| Hotline: 0983.970.780

Vấn nạn tận diệt thủy sản: [Bài 2] Chấn chỉnh thế nào?

Thứ Năm 21/03/2024 , 10:51 (GMT+7)

Tây Ninh không giáp biển nhưng rất giàu về nguồn lợi thủy sản. Trước thực trạng khai thác tận diệt, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, quyết tâm chấn chỉnh.

Tây Ninh vẫn còn một số trường hợp sử dụng ngư cụ cấm. Ảnh: Trần Trung.

Tây Ninh vẫn còn một số trường hợp sử dụng ngư cụ cấm. Ảnh: Trần Trung.

Siết chặt quản lý

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh, Tây Ninh không giáp biển nhưng rất giàu về nguồn lợi thủy sản do có hai con sông lớn (sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông) chảy qua cùng các hồ chứa nước lớn, nổi tiếng là hồ Dầu Tiếng - hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á. Ngoài ra, Tây Ninh cũng có hệ thống kênh rạch chằng chịt, hệ thống kênh mương thủy lợi tương đối hoàn thiện.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số trường hợp người dân vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại ngư cụ cấm như: lồng xếp (lợp bát quái, 12 cửa ngục), ghe nhủi (te, xiệp, ủi dồn), ghe cào (giã cào, lưới kéo), dớn, đăng, xung điện, lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định… để khai thác thủy sản.

Trong đó, ghe nhủi (te, xiệp, ủi dồn) tập trung tại các bến bãi đậu ghe trên địa bàn các xã Phước Ninh, Phước Minh huyện Dương Minh Châu; Tân Hòa, Tân Thành thuộc huyện Tân Châu và rải rác ở một số bến bãi khác; lưới đăng, lưới dớn ở các khu vực bán ngập thuộc hồ Dầu Tiếng; sử dụng xung điện tại các khu vực ngập, lũ thuộc sông Vàm Cỏ Đông vào mùa nước nổi và khu vực nội đồng làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lợi thủy sản trong hồ, dẫn đến sự suy giảm nguồn lợi, ảnh hưởng sinh kế của những người dân chấp hành các quy định của pháp luật, gây mất trật tự xã hội trong khu vực.

Lực lượng chức năng Tây Ninh xử lý các trường hợp sử dụng ngư cụ cấm. Ảnh: MD.

Lực lượng chức năng Tây Ninh xử lý các trường hợp sử dụng ngư cụ cấm. Ảnh: MD.

Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Chi cục đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, thu giữ nhiều ngư cụ cấm. Theo đó, trong năm 2023, đặc biệt vào cao điểm mùa thủy sản sinh sản từ tháng 9/2023 đến hết tháng 11/2023, Chi cục tổ chức 10 lượt kiểm tra, phát hiện 16 trường hợp vi phạm, tạm giữ tang vật vi phạm hành chính gồm 4 bình ắc quy, 5 bộ kích điện, 11 tấm lưới nhủi, 2 lồng xếp, 81 túi dớn, 2.471m lưới dớn đã qua sử dụng… Hiện các tang vật đang được xử lý theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, đa số người vi phạm là người nghèo, ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế. Vì lợi ích kinh tế trước mắt nên một số ngư dân không chấp hành các quy định của pháp luật, cố tình, lén lút hoạt động để đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh, nhất là trong hồ Dầu Tiếng. UBND Tây Ninh đã quy định cụ thể về các ngư cụ cấm, tiến tới việc chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, đặc biệt tình trạng khai thác bằng ngư cụ cấm, các phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.

Vì lợi ích kinh tế trước mắt nên một số ngư dân không chấp hành các quy định của pháp luật. Ảnh: Trần Trung.

Vì lợi ích kinh tế trước mắt nên một số ngư dân không chấp hành các quy định của pháp luật. Ảnh: Trần Trung.

“Tỉnh đã định hướng triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tại Hồ Dầu Tiếng, dự kiến duy trì số lượng phương tiện khai thác khoảng 600 ghe, thuyền. Trên hệ thống sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn duy trì số lượng phương tiện khai thác khoảng 200 ghe, thuyền sử dụng ngư cụ theo quy định. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân không được phép khai thác trong mùa cá sinh sản và trong thời gian thả cá tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản. Về phạm vi khai thác, các tổ chức, cá nhân không được khai thác tại những bãi đẻ tự nhiên như các khu vực: Hốc Cò, Cây Da Tàng Dù, Hốc Thủy Sản, Đảo Sặc, Bến Tám Tơ… Đối với các trường hợp cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm”, bà Loan khẳng định.

Tăng cường tái tạo nguồn lợi

Ngoài siết chặt quản lý ngư cụ cấm, việc tăng cường thả cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên cũng được tỉnh Tây Ninh đặc biệt quan tâm. Nhìn chung, nhận thức và hành động trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã có chuyển biến tích cực. Hoạt động tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản được triển khai với số lượng giống ngày càng tăng, nguồn lợi thủy sản tại địa phương đang có xu hướng phục hồi.

Ngoài siết chặt quản lý ngư cụ cấm, việc tăng cường thả cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên cũng được tỉnh Tây Ninh đặc biệt quan tâm. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài siết chặt quản lý ngư cụ cấm, việc tăng cường thả cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên cũng được tỉnh Tây Ninh đặc biệt quan tâm. Ảnh: Trần Trung.

“Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh vẫn được tỉnh cấp kinh phí từ ngân sách và trích tiền mua cá giống các loại như bông lau, thát lát, trôi, mè, trắm… thả xuống hồ để tăng nguồn lợi thủy sản. Do đó, sản lượng thủy sản đánh bắt được đã tăng hằng năm, trung bình khoảng 3.000 tấn/năm. Nhưng nếu người dân không biết bảo vệ chính nguồn sống của mình thì việc khai thác quá đáng hiện nay sẽ làm hại họ”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh chia sẻ. 

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 76/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030. Trên cơ sở đó, với các giải pháp chính về hoàn thiện cơ chế, chính sách sẽ được thực hiện như: Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách chuyển đổi nghề, đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng ngư dân,... nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh.

Tây Ninh tiến đến không sử dụng các loại ngư cụ cấm, ngư cụ có tính hủy diệt, tận thu để khai thác nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Trần Trung.

Tây Ninh tiến đến không sử dụng các loại ngư cụ cấm, ngư cụ có tính hủy diệt, tận thu để khai thác nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Trần Trung.

UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó nêu rõ: Sẽ quyết tâm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên của tỉnh đi đôi với bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản; thả giống bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực nước tự nhiên, hồ chứa. Khai thác thủy sản theo hướng bền vững, không ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản; tiến đến không sử dụng các loại ngư cụ cấm, ngư cụ có tính hủy diệt, tận thu để khai thác nguồn lợi thủy sản.

Tỉnh Tây Ninh dự kiến sẽ triển khai Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, huy động các nguồn lực tài chính cho bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản theo hướng bền vững, bảo đảm phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản…

Xem thêm
Quân đội nhân dân Việt Nam - niềm tự hào dân tộc

Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng đăng toàn văn bài viết của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương TÔ LÂM nhân Kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Khởi tố nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người chết ở Phạm Văn Đồng

Vụ cháy trên phố Phạm Văn Đồng (Hà Nội) khiến 11 người tử vong. Cảnh sát điều tra CA TPHN đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với nghi phạm 51 tuổi.