông nghiệp Việt Nam vươn lên sau khó khăn, để tồn tại và cải tổ sau dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các gói hỗ trợ của nhà nước hay trước mắt là cắt giảm chi phí, chỉ giữ lại phần cốt lõi để duy trì hoạt động. Ngoài ra, đây cũng là thời cơ để các đơn vị nhìn lại và xoay chuyển tình thế, cải tổ chính mình.

Góc nhìn của FPT

Với sự góp mặt của 2 chuyên gia là ông Trần Huy Bảo Giang, Giám đốc chuyển đổi số và ông Steven Furst Giám đốc tư vấn chiến lược kiến trúc và chuyển đổi công nghệ số, tập đoàn FPT đã có những chia sẻ về việc ứng dụng chuyển đổi số trong giai đoạn xảy ra dịch Covid-19.

Theo ông Steven Furst, khả năng phục hồi của doanh nghiệp tương đương với khả năng chống lại sự gián đoạn và quay trở lại kinh doanh rồi phát triển mạnh mẽ hơn nữa sau khủng hoảng.

Các vấn đề bị ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp thời gian qua là về tiếp thị và bán hàng; tài chính và thanh khoản; hoạt động và chuỗi cung ứng; hành chính và nhân sự. 

Theo ông Trần Huy Bảo Giang, để ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi nhằm phù hợp với điều kiện "bình thường mới", các doanh nghiệp cần phát triển các kênh bán hàng số, tăng cường làm việc và họp trực tuyến, nâng cao khả năng tự động hóa bằng ứng dụng robot và đầu tư vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ông Trần Huy Bảo Giang, Giám đốc chuyển đổi số FPT, chia sẻ về kinh nghiệm với các thành viên tham gia chương trình đào tạo. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Trần Huy Bảo Giang, Giám đốc chuyển đổi số FPT, chia sẻ về kinh nghiệm với các thành viên tham gia chương trình đào tạo. Ảnh: Tùng Đinh.

Kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng trước đây cho thấy doanh nghiệp càng tích cực chuyển đổi để đáp ứng các điều kiện trong tương lai sẽ càng có kết quả tốt hơn. 

Nếu áp dụng được chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể thay đổi cơ cấu chi phí và tạo năng lực cạnh tranh, mang lại hiệu quả cao hơn so với việc cắt giảm chi phí đơn thuần.

Với FPT, họ đặt toàn bộ lực lượng lao động vào trạng thái "thời chiến" để đối phó với Covid-19 và sẵn sàng chia sẻ thông qua các ứng dụng công nghệ số với mục tiêu rõ ràng. Qua việc quan sát, đánh giá tình trạng hiện tại, FPT sẽ đưa ra những đề xuất hỗ trợ với khách hàng và đối tác.

Băn khoăn của doanh nghiệp

Sau khi nghe các ý kiến chuyên gia, một số lãnh đạo doanh nghiệp đã đặt ra câu hỏi với Chủ tịch VIDA và FPT.

Trong đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Nafoods cho rằng hiện nhiều doanh nghiệp thuộc VIDA đang thực hiện chuyển đổi số nhưng là tự phát và liệu hiệp hội có nên tập hợp lại, giao cho một đầu mối chung, ví dụ như FPT thực hiện hay không.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến ở 2 đầu cầu Hà Nội và TP.HCM và nhiều thành viên tham gia từ thiết bị cá nhân. Ảnh: Tùng Đinh.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến ở 2 đầu cầu Hà Nội và TP.HCM và nhiều thành viên tham gia từ thiết bị cá nhân. Ảnh: Tùng Đinh.

Giải đáp vấn đề này, ông Trương Gia Bình khẳng định vấn đề này hoàn toàn đáp ứng được nhưng trước hết là xác định rõ các doanh nghiệp nào cần hỗ trợ gì về công nghệ. Nếu nhiều doanh nghiệp có chung mục tiêu thì sẽ tập hợp lại, tìm đối tác chung để giải quyết, còn với các mục tiêu nhỏ lẻ, khác nhau thì nên để các đơn vị tự xử lý sẽ có kết quả nhanh hơn.

Về vấn đề FPT hỗ trợ các công nghệ có sẵn để các doanh nghiệp ứng dụng ngay vào quản trị và hoạt động mà ông Hùng đưa ra, đại diện FPT cho biết sẽ cung cấp ngay cho các doanh nghiệp trong VIDA.

Ngoài ra, có một số ý kiến về việc dùng công nghệ để tối đa hóa hiệu quả trong logistic cũng được các chuyên gia công nghệ của FPT đồng ý và sẽ cố gắng để đưa ra được giải pháp trong thời gian tới.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm