Nghĩ khác, làm khác trong kỷ nguyên mới
Để có những kết quả như trong năm 2024, đầu tiên chúng ta phải trân quý người nông dân, nhất là những bà con đã chịu tổn thất sau cơn bão số 3. Dù có thắng lợi gì mà không có chỗ dựa là bà con nông dân thì cũng rất khó. Có lẽ chúng ta cần công bằng hơn trong những đánh giá, bởi doanh nghiệp, Bộ NN-PTNT, hay các bộ, ngành là những người tạo ra sự kết nối, liên lạc trong chuỗi sản xuất.
Kinh nghiệm đầu tiên thu được từ năm vừa qua, là từ sự năng động của các địa phương trong việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Điều ấy đã thẩm thấu dần vào trong xã hội. Bà con nông dân, chính quyền địa phương đều biết rằng chỉ đạo sản xuất phải kết nối được tới thị trường. Nhiều hội chợ kết nối giao thương đã được tổ chức, từ Sơn La, Hưng Yên, Hải Dương, Tây Nguyên và Đông Nam bộ..., tất cả đều năng động và chủ động kết nối. Ngày xưa chúng ta cứ nghĩ rằng, chúng ta phải thúc đẩy bà con sản xuất nhiều hơn, nhưng quan điểm ấy giờ cần thay đổi, nghĩa là cùng với sản xuất phải áp dụng thêm tư duy kinh tế, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.
Thứ hai nữa là chúng ta đã hiểu được rằng thị trường rất đa dạng. Mỗi thị trường có tiêu chuẩn, quy chuẩn, có giá trị riêng, có những hàng rào kỹ thuật. Thông tin từ Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao hay Bộ Công thương, giữa cơ quan, tổ chức đã cố gắng chuyển về một cách nhanh nhất cho các địa phương, đến tận bà con nông dân. Tất nhiên cũng còn chỗ này chỗ kia nhưng rõ ràng, tư duy sản xuất theo thị trường đã từng bước được hình thành. Sản xuất cho thị trường Hoa Kỳ sẽ khác với xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, thậm chí để bán được sản phẩm chúng ta phải tìm hiểu thêm cả văn hóa, thị hiếu của từng khu vực.
Đây không đơn giản là câu chuyện sản xuất - mua bán nữa, mà là sự định hình thói quen sản xuất theo tín hiệu thị trường, nghĩa là chúng ta bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái mà chúng ta có. Hay nói một cách khác, là biến sản phẩm trở thành thương phẩm. Sản phẩm là cái chúng ta làm được, còn thương phẩm là cái mà chúng ta đem bán. Kim ngạch 62,5 tỷ USD năm 2024 là thành quả của một hệ sinh thái gắn liền với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng và người dân để vừa phát triển những thị trường cũ, vừa mở ra những thị trường mới, để chúng ta không gặp rủi ro ở bất cứ thị trường nào.
Duy trì, phát triển hơn nữa những kết quả đã đạt được, giúp người nông dân đảm bảo tốt hơn cuộc sống vẫn là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng chúng ta vẫn có thể lạc quan nếu biết cách khai thác tốt hơn những gì có trong tay. Ví dụ như nông nghiệp tuần hoàn. Có lẽ, ngành nông nghiệp và bà con mình mới bắt đầu một cách sơ khai vào con đường này. Lâu nay người nông dân mới biết cách trồng cây lúa, lấy hạt gạo đem bán, mà đôi khi quên mất rằng rơm rạ, trấu... có thể làm giá thể, hoặc làm viên nén cho năng lượng sinh khối. Hiện nay bà con đã manh nha biết cách biến phế phụ phẩm nông nghiệp thành chế phẩm sinh học, rồi tuần hoàn đưa vào lại trong đất, canh tác cho mùa vụ mới.
Nhân đây, tôi mong mỏi rằng chúng ta đừng nhìn vào giá trị của một nông sản cụ thể, bởi đó là tầng thấp nhất trong chuỗi giá trị - bán thô sản phẩm. Vì lẽ đó, chúng ta có thể vui mừng vì năm vừa qua Bộ NN-PTNT đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, góp phần tăng dần tỷ trọng sản phẩm chế biến, thứ luôn có giá trị gấp hàng chục, hàng trăm lần.
Nếu cứ giữ cái nhìn cục bộ, đơn ngành, rất khó để tăng giá trị cho nông sản. Một ví dụ nữa là cà phê, lâu nay người dân chỉ quan tâm bán hạt cà phê, tới thứ nước pha ra từ hạt cà phê, vốn chỉ chiếm khoảng 2% giá trị, còn hơn 98% giá trị còn lại thì đổ bỏ. Trong khi bã cà phê có thể tái sử dụng làm giá thể trồng rau thủy canh, làm phân bón cải tạo đất, thậm chí chế biến thành mỹ phẩm. Nhiều quốc gia đã áp dụng nguyên lý tuần hoàn vào bã cà phê. Họ lấy bã cà phê trồng nấm, rồi lấy toàn bộ phế phụ phẩm còn lại sau thu hoạch nấm làm thức ăn chăn nuôi.
Những mô hình về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh như vậy buộc chúng ta phải nghĩ khác đi trong công tác chỉ đạo sản xuất. Thay vì bỏ đi và phải tốn thêm công xử lý để bảo vệ môi trường, chúng ta có thể áp dụng nguyên lý tuần hoàn để không bỏ đi thứ gì. Tôi muốn nhấn mạnh như vậy để tất cả thấy được, rằng kết quả 2024 là rất tốt nhưng với thế giới đang thay đổi chóng mặt, chúng ta vẫn còn dư địa để có thể làm tốt hơn.
Trong nhiệm vụ chung ấy có trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, báo chí. Thay vì đơn thuần phản ánh giá thuốc BVTV, phân bón tăng cao, gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân, thì nên tìm tòi để nêu gương những người nông dân biết chủ động sản xuất ra phân bón, hoặc các tiến bộ kỹ thuật, tri thức bản địa... giúp giảm, tiết kiệm chi phí đầu vào. Tôi có dịp vào Đắk Lắk, thăm vườn mấy bác nông dân trồng sầu riêng sử dụng tỏi, gừng, bã rượu... mà mê quá. Làm như vậy là đã thay thế một phần thuốc BVTV, nâng cao sức khỏe cho cây trồng.
Đầu năm mới 2025, tôi hy vọng cả ngành nông nghiệp lẫn cơ quan truyền thông cùng nghĩ và làm khác đi. Hãy luôn trăn trở, rằng bà con đang cần mình dữ lắm. Chúng ta phải là chiếc "la bàn" để bà con đi đúng hướng, chứ đừng để bà con hoang mang, buồn bã, nản lòng hơn nữa, bởi khi rơi vào tâm lý ấy, bà con sẽ giảm năng suất làm việc. Mỗi khi đặt bút định viết một điều gì đó, hãy dừng lại và tự hỏi rằng làm như vậy đã đủ động viên bà con mình chưa, đã đủ để người nông dân vượt qua khó khăn chưa?
Sản xuất nông nghiệp có đặc thù là phụ thuộc chặt chẽ vào thời tiết. Nắng nóng cũng lo, mưa nhiều cũng lo, mưa sớm cũng lo, mưa muộn cũng lo. Thay vì để ý đến mấy tiểu tiết, hãy nghĩ nhiều hơn đến những giá trị tích cực mà bà con có thể tiếp nhận.
Dưới chân có thể là bùn, nhưng phía xa có cầu vồng đứng đợi
Đến thời điểm này, có thể khẳng định tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã vượt xa mục tiêu của nhiệm kỳ 2021-2025, chẳng hạn mục tiêu năm 2030 xuất khẩu rau quả đạt 5 tỷ USD thì nay đã vượt mốc 7 tỷ USD. Ngành nông nghiệp, vì thế, phải định hướng những nhiệm vụ mới, làm sao để tăng tốc, đột phá hơn nữa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Việt Nam có hơn 33 triệu ha đất liền và khoảng 100 triệu ha biển, nhưng nông nghiệp trong thời đại mới có lẽ đã đến lúc vượt khỏi địa giới hành chính. Chúng ta có thể hợp tác trồng trọt với nhiều quốc gia, gần thì có Lào, Campuchia, xa hơn là các nước châu Phi và một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã đến Việt Nam đặt vấn đề hợp tác nông nghiệp. Hay như bà con ngư dân, thay vì quanh quẩn trong khu vực Biển Đông và tiềm ẩn nguy cơ bị cảnh báo thẻ vàng IUU, sao không thành lập những đội tàu viễn dương, vượt ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế để tới những quốc đảo ở Thái Bình Dương, nơi có nguồn thủy hải sản trù phú.
Kết nối để tạo ra đa tầng giá trị hơn, tương tự như sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, mới là biện pháp để Việt Nam không bỏ lỡ thời cơ trong giai đoạn hiện nay. Tôi từng có dịp tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội công du một số quốc gia, và nhận thấy rõ rằng nếu chậm chân chút xíu, nông sản Việt có thể mất luôn cơ hội mở cửa thị trường ở một khu vực tiềm năng.
Đất đai nông nghiệp vốn dĩ chỉ có vậy, nếu như không muốn nói là ngày càng nhỏ lại vì xu hướng đô thị hóa, công nghiệp hóa, thi công hạ tầng giao thông. Sản xuất có tăng trưởng nhưng sẽ có lúc chạm ngưỡng giới hạn. Nông nghiệp còn đang đối mặt với thách thức về lao động, người dân tha hương đổ về các khu công nghiệp. Các làng quê bây giờ hầu hết là những người già. Những nghề truyền thống, nông, đặc sản vùng miền, bởi vậy, mà có nguy cơ mai một nếu không tìm được lớp thế hệ kế cận. Hợp tác là xu thế bắt buộc, cũng là dịp để chúng ta tự soi chiếu lại bản thân xem còn khoảng trống nào bị đứt đoạn hay bỏ quên.
Tôi muốn nói thêm về câu chuyện truyền thông. Trước đây, chúng ta có khái niệm "tuyên truyền" chủ trương, chính sách, đường lối theo hướng từ trên xuống dưới, nhưng chiều ngược lại thì chưa có mấy. Bối cảnh hiện tại đặt ra vấn đề, truyền thông phải là một kênh "truyền dẫn", nghĩa là cần có tương tác 2 chiều. Là một trưởng ngành, nhưng chắc chắn Bộ trưởng không thể đi hết tất cả vùng, miền trên cả nước. Tôi vẫn rất cần thêm kênh thông tin từ báo chí.
Không hề quá khi cho rằng, truyền thông tạo ra giá trị gia tăng cho một nền kinh tế. Tôi để ý thấy, cứ khi nào truyền thông nhắc đến một nông sản, kể một câu chuyện nào đó, như cam Cao Phong, nhãn Hưng Yên, vải thiều Lục Ngạn hay xoài Đồng Tháp thì lập tức bà con ở đó bán được giá. Rõ ràng, những sản phẩm báo chí đã tạo ra giá trị thặng dư cho người nông dân chứ không còn dừng ở việc phản ánh, hay góp thêm một tiếng nói với bà con giúp vượt quá khó khăn. Tôi mong muốn, rằng những năm tới sẽ ít dần việc phải trả lời, phỏng vấn báo chí. Thay vào đó, bằng những hoạt động thực tế, cơ quan truyền thông sẽ cùng Bộ trưởng trao đổi thông tin, kể cho nhau nghe những câu chuyện để nắm được nền sản xuất đang có điểm nghẽn ở chỗ nào, đâu là những tấm gương, những mô hình cần lan tỏa.
Xin lấy thêm ví dụ về khai thác tiềm năng biển. Nhắc đến vấn đề này, đa số đều nghĩ đến thẻ vàng IUU, hay việc bà con ngư dân dùng mìn, thuốc nổ khai thác thủy sản, hoặc bị mất kết nối tàu thuyền. Nhưng biển đâu chỉ có con cá, con tôm, còn biết bao rặng san hô, những rong sụn, rong nho cho sinh kế bền vững, góp phần tạo tín chỉ carbon. Đó là một nền kinh tế mà chúng ta chưa thực sự dấn thân vào. Đã có một vài doanh nghiệp thử nghiệm tại Khánh Hòa, nhưng rõ ràng chúng ta chưa thể sánh với người Hàn Quốc, Nhật Bản, sáng nào cũng ăn một miếng rong biển giàu dinh dưỡng. Với họ, đó thực sự là một ngành kinh tế, một giá trị bền vững.
Tôi từng trao đổi với lãnh đạo một số quốc gia có vùng biển chồng lấn với Việt Nam. Họ đề nghị phương án là, cùng thành lập các đội tàu đi khai thác xa bờ. Ở đó, Nhà nước sẽ cùng đầu tư hiện đại hóa những con tàu, đồng thời hướng dẫn cho người dân biết luật pháp, biết kỹ năng bảo quản thủy sản khai thác. Một doanh nghiệp đơn lẻ muốn khai thác lĩnh vực này chẳng khác nào một lá tre nhỏ nhoi trên biển. Nhưng nếu chúng ta hình thành một tập đoàn đa ngành, dưới sự hỗ trợ của Nhà nước và định hướng rõ ràng là muốn hiện diện quyền, lợi ích quốc gia ở đó, thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ đỡ được cảnh "rón rén" vì được hưởng cơ chế, chính sách bảo hiểm.
Trở lại câu chuyện nông sản, vừa qua Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Công thương tổ chức Lễ hội trái cây tại Bắc Kinh, Trung Quốc, với mong mỏi đưa nông sản đi sâu vào nội địa quốc gia này. Muốn bán nông sản có giá cao thì phải có những không gian trưng bày, quảng bá nông sản ở trung tâm Trung Quốc - nơi tiêu thụ nông sản lớn nhất thế giới. Đã qua rồi cái thời nông sản Việt xuất khẩu bằng tiểu ngạch, loanh quanh khu vực biên giới. Chúng ta giờ phải nghĩ lớn hơn, cùng thông điệp rõ ràng là luôn bên cạnh doanh nghiệp từ Nhà nước, cụ thể là các bộ, ngành, đại sứ quán, cơ quan thương mại ở nước ngoài.
Nông nghiệp, nông sản nếu chỉ khai thác dưới khía cạnh thực phẩm, thì chúng ta mới tận dụng được tầng thấp nhất, trong khi bất kỳ một nông sản nào cũng đều có giá trị dược liệu, dược phẩm và mỹ phẩm. Sau nền nông nghiệp sản lượng, đã đến lúc chúng ta cùng ngồi lại để tìm kiếm những giá trị thặng dư cao hơn. Chẳng hạn mật ong. Nếu bà con bán dưới dạng thực phẩm thì giá thành không đáng là bao. Bán cả một chai to cũng không bằng một lọ mỹ phẩm nhỏ xíu, chiết xuất từ mật ong.
Trong cơn mưa, nhìn xuống đất thì thấy bùn, nhưng nếu nhướng mắt ra xa lại thấy cầu vồng. Muốn thấy cầu vồng thì chắc chắn phải chịu bẩn một chút. Có lẽ, đó sẽ là tư duy tích cực trước khi bước chân vào kỷ nguyên mới.