Sáng 9/1, Bộ NN-PTNT tổ chức “Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị, cùng tham dự có các Thứ trưởng, trưởng các đơn vị thuộc Bộ.
Sau khi lắng nghe những ý kiến, chia sẻ của các Thứ trưởng và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có bài phát biểu về phương hướng hoạt động để có thể đạt được những mục tiêu của ngành trong năm 2025.
Nhìn thẳng vào hạn chế
Mở đầu, mượn câu chuyện cổ về thông điệp “Rồi mọi chuyện cũng sẽ qua”, Bộ trưởng nhắn nhủ, dù vui hay buồn, mọi việc rồi sẽ trôi qua, chỉ có tình người ở lại. “Thời khắc cuối năm thường để lại nhiều cảm xúc khác lạ, là dịp để chúng ta nhìn lại kết quả công việc năm qua, và đề ra mục tiêu, phần việc cho ba trăm sáu mươi lăm ngày tiếp đến”, Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp nhắc lại, cách đây không lâu, ngành đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết năm 2024 với đúc kết “Điểm tựa và Niềm tin”. “Những kết quả vượt bậc trong thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu của ngành thật ấn tượng, đầy tự hào. Nhưng rồi cũng sẽ qua”, ông nói.
Bộ trưởng không nhắc lại những con số, thay vào đó nhấn mạnh ngành nông nghiệp đã làm được nhiều việc, nhất là đã kiên cường vượt qua hệ lụy từ cơn bão Yagi: “Cùng với bà con nông dân, doanh nghiệp và các địa phương tập trung phục hồi nhanh, như là cách để giảm thiểu thiệt hại hết mức có thể”.
Cùng với đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng gửi lời tri ân đến các Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị cũng như ghi nhận sự đóng góp của bà con nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương.
Với triết lý “trong cơn mưa, nếu nhìn xuống đất sẽ thấy bùn, nhưng nếu nhìn về phía trước sẽ thấy cầu vồng”, người đứng đầu ngành nông nghiệp nói, bây giờ là lúc khép lại năm cũ đầy tự hào và nhìn thẳng vào những mặt còn hạn chế để bước vào năm 2025 với thông điệp hành động: “Thích ứng linh hoạt - Khơi thông nguồn lực - Tăng tốc bứt phá”.
“Tất cả chúng ta, thay vì đứng ngoài cuộc, hãy cùng nhau rút ra bài học kinh nghiệm chung và bài học trong từng đơn vị, tổ chức của mình trên tinh thần trách nhiệm cao nhất”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắn gửi.
Đi nhanh hơn để đi xa hơn
Tâm sự về cảm xúc khi Bộ NN-PTNT thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ trưởng nói: “Các đồng chí trăn trở bao nhiêu thì trăn trở của tôi là tổng của những trăn trở đó, thậm chí là cấp số nhân”. Nhưng ông cũng nhấn mạnh, "chúng ta cùng nhau quán triệt đầy đủ tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, đây là mệnh lệnh để chúng ta có bộ máy hành chính hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả bước vào kỷ nguyên mới".
Trước các Thứ trưởng, trưởng các đơn vị, Bộ trưởng trích dẫn lại nội dung trong cuốn sách về thời kỳ đổi mới: “Một hệ thống tốt phải là một hệ thống có khả năng điều chỉnh cao. Tùy theo từng thời kỳ, tùy theo những điều kiện xã hội, văn hóa và tâm lý, tổ chức hệ thống cũng phải thay đổi để thích ứng.
Với cách thông tin bằng ngựa chạy trạm thì tổ chức hệ thống khác với thông tin bằng telephone. Với hệ thống truyền thông và lưu trữ dữ liệu bằng hệ thống tin học hiện đại thì mối quan hệ lại càng phải khác đi. Tính ưu việt của một hệ thống không chỉ là sự nhanh chậm của việc truyền dẫn các thông tin, mà còn là sự nhanh chậm trong việc vận dụng tối đa các khả năng của khoa học kỹ thuật để không ngừng tự hoàn thiện”.
Theo Bộ trưởng, chúng ta đang ở trong thời đại của trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật với nhiều công cụ như ChatGPT và ông xem ChatGPT như một thư ký ảo của mình.
Vì vậy, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, mọi thay đổi đều khó khăn, nhất là thay đổi liên quan đến bộ máy, con người. Muốn thay đổi những thứ quá quen thuộc không chỉ trong ngày một ngày hai, cùng với đó là lo lắng về tương lai.
Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, cảm thấy “ấm lòng” khi được những con người của Bộ NN-PTNT thấu hiểu, chia sẻ qua nhiều hình thức trao đổi khác nhau. Từ đó, Bộ trưởng tin rằng, mỗi người đều có thể tự cân bằng cảm xúc và làm một cuộc cách mạng trong bộ máy.
Người đứng đầu Bộ NN-PTNT nhấn mạnh: ““Thích ứng linh hoạt - Khơi thông nguồn lực - Tăng tốc bứt phá” sẽ bắt đầu từ nguồn lực bên trong sau khi sắp xếp, hợp nhất bộ máy giữa 2 Bộ và bên trong Bộ mới”.
Một lần nữa, Bộ trưởng khẳng định, rất hạnh phúc khi được làm việc với những con người của Bộ NN-PTNT, từ đó có thêm những kiến thức chưa biết, những cách làm việc còn hạn chế. Ngoài ra, còn là nguồn năng lượng, cảm xúc để vượt qua khó khăn. “Nhiều đồng chí, địa phương đã đúc kết cán bộ, công chức, viên chức Bộ NN-PTNT làm việc rất chân tình, thậm chí có người còn dùng từ “rất hiền”. Tôi cảm nhận được và xin chân thành cảm ơn”, Bộ trưởng chia sẻ thêm.
Trước những thay đổi nhanh chóng trên toàn cầu về tư duy, về khoa học, về phương thức làm việc, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta đang đứng trước tư duy về quản trị Nhà nước và quản trị xã hội. Cụ thể, nhiều việc trước đây do Nhà nước thực hiện, sắp tới sẽ chuyển giao hoặc chuyển giao một phần cho xã hội. Song song đó, những việc trước đây của Trung ương, sẽ chuyển giao, phân cấp, ủy quyền cho các địa phương. “Chắc chắn bộ máy sẽ khác đi”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Trước bối cảnh biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ, sự thay đổi buộc mọi cá nhân, tổ chức phải đi nhanh hơn để đi xa hơn. Trong thời đại của nền nông nghiệp tri thức, nông nghiệp xanh, nông nghiệp số, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp liên thông, gắn kết đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ trưởng cho rằng, sự cắt khúc trong bộ máy đang làm giới hạn không gian phát triển. Nếu thay đổi được, ngành nông nghiệp có thể tăng trưởng nhiều hơn 3,5%, xuất khẩu cao hơn 62,5 tỷ USD.
Nông nghiệp hiện đại và bền vững
Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng một trong những giải pháp quan trọng là áp dụng mô hình nông nghiệp hiện đại và bền vững. “Các mô hình như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp số,… sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đảm bảo sự phát triển lâu dài”, ông nói.
Theo đó, nông nghiệp tuần hoàn là chìa khóa để giảm thiểu lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bằng việc kết hợp trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản một cách hợp lý, nông nghiệp tuần hoàn không chỉ giúp tăng năng suất mà còn bảo vệ hệ sinh thái, tạo ra giá trị gia tăng từ các sản phẩm nông sản.
Bộ trưởng nói, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp có thể còn nằm ở các sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn chưa thống kê được. Những mô hình nuôi trồng kết hợp không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ đất, giảm phát thải, đem lại giá trị lớn.
Nông nghiệp chính xác và thông minh là xu hướng phát triển dựa vào tiến bộ khoa học, công nghệ, giúp người nông dân có thể theo dõi, quản lý một cách chính xác và hiệu quả. Từ đó, giúp giảm chi phí, tối ưu năng suất, đem lại lợi ích cho cả người sản xuất lẫn người tiêu thụ.
Nông nghiệp đa tầng giá trị là bước chuyển quan trọng trong xây dựng thương hiệu nông sản, khi kết hợp chế biến, bao bì, marketing và xuất khẩu. Điều này giúp nông sản Việt Nam tạo ra chuỗi giá trị bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ.
Để những mô hình nông nghiệp này hoạt động hiệu quả, theo Bộ trưởng, cần đến chuyển đổi mô hình quản lý điều hành. Cụ thể là chuyển từ tư duy quản lý đơn ngành sang đa ngành, áp dụng các mô hình kết hợp nông nghiệp với lâm nghiệp, thủy sản, du lịch... giúp tạo ra hệ sinh thái phát triển toàn diện, tối ưu hóa tài nguyên và mang lại giá trị cao hơn.
Qua đó, Bộ trưởng mong muốn các Thứ trưởng, các trưởng đơn vị cũng thay đổi tư duy, tạo ra sự liên kết để đem lại hiệu quả theo cấp số nhân chứ không phải chỉ cấp số cộng.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chia sẻ mong muốn về thay đổi cách thống kê trong ngành nông nghiệp. Theo ông, thay đổi không phải vì thành tích mà thống kê đầy đủ sẽ giúp ngành nông nghiệp nhìn nhận được những dư địa có thể phát triển.
Muốn kết quả mới phải thay đổi cách làm
Với Bộ trưởng, nông nghiệp không chỉ trồng cây, mà còn trồng ý tưởng mới để tạo ra giá trị bền vững: “Chúng ta không thể làm nông nghiệp theo cách cũ và mong đợi kết quả khác. Tư duy mới là chìa khóa của thay đổi và tư duy nông nghiệp tích hợp cần điều hành liên ngành, liên lĩnh vực”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, mỗi người mới đang chỉ vận dụng được 10% khả năng của mình. Do đó, ông mong muốn sẽ có sự chuyển biến năng lực, tinh hoa của mỗi người, để khai phóng được tiềm năng, thoát ra khỏi lối mòn, thói quen của bản thân.
Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp vẫn còn những không gian để phát triển, không gian đó nằm trong chính mỗi con người đang làm việc trong ngành. Giá trị đó còn tăng lên nữa nếu các đơn vị tương đồng trong Bộ tạo ra được sự liên thông, chia sẻ với nhau.
Để giúp ngành đạt tăng trưởng tốt, không thể không nhắc đến sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, nhưng Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta muốn hỗ trợ, đầu tư thế nào thì phải nêu ra thật cụ thể, không thể nói chung chung được. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ phải thực chất, đến được với người nông dân.
Để có được điều đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyến khích những người xây dựng chính sách về với nông dân, đối thoại và thấu hiểu người nông dân để có được một văn bản phù hợp, khả thi.
Trở lại với vấn đề tăng trưởng của ngành, Bộ trưởng nói mặc dù nhiều mặt hàng đã được đàm phán, mở cửa thị trường nhưng giá trị chưa tăng. Vì thế, các cơ quan chuyên môn cần ngồi lại với doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, để tìm ra nguyên nhân và cùng khắc phục điểm nghẽn.
Nhắc lại nội dung trong Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: “Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị”, Bộ trưởng tiếp tục trăn trở “Rồi sao nữa?”.
Theo ông, tư duy kinh tế có 4 cấp độ, lần lượt là: Hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang dần bước từ hàng hóa sang sản phẩm. Nếu vươn lên được cấp độ dịch vụ hay trải nghiệm, thì sẽ hiểu được vì sao có những sản phẩm được bán với giá cao hơn 50 lần so với giá trị thực.
Tổng kết lại, Bộ trưởng nhấn mạnh việc phải mở ra một không gian phát triển mới trong bối cảnh những dư địa sản xuất truyền thống đã đến giới hạn. “Nếu vẫn làm việc theo cách cũ, không thay đổi, thì giá trị của ngành nông nghiệp khó có thể tăng trưởng tiếp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Trước các đại biểu tham dự hội nghị, Bộ trưởng khẳng định rất tự tin trước năng lực của nhân sự trong ngành nông nghiệp, những người có thể nâng cao khả năng làm việc của mình. Và thông điệp của người đứng đầu ngành nông nghiệp một lần nữa được nhắc lại: “Nếu bạn muốn có được thứ bạn chưa từng có, bạn phải sẵn sàng làm những điều bạn chưa từng làm”.
Cũng tại hội nghị sáng 9/1, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT) đã công bố quyết định tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang, cho một số cá nhân của Bộ NN-PTNT.
Cụ thể gồm: Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Hoàng Trung và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Văn Việt.