Theo đó, với rừng trồng thuộc sở hữu của chủ rừng, việc xử lý, khai thác rừng bị thiệt hại do chủ rừng quyết định. Sau khai thác, chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi có thời tiết thuận lợi.
Đối với gỗ rừng sản xuất là rừng trồng do nhà nước đại diện chủ sở hữu, rừng phòng hộ là rừng trồng, các bên cần tổ chức đánh giá mức độ thiệt hại, ước tính giá trị lâm sản tận thu; phương thức, điều kiện khai thác, tận thu.
Cụ thể, nếu rừng bị thiệt hại nặng, cây rừng bị đổ gẫy hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gẫy trên 70%), thì khai thác, tận thu toàn bộ số cây. Sau khi khai thác, tận thu, chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi có thời tiết thuận lợi.
Nếu rừng bị thiệt hại nhẹ, số cây còn lại vẫn đủ tiêu chí thành rừng, chủ rừng chỉ tận thu những cây bị đổ, gẫy.
Riêng với rừng tự nhiên (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất), do chủ trương đóng cửa rừng của Nhà nước, chủ rừng chỉ tiến hành vệ sinh rừng; thu gom, xử lý vật liệu cháy, sửa chữa các đườngbăng cản lửa giảm nguy cơ cháy rừng.
Áp dụng các biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung để phục hồi rừng, nâng cao chất lượng rừng.
Thời gian tới, Cục Lâm nghiệp đề nghị Sở NN-PTNT các địa phương kể trên chỉ đạo khắc phục vườn ươm và chuẩn bị cây giống.
Trong đó, địa phương chủ động rà soát các nguồn giống, khả năng cung ứng cây giống và nhu cầu sử dụng để lập phương án sản xuất, hỗ trợ cây giống trồng lại rừng. Đồng thời, khẩn trương khắc phục, sửa chữa, tiêu độc khử trùng các vườn ươm để đưa vào sản xuất.
Thực hiện các biện pháp kỹ thuật khơi rãnh thoát nước, phun thuốc phòng chống nấm bệnh ảnh hưởng đến số lượng cây con hiện còn; đồng thời, triển khai ngay công tác sản xuất cây giống có hiệu quả, chất lượng, đảm bảo cung cấp đủ cây giống cho công tác trồng, chăm sóc rừng bị thiệt hại.
Cục trưởng Trần Quang Bảo đặc biệt lưu ý vấn đề chọn loài cây, phục hồi, trồng lại rừng. Theo ông, việc tổ chức thực hiện cần tuân thủ chặt chẽ Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Trong đó, ưu tiên rà soát và phân định ranh giới 3 loại rừng trên thực địa, đưa những khu vực có độ dốc cao, nguy cơ sạt lở vào quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện các biện pháp trồng rừng.
"Để phục hồi rừng một cách hiệu quả, nên ưu tiên trồng cây bản địa, cây đa tác dụng; cây có tán lá rậm, thường xanh, hệ rễ phát triển; cây sống lâu năm; cây có khả năng chống chịu gió bão, sâu bệnh; cây sinh trưởng, phát triển tốt, có khả năng thích nghi với môi trường và các điều kiện lập địa khắc nghiệt", ông Bảo chia sẻ. Trong thời gian phục hồi, địa phương cũng chú ý việc trồng rừng hỗn loài, đa tầng tán.
Về nguồn vốn hỗ trợ khắc phục thiệt hại, Cục Lâm nghiệp cho biết, đối với những diện tích rừng bị thiệt hại thuộc vùng được chi trả dịch vụ môi trường rừng thì sử dụng trong 5% kinh phí theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 70 Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với các diện tích rừng bị thiệt hại khác thì sử dụng nguồn kinh phí theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 02/2017/CP.