| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn

Thứ Năm 17/01/2019 , 15:05 (GMT+7)

Từ năm 2016-2018, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa triển khai thực hiện dự án: “Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung”.

Dự án được triển khai tại 4 huyện, gồm Thường Xuân, Ngọc Lặc, Triệu Sơn, Thọ Xuân với quy mô 116 ha, 60 hộ tham gia. Các hộ được hỗ trợ 100% giống, 50% lượng vật tư phân bón. Khu vực được lựa chọn là những huyện có điều kiện khí hậu, địa hình, đất đai phù hợp với trồng rừng gỗ lớn như độ sâu tầng đất trên 50cm, độ dốc nhỏ hơn 30 độ, thoát nước tốt…

Mục tiêu của dự án là đưa những giống TBKT vào sản xuất (keo lai mô dòng BV10, BV16, BV32); áp dụng đồng bộ các TBKT từ khâu chọn giống, xử lý thực bì, làm đất, cuốc hố, bón lót đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, phương thức khai thác để tạo thành rừng gỗ lớn.

Sau 3 năm thực hiện (năm 2016 - 2018), từ mục tiêu ban đầu đặt ra, dự án đạt được những kết quả đáng khích lệ; đã tổ chức được 6 lớp tập huấn kỹ thuật về trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh cho 60 hộ tham gia. Thông qua lớp tập huấn, các hộ dân đã nắm bắt được kỹ thuật đào hố, lấp hố, kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng gỗ lớn mọc nhanh bằng keo lai nuôi cấy mô; thực hiện trồng được 116ha rừng gỗ lớn, sử dụng giống keo lai mô từ các dòng BV10, BV16, BV32.

Từ thực tế cho thấy, do áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật lâm sinh từ khâu đào hố (30cm x 30cm x 30cm), bón phân (0,2kg/cây), trồng đúng mật độ 1.330 cây/ha (khoảng cách 2,5 x 3m)... nên rừng trồng tại 6 điểm triển khai sinh trưởng tốt hơn so với sản xuất đại trà, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương. Tỷ lệ sống bình quân đạt 94%, tốc độ sinh trưởng nhanh hơn so với đại trà từ 1,2 - 1,5 lần.

Qua tính toán sơ bộ của các hộ trực tiếp tham gia mô hình cho thấy, hiệu quả kinh tế của trồng rừng gỗ lớn dự kiến tăng gấp 2-3 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ (bán nguyên liệu) với cùng một loại giống. Thông qua việc thực hiện dự án đã góp phần phát triển bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Người dân đã mở rộng, trồng được trên 300ha diện tích rừng gỗ lớn bằng giống keo lai mô...

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.