| Hotline: 0983.970.780

Ương nuôi tôm giống khép kín

Thứ Sáu 22/04/2016 , 07:15 (GMT+7)

Mô hình "Ương nuôi tôm giống Green House" theo quy trình Biofloc và SX khép kín của doanh nghiệp tư nhân thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên) đã được tổ chức Bureau Veritas của Pháp đánh giá cao và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP từ năm 2013.

Chúng tôi được tham quan khu SX giống thủy sản công nghệ cao tại xã Xuân Hải, TX Sông Cầu của DNTN Thủy sản Đắc Lộc với quy trình SX tạo con giống chất lượng, cung cấp ra thị trường khoảng 3 tỉ con giống tôm thẻ chân trắng sạch bệnh, chất lượng cao. Đây cũng là một trong những đơn vị cung cấp tôm giống chất lượng cao hàng đầu tại Việt Nam.

Khởi nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản từ những năm 1990, đến năm 2013, Đắc Lộc đã xây dựng mô hình khu ương nuôi Green House theo quy trình Biofloc.

Theo đó, Đắc Lộc đã hợp tác với Cty Aquaculture Promotion Co., Ltd (thuộc Tập đoàn C.P tại Thái Lan) áp dụng công nghệ, kỹ thuật ương nuôi tiên tiến trong quá trình SX, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, trang thiết bị hiện đại. Đồng thời đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ kiểm tra chất lượng con giống và giám sát môi trường; đào tạo đội ngũ nhân viên để áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP trong SX.

KS Lê Mậu Quý, Trưởng phòng Kỹ thuật và công nghệ (DNTN Thủy sản Đắc Lộc) chia sẻ, ao nuôi được trải bạt đáy và bờ để dễ dàng vệ sinh, có thể siphon chất thải trong quá trình nuôi; mái che giúp giảm thiểu sự ảnh hưởng thời tiết và môi trường; hệ thống sục khí đáy cung cấp ôxy đầy đủ, đảo đều chống hiện tượng phân tầng nước.

Ngoài ra, hệ thống cấp, thoát nước tự động giúp dễ dàng thay nước trong quá trình nuôi, giảm nhân công, tiết kiệm điện năng. Diện tích ao nuôi nhỏ (500 m2/ao) nên quản lý và chăm sóc rất thuận lợi, tiết kiệm được chi phí xử lý nước, vi sinh, tôm hoạt động bắt mồi triệt để hơn, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn. Việc sử dụng vi sinh probiotic trong ương nuôi của mô hình đã tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi và hạn chế dịch bệnh…

Còn ông Lê Hữu Tình, Phó GĐ DNTN Thủy sản Đắc Lộc, cho biết: Hiện Đắc Lộc chủ yếu ương tôm giống từ PL12 thành PL40. Thời gian ương từ 25 - 30 ngày tôm sẽ đạt kích cỡ tương đương 1,5 - 2 gr/con.

16-09-38_2
Thu hoạch tôm

Với thành công này, mô hình ương nuôi tôm giống Green House của Đắc Lộc là một trong 5 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản được Bộ NN-PTNT trao giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ II, năm 2015. Mới đây Bộ NN-PTNT tiếp tục trao chứng nhận cho Đắc Lộc là doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tôm giống PL40 có nhiều ưu điểm vượt trội như đề kháng tốt với sự thay đổi đột ngột thời tiết, môi trường và rút ngắn thời gian nuôi từ 95 -100 ngày xuống còn 65 - 70 ngày. Nhờ đó đã giảm chi phí thức ăn từ 15 - 20% (tương đương 140 - 160 triệu đồng/ha/vụ). Hơn nữa tôm tăng trưởng nhanh, tăng năng suất nuôi lên 20 - 30% (tương đương 400 -600 triệu đồng/ha/vụ).

Trong giai đoạn 2016 - 2021, Đắc Lộc tiếp tục không ngừng đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển, tìm kiếm những công nghệ mới để đầu tư, nâng cao trình độ công nghệ vào SX giống, nuôi trồng và chế biến thủy sản, xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh theo hướng bền vững, gia tăng chuỗi giá trị thủy sản, từ tôm bố mẹ, tôm giống được SX công nghệ cao đến các mô hình nuôi tôm thương phẩm chất lượng cao, đảm bảo ATVSTP nhằm giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch, đưa thương hiệu thủy sản Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đánh giá: Mô hình nuôi tôm khép kín của Đắc Lộc mô hình đầu tiên của tỉnh áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP.

Việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào SX của Đắc Lộc đã mang lại những thành công trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là vấn đề kiểm soát được dịch bệnh. Hơn nữa DN này còn xây dựng được chuỗi liên kết rất tốt giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây là một điển hình cần nhân rộng.

Tuy nhiên, Đắc Lộc cũng cần xác định tầm nhìn chiến lược về phát triển thủy sản, tiếp tục nhân rộng các mô hình tiên tiến, áp dụng công nghệ cao để nuôi tôm siêu năng suất, chất lượng. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm rủi ro trong nuôi trồng…

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.