Theo thống kê, sau đợt giãn cách xã hội lần thứ tư, tỉnh Bến Tre chỉ có 16% doanh nghiệp hoạt động so với điều kiện bình thường. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp phải cắt giảm đơn hàng. Một số doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất, thiếu lao động. Hoạt động xuất khẩu bị chậm lại. Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu quy mô nhỏ ngưng hoạt động do không bảo đảm được vừa sản xuất vừa chống dịch.
Đại diện hầu hết các DN hoạt động trên địa bàn tỉnh Bến Tre nêu cao quyết tâm, nỗ lực đồng hành cùng lãnh đạo tỉnh trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, các DN mong lãnh đạo tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cộng đồng DN tỉnh cũng mong tỉnh sớm đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người dân. Đặc biệt là các lao động đang làm việc tại các DN nhằm đảm bảo sản xuất an toàn. Đồng thời, có các cơ chế chính sách linh hoạt, phù hợp để tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại tỉnh, …
Để kịp thời đưa kinh tế tỉnh Bến Tre sớm khôi phục trở lại, ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre Bến Tre cũng chính quyền địa phương các cấp cần tích cực hơn nữa trong đổi mới tư duy. Mà trước hết là tư duy kinh tế, coi doanh nghiệp là một trong những trụ cột trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Lê Đức Thọ nhấn mạnh: “Cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng trong tình hình mới”.
Để làm được như vậy thì trước mắt, các ngành, các cấp cần triển khai đầy đủ, kịp thời, thủ tục nhanh, gọn về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Nhất là các chính sách về thuế. Ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để duy trì và phát triển sản xuất.
Ông Lê Đức Thọ cho rằng cần có chính sách hỗ trợ nông dân ổn định kinh tế, tái sản xuất, nhất là ưu tiên nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khâu lưu thông hàng hóa, kết nối tiêu thụ sản phẩm, nông sản tại địa phương. Thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.