| Hotline: 0983.970.780

Văn chương trẻ trên đường dài sáng tạo

Thứ Sáu 24/06/2022 , 18:20 (GMT+7)

Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 vừa diễn ra hai ngày 18-19/6 tại Đà Nẵng, nhận được sự quan tâm của các vị lãnh đạo cao cấp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng hoa cho đại biểu Trần Phú Minh Anh và Vũ Nguyên.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng hoa cho đại biểu Trần Phú Minh Anh và Vũ Nguyên.

Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 vừa diễn ra hai ngày 18-19/6 tại Đà Nẵng, nhận được sự quan tâm của các vị lãnh đạo cao cấp. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen ngợi hai gương mặt trong Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc 2022 là nhà văn trẻ Trần Phú Minh Anh (đại biểu trẻ nhất, 15 tuổi, học sinh tại TP.HCM) và nhà thơ trẻ Vũ Nguyên (đại biểu là người khuyết tật, cư ngụ tại Sầm Sơn, Thanh Hóa). Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng gửi quà tặng đến các nhà văn trẻ, mỗi đại biểu một cái đồng hồ, với lời nhắc nhở hãy trân trọng từng khoảnh khắc tuổi trẻ để sáng tạo.

Từ Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10, không khó để nhận ra một thế hệ hệ cầm bút mới đã xuất hiện. Trong đó có những cây bút tiêu biểu như Vũ Đức Anh 28 tuổi đã có 4 tiểu thuyết, Huỳnh Lê Triều Phú 25 tuổi xuất bản 9 đầu sách, Phạm Minh Quân 28 tuổi có 5 đầu sách dịch, Phát Dương 26 tuổi có 3 tập truyện ngắn in riêng, Trác Diễm 33 tuổi, đã xuất bản 3 tiểu thuyết và 3 tập truyện ngắn, Vũ Thị Huyền Trang 35 tuổi đã xuất bản 11 tập truyện ngắn, tùy bút… Đặc biệt phải kể đến Nguyễn Bình 20 tuổi, sinh viên đang học Thiên văn học ở Mỹ đã dịch kiệt tác Truyện Kiều sang tiếng Anh và được giới nghiên cứu quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, như chính ban tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 thú nhận, lực lượng viết lý luận phê bình văn học khá mỏng, nằm trong độ tuổi cao nhất của các đại biểu trẻ. Đồng thời, đội ngũ những người dịch thuật văn học cũng khá hiếm, trong khi sách dịch chiếm tỉ trọng áp đảo trên thị trường sách hiện nay.

Làm sao để người trẻ tiếp tục đi đường dài sáng tạo? Nhà thơ Hữu Việt với tư cách Trưởng ban Nhà văn Trẻ của Hội Nhà văn VN bày tỏ băn khoăn: “Việc viết văn thường bắt đầu từ ham thích bản năng chứ không hẳn họ có ngay ý thức đây sẽ là “nghiệp văn” theo mình suốt cả cuộc đời. Có lẽ vì vậy mà dẫn đến thực tế, một số người có tài hoặc giàu tiềm năng văn chương đã dễ dàng từ bỏ bút mực để chuyển sang làm công việc khác khi nhu cầu cuộc sống có những đòi hỏi cụ thể; coi những thành công văn chương thuở nào chỉ là “ký ức vui vẻ”. Chiều ngược lại, những người không có thực tài lại đằng đẵng đeo đuổi nghiệp văn, trong khi lẽ ra họ có thể thành công và cống hiến nhiều hơn ở những nghề nghiệp khác”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại hội thảo 'Vì sao chúng ta viết'.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại hội thảo "Vì sao chúng ta viết".

Nhà văn trẻ các dân tộc thiểu số cũng dự phần vào dòng chảy văn chương Việt một cách tích cực bằng màu sắc văn hóa độc đáo của họ, như Vàng A Giang dân tộc Mông ở Lào Cai, Nguyễn Văn Toan dân tộc Tày ở Hà Giang, H Xíu H Mok dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk, Hà Sương Thu dân tộc Nùng ở Bắc Kạn,  Ksor H’Yuên dân tộc Jarai ở Gia Lai, Pơloong Plenh dân tộc Ka Tu ở Quảng Nam...

Nhà thơ trẻ Kiều Maily dân tộc Chăm ở Ninh Thuận, tâm niệm: “Trong kiếp nhân sinh lăn lóc có nhiều băn khoăn mà tôn giáo huyền nhiệm hay triết học thông thái không thỏa mãn được, khoa học chính xác cũng dừng lại vì những giới hạn đương nhiên. Trong cái mênh mông thẳm sâu ấy văn chương có thể mang lại những kích thích hoặc sẽ là phương tiện đồng hành của cuộc đời một con người.

Qua văn chương, người viết cũng như người đọc, có thể bay lượn nhảy múa hoặc trầm tư nhìn ngắm thế gian nhìn người nhìn mình một cách tự do. Như một nét đẹp gì đó từ ngôn ngữ. Gần hơn tí, mà không phải dễ hơn, là văn chương còn có thể soi sáng rất nhiều sự thật chưa được khơi mở trong cõi người, trong thâQn phận người vốn luôn khốn khó”.

Hà Nội và TP.HCM vẫn là hai nơi có số lượng đại biểu nhiều nhất góp mặt ở Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc. Có cả thảy 22 cây bút trẻ của TP.HCM được chọn lựa làm đại biểu, là những gương mặt tiêu biểu thuộc thế hệ thứ tư của văn chương TP.HCM sau khi đất nước thống nhất.

Với đặc trưng của một đô thị lớn, hội tụ và lan tỏa, TP.HCM liên tục thu hút dòng người khắp nơi đổ về sinh sống và lập nghiệp. Văn hóa chắt chiu từ cố hương và lối sống năng động của đô thị trẻ, đã bồi đắp bản sắc văn chương TP.HCM, đặc biệt là sự xuất hiện liên tục của các nhà văn trẻ nối tiếp nhau. Thế hệ nhà văn trẻ thứ nhất với Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, Đoàn Vị Thượng, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc, Cao Vũ Huy Miên... Thế hệ nhà văn trẻ thứ hai với Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Nguyễn Thị Châu Giang, Trần Nhã Thụy, Phan Trung Thành, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Hồn Nhiên... Thế hệ nhà văn trẻ thứ ba với Võ Thu Hương, Trần Hoàng Nhân, Phương Huyền, Tiểu Quyên, Trần Minh Hợp, Nguyễn Phong Việt, Anh Khang, La Thị Ánh Hường...

Thế hệ nhà văn trẻ thứ tư là đại biểu Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc 2022. Dù ở độ tuổi dưới 35, có những người đã có tác phảm được công chúng chú ý như Văn Thành Lê, Ngô Thúy Nga, Huỳnh Trọng Khang, Trần Võ Thành Văn, Nguyễn Dương Quỳnh, Nguyễn Trần Thiên Lộc, Võ Chí Nhất, Trần Đức Tín... và cũng có những cây bút đang từng ngày khẳng định phong cách như Hoàng Hiền, Trần Ngọc Mai, Nguyễn Đình Minh Khuê, Nguyễn Thị Thanh Hoa, Nguyễn Trần Khải Duy, Phã Nguyện, Trương Mỹ Ngọc...

Đặc biệt, đại biểu trẻ nhất của Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc 2022 là một nữ sinh trung học tại TPHCM có họ tên đầy đủ Trần Phú Minh Anh. Sinh năm 2007, Trần Phú Minh Anh với bút danh Minh Anh đã có truyện dài “Bức tranh huyền bí” được in ở Nhà xuất bản Kim Đồng. “Bức tranh huyền bí” được Minh Anh viết từ năm 11 tuổi. “Bức tranh huyền bí” là một tác phẩm văn học kỳ ảo (fantasy) về hành trình của cô bé Amy đi tìm bí mật được đồn đại khá rùng rợn xung quanh một bức tranh cổ treo góc khuất trong ngôi biệt thự. Cô bé Amy muốn hóa giải lời nguyền bức tranh, để người thân của mình không còn ai bị tai ương gì nữa. Hành động dũng cảm và trái tim lương thiện của cô bé Amy đã dắt độc giả cùng phiêu lưu qua 13 chương ngắn của “Bức tranh huyền bí” khá hấp dẫn.

Nhà thơ Hữu Thỉnh và đại biểu Nguyễn Kim Hương của tỉnh Hậu Giang.

Nhà thơ Hữu Thỉnh và đại biểu Nguyễn Kim Hương của tỉnh Hậu Giang.

Ở một đô thị nhộn nhịp như TP.HCM, thì văn chương trẻ cũng vận động đa dạng và phong phú. Các nhà văn trẻ được đào tạo ở nhiều môi trường khác nhau và mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, nên trải nghiệm của chính họ đã hắt lên trang viết những màu sắc riêng biệt và bất ngờ. Nhà văn trẻ Văn Thành Lê từng làm giáo viên trước khi chuyển sang ngành xuất bản, thổ lộ: “Tôi đến với văn chương vô cùng hồn nhiên. Như mọi đứa trẻ quê, thích nghịch đất bờ ao, chơi khăng, đánh đáo, nhảy dây, trốn tìm. Ngoài ra, tôi nghịch thêm với chữ. Từ tập truyện ngắn đầu tay non tơ vụng dại đến những tập truyện sau. Tôi tự thấy mình đã khác với chính mình của ngày hôm qua”.

Còn nhà văn trẻ Võ Chí Nhất đang là một chiến sĩ công an công tác trên mảnh đất Củ Chi chôn nhau cắt rốn của mình thì quan niệm “Người viết phải bắt đầu từ những điều gần gũi nhất, am hiểu nhất” để theo đuổi mảng đề tài điều tra phá án, mà tập truyện trinh thám “Muội tro” thực sự đánh dấu sự bứt phá của anh.

Trong đoàn đại biểu TP.HCM tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc 2022, có hai cây bút cùng sinh năm 1989 và từng được trao Giải thưởng Nhà Văn Trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM là Ngô Thúy Nga và Trần Đức Tín. Nhà thơ trẻ Ngô Thúy Nga có tập thơ “Nốt lặng” được Giải thưởng Nhà Văn Trẻ năm 2016, với những bâng khuâng: “Em khâu lại năm tháng đi qua trên chiếc áo đã bạc sờn/ Một thời rách toạc/ Giờ đã vẹn nguyên sau mấy lần tay em chảy máu/ Chẳng còn cảm giác đau”. Còn nhà thơ trẻ Trần Đức Tín có tập thơ “Ở đậu trong nhau” được Giải thưởng Nhà Văn Trẻ năm 2021, với nhiều day dứt: “Mẹ không già đi/ Và chúng ta thở trong nhau, em ạ/ Giấc mơ cũng chẳng phải giấc mơ nữa/ Như chiều nay tôi qua phà nghe lòng bớt buồn hơn”.

Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc có ý nghĩa như một cuộc điểm danh lực lượng viết trẻ. Riêng tại TP.HCM, văn chương trẻ trong dòng chảy đô thị sáng tạo vẫn đang hứa hẹn nhiều tác phẩm từ những cây bút mới như Trần Duy Thành, Trương Kim Ngọc, Phan Lê Vĩnh Thuận, Thái Cường, Lê Thị Thịnh, Nguyễn Anh Nhật, Quỳnh Trần... 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất