Để trở thành một nước công nghiệp, trong những năm tới, nước ta tiếp tục phải tăng tốc phát triển các ngành nghề công nghiệp. Nguy cơ nhiều vùng nông thôn vốn xanh và trong lành sẽ bị ô nhiễm nặng, ruộng đất sản xuất lúa và các sản phẩm nông nghiệp khác bị biến thành nhà xưởng, khu dân cư, nông dân bị thất nghiệp sau khi ruộng đất của họ bị thu hồi, văn hoá làng bị đe doạ, phá huỷ…
Tiếp cận ở góc độ khác, quan điểm của các nhà khoa học trên thế giới cho rằng văn minh công nghiệp ra đời trên cơ sở phủ định văn minh nông nghiệp, rõ ràng đang là một thực tế không thể chối cãi ở một số địa phương của nước ta.
Bởi thế, không phải là không có lý khi gần đây, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, khi đề cập đến vấn đề “tam nông”, đang đặt ra câu hỏi, tại sao chúng ta cứ phải theo đuổi một nền văn minh công nghiệp mà không đi thẳng vào văn minh hậu công nghiệp?
Văn minh hậu công nghiệp là kết quả của làn sóng cách mạng khoa học công nghệ lần thứ ba. Văn minh hậu công nghiệp gần gũi với nền văn minh nông nghiệp, vì công nghệ cao có khả năng áp dụng trong hoàn cảnh nông nghiệp (ví dụ công nghệ sinh học có thể phù hợp với nhu cầu xã hội, với nguồn nguyên liệu sẵn có và điều kiện sản xuất phân tán ở các nước còn nặng về sản xuất nông nghiệp). Đồng thời, một nền nông nghiệp truyền thống hoàn toàn có thể đi thẳng vào văn minh hậu công nghiệp mà không bắt buộc phải trải qua tất cả các giai đọan của quá trình công nghiệp hoá đầy tốn kém và gây những tác hại không nhỏ tới nông nghiệp, nông thôn, nông dân và môi trường.
Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ, chúng ta đã bỏ ra 2,5 tỷ USD để xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất, và đã giải quyết được công ăn việc làm cho 4.000 lao động. Trong khi đó, cũng với số tiền như thế, nếu đầu tư vào du lịch sinh thái cao cấp thì có thể giúp cho 40.000 lao động có được việc làm, đồng thời tạo và giữ được cảnh quan, môi trường thiên nhiên sạch đẹp, trong lành.
Đấy cũng là một khía cạnh minh chứng cho sự khác nhau rất rõ giữa văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp.