| Hotline: 0983.970.780

Ứng xử với di tích và di sản: Phải lấy khoa học làm đầu

Thứ Tư 03/01/2018 , 09:30 (GMT+7)

PGS Trần Lâm Biền cho rằng: Nếu cứ vỗ ngực ứng xử với di sản bằng cái tâm thì nhất định sai lầm. Tâm thành, tích cực và sự thiếu hiểu biết là đồng nhất với sự phá hoại. Tuệ và tâm, tâm phải nương vào tuệ và không có tuệ thì nhất định là sai lầm.

Di tích trăm năm đổi lấy một ngày

Đầu năm 2017, việc trùng tu bia Quốc học ở Huế (tên gọi tên gọi trước đây là “Đài Tưởng niệm Chiến sĩ Trận Vong”) được xây dựng từ năm 1920, đã gây xôn xao dư luận khi hầu hết họa tiết, hoa văn cũ bị cạo sạch và thay thế các họa tiết, hoa văn mới nhưng không giống. Bên cạnh đó màu sơn tại bia cũng được cho là màu quá mới, lòe loẹt. Cùng thời gian đó, việc quét vôi ở Đoan Môn thuộc khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) làm cho Đoan Môn được “khoác áo mới” màu vàng, cũng khiến công chúng và các nhà nghiên cứu, chuyên gia bảo tồn di sản thảng thốt, cho dù lãnh đạo Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long giải thích đây là hoạt động bảo quản các di tích, được làm thường xuyên để chống rêu mốc, xuống cấp di tích.

16-30-21_bi_quoc_hoc_2
Bia Quốc học ở Huế được làm mới

Lý giải của Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long cũng nhấn mạnh đến việc các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… di tích có điều kiện để bảo quản thường xuyên, liên tục, cho nên lúc nào di tích cũng rực rỡ. Đồng ý với việc lâu lâu thì di tích vẫn phải quét vôi lại, tuy nhiên, TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học VN) cho rằng, việc quét vôi ấy không được gây sốc như màu vôi mới của Hoàng thành.

“Nếu quét thì phải nghiên cứu một màu vôi mà quét xong thì di tích trông sẽ nghiêm chỉnh hơn, không rêu mốc nhưng không gây phản cảm. Đó mới gọi là bảo quản và trùng tu di tích”, ông Kiên phân tích.

Còn màu sơn vàng ở Hoàng thành quá mới và quá tương phản với phần di tích thời Lê ở dưới. TS Nguyễn Hồng Kiên lý giải: Nếu muốn bảo quản thì phải làm sao để sạch rêu mốc nhưng không dùng màu tương phản quá.

Những sự việc trùng tu bia Quốc học ở Huế và “mặc áo mới” cho Đoan Môn của Hoàng thành Thăng Long, cùng với nhiều sự kiện trùng tu di tích khác, đã khiến cho di tích trăm năm đổi lấy một ngày.
 

Muốn làm tốt phải hiểu di sản

Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, nhưng việc ứng xử với di sản Hoàng thành Thăng Long lại khá tùy hứng. Sự việc quét vôi Đoan Môn diễn ra chưa được bao lâu thì trưa ngày 30/3/2017, ngay sau khuôn viên điện Kính Thiên, cảnh cỗ bàn được bày ra rất náo nhiệt. Dù trong giờ hành chính, cảnh xào nấu thức ăn ở khu vực đối diện di tích nhà Tác chiến, cũng tưng bừng không kém. Thì ra, theo cắt nghĩa của bà Nguyễn Hồng Ánh, Chánh văn phòng Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long, đây là “ăn giỗ” Lý Thái Tổ - vị vua khai sáng triều Lý, người định đô tại Thăng Long - Hà Nội.

Sau lễ tưởng niệm vua Lý Thái Tổ được tổ chức thường niên, còn có phần “thụ lộc”.

Theo bà Ánh, ban đầu chỉ chuẩn bị khoảng 30 - 40 mâm cỗ. Nhưng càng về sau có thêm quan khách, người quen biết rủ nhau tới cho nên “thêm bát thêm đũa”. Dù không đếm được là có bao nhiêu người tham dự, song về số lượng người của các hội tham dự là gần 100, cán bộ công nhân viên Trung tâm này là 230.

Đáng ngạc nhiên là đơn vị quản lý di sản thế giới dường như không biết đến Điều 3 Quy chế tổ chức lễ hội (ban hành kèm theo Quyết định số 39/2001/QĐ - BVHTT ngày 23.8.2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin), nghiêm cấm hành vi sau đây tại nơi tổ chức lễ hội: Tổ chức các dịch vụ sinh hoạt ăn nghỉ và dịch vụ tín ngưỡng trong khu vực nội tự.

16-30-21_co_hong_thnh_1
Làm cỗ ở Hoàng thành Thăng Long

Bình luận về việc ứng xử với Di sản và Di tích ở Việt Nam hiện nay, trong đó có nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra, PGS Trần Lâm Biền phân tích 3 điểm chính: “Điều thứ nhất, chúng ta không hiểu biết, không lấy trí tuệ để ứng xử với di sản và di tích. Điều thứ hai, chúng ta không giáo dục những người tu bổ di tích. Điều thứ ba, những người làm về trùng tu, tu bổ di sản và di tích lại không hiểu di tích một cách thấu đáo”.

Ông Biền chia sẻ rằng nhiều khi người ta nhìn thấy di sản văn hóa là những công trình liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. “Còn con mắt chúng tôi nhìn di sản văn hóa thì tôn giáo, tín ngưỡng chỉ là một thuộc tính, một phần thôi. Cái lớn hơn của nó là vấn đề văn hóa, vấn đề lịch sử, và vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là vấn đề nghệ thuật. Cứ đẩy cao tôn giáo tín ngưỡng lên để làm nhòe đi giá trị của di sản. Khi đã biết được di sản ấy thì tất cả di tích ấy người ta muốn làm cho tốt thì người ta phải hiểu nó chứ không phải chỉ biết đâu. Phải hiểu nó”.

Thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình: “Tu bổ mà không hiểu biết gì cho nên nó đồng nhất với sự phá hoại”; ông Biền đã lấy ví dụ việc dỡ đình Chu Quyến, Ba Vì, Hà Nội để tu sửa cách đây vài năm. Sau đó còn thừa rất nhiều mảng chạm rất đẹp mà những người thực hiện trùng tu không biết lắp vào chỗ nào nữa.

Trả lời câu hỏi của PV Báo NNVN có cách nào tránh được những sai lầm trong việc trùng tu di tích không để lặp lại trong tương lai không(?), nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cho biết: “Tránh được cái đó chả có gì khó cả, nhưng người ta không làm, bởi vì người ta coi thường trí thức. Có thế thôi”.

Theo ông Biền, hiện nay thì ngành văn hóa của Hà Nội có chú ý đến việc trùng tu nhưng mà lực bất tòng tâm bởi vì còn hệ quả của một thời mà bây giờ là tác phong làm việc vẫn còn ám ảnh. Dẫn trường hợp trùng tu di tích chùa Bắc Biên, Long Biên, Hà Nội, PGS Trần Lâm Biền kể lại: Họp tại chùa, cả hội đồng làm tu bổ ngồi nghe từ đầu đến cuối.

“Bề ngoài hình thức thì họ ngồi trông có vẻ nghiêm chỉnh nhưng đầu óc họ có nghe đâu. Đến lúc bản vẽ đưa lên, tất cả ý kiến của các nhà khoa học không một cái gì được người ta đưa vào trong bản vẽ. Cho nên đó chỉ có cái gọi là cho phải phép còn họ vẫn cứ làm theo ý của mình. Những chuyện đó, anh em chúng tôi mắng thẳng mặt cậu làm hồ sơ thiết kế trước mặt chính quyền địa phương”, ông Biền cho biết.

Nhìn sang các nước láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc trong ứng xử với di sản và di tích, PGS Trần Lâm Biền bình luận: “Quốc tế họ lấy khoa học làm đầu. Trí tuệ đi đầu thì tự nhiên mọi sự tránh được tối đa những sai sót. Nếu cứ vỗ ngực mình, tôi làm từ cái tâm, thì nhất định sai lầm. Không có ú ớ mà nói rằng tâm thành ở đây cả, không có chuyện đấy. Cái đó chỉ là để nói lên rằng anh tích cực. Tâm thành, tích cực và sự thiếu hiểu biết là đồng nhất với sự phá hoại. Tóm lại, tuệ và tâm, tâm phải nương vào tuệ và không có tuệ thì nhất định là sai lầm”.

Tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam tại Huế: Thế giới vẫn bảo lưu gần như nguyên trạng di tích

Di sản văn hóa và thái độ ứng xử trước di sản văn hóa để bảo tồn, phát huy giá trị là vấn đề then chốt, thể hiện rõ thái độ, trình độ văn hóa, văn minh của một vùng đất, quốc gia dân tộc. Hành trang lịch sử sẽ luôn là sức mạnh cội nguồn gắn kết với đời sống đương đại, trong đó phương thức lịch sử hóa và huyền thoại hóa là rất hữu hiệu. Có như vậy văn minh Việt, bản lĩnh, bản sắc Việt mới được làm rõ, kết nối tận thời đại vua Hùng, trải các triều đại phong kiến đến tận ngày nay. Ở đây, phương thức lịch sử hóa và huyền thoại hóa đã mang lại nhiều thành tựu văn hóa rực rỡ ở các nước mà chúng ta có thể tham khảo.

Kim chi, nhân sâm và dấu ấn triều đại Choson ở Hàn Quốc được kết nối trở về cội nguồn, tái hiện một cách đặc biệt trân trọng, hình thành nên những con đường lịch sử và văn hóa, trở thành biểu tượng, tạo nên nhiều dấu ấn, sức mạnh đặc trưng của xứ sở này.

Đây có thể là những trường hợp tham khảo, đối sánh thiết thực cho mắm Gò Công và mắm tôm Huế, cà pháo Nghệ An, tương cà Bắc Bộ, dưa muối mắm ruốc miền Trung hay di sản văn hóa triều Nguyễn để lại..., chứ không chỉ là một hoài niệm ký ức quê nghèo thôn dã, hay những tàn tích cần đập bỏ, đào bới cho những dự án trước mắt.

Dinh Độc lập (Philadelphia, Pennsylvania, Hoa Kỳ) đến nay vẫn còn bảo lưu gần như nguyên trạng, nhất là không gian và hiện vật liên quan tới sự ra đời của Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ (từ 1775). Tương tự thì hiện nay chúng ta vẫn còn quá nhiều khoảng trống về lịch sử thời Tây Sơn, như chuyện lần tìm lăng mộ vua Quang Trung đầy khó khăn bởi tệ đào mồ cuốc mả tàn khốc, nghiệt ngã xưa nay.

 

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.