| Hotline: 0983.970.780

Vấn nạn tận diệt thủy sản: [Bài 1] Kích điện - không tôm cá nào thoát

Thứ Tư 20/03/2024 , 15:19 (GMT+7)

TÂY NINH Dù đã có quy định cấm khai thác nguồn lợi thủy sản bằng hình thức tận diệt, thế nhưng tại hồ Dầu Tiếng, tình trạng này vẫn tái diễn để lại nhiều mối nguy.

Hồ Dầu Tiếng - công trình quan trọng liên quan đến an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia. Ảnh: Trần Trung.

Hồ Dầu Tiếng - công trình quan trọng liên quan đến an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia. Ảnh: Trần Trung.

Khai thác tràn lan

Nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng trải rộng trên địa phận 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Với dung tích hơn 1,58 tỷ m3 nước, đây là công trình quan trọng liên quan đến an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia. Không những thế, ngoài nguồn lợi về khoáng sản, nguồn lợi thủy sản nơi đây cũng rất dồi dào, đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, thời gian qua, bằng mọi phương thức đánh bắt cả ngày lẫn đêm, thủy sản hồ Dầu Tiếng đang bị các tay săn cá tận diệt không thương tiếc, bất chấp pháp luật.

Lần nào cũng vậy, đến công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng, hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là cảnh nườm nượp đánh bắt, mua bán cá. Nhiều loại vỏ lãi lớn, nhỏ đua nhau bủa lưới. Trong bờ, dọc theo mé nước, hàng loạt các ghe cào, ghe nhủi trực chờ ra khơi, một số người khác giăng câu, chích điện… Trước tình thế này, các loài thủy sản có mọc cánh cũng khó lòng thoát được “ma trận” tận diệt.

Theo nhiều ngư dân, việc khai thác bằng ngư cụ cấm đã tồn tại hàng chục năm qua, người làm nghề đánh bắt thủy sản ai cũng biết về quy định cấm này. Tuy nhiên, vì đã “quen tay” cùng với nguồn thu hấp dẫn, các đối tượng này vẫn dùng mọi phương cách, thủ đoạn để qua mắt lực lượng chức năng.

Dọc theo mé nước Hồ Dầu Tiếng, hàng loạt các ghe cào, ghe nhủi trực chờ ra khơi. Ảnh: Trần Trung.

Dọc theo mé nước Hồ Dầu Tiếng, hàng loạt các ghe cào, ghe nhủi trực chờ ra khơi. Ảnh: Trần Trung.

Để mục sở thị các hành vi khai thác tận diệt, trong vai khách du lịch, chúng tôi thuê hẳn một chiếc ghe của người dân trong vùng, lênh đênh trong hồ Dầu Tiếng từ địa phận tỉnh Tây Ninh cho đến tỉnh Bình Dương quản lý. Không khó để quan sát các ghe cào ra sức càn quét lòng hồ, trong đó, địa điểm hoạt động mạnh nhất là khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh. Thời gian hoạt động thường diễn ra từ 17h chiều đến 7 giờ sáng, tức ngoài giờ hành chính để né tránh lực lượng chức năng.

Xuôi theo con nước, ghe đưa chúng tôi đến khu vực thuộc xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương. Lúc này tầm 6 giờ chiều, từ xa chúng tôi đã nghe tiếng máy nổ rền vang cả khu vực. “Đó, mấy ghe cào đang bắt cá ở đó”, chủ ghe cho biết. Chúng tôi đề nghị ông đưa đến chỗ các ghe cào này thì ông lắc đầu: “Tụi này dữ dằn lắm. Để lộ mặt tui thì mai mốt khó yên, không bị đánh thì cũng bị chúng đập phá ghe”. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi thuyết phục và đề nghị trả thêm chi phí, chủ ghe đã đồng ý.

Các ghe nhủi đua nhau tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Trung.

Các ghe nhủi đua nhau tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Trung.

Tại đó, chúng tôi chứng kiến hàng chục chiếc ghe nhủi ngang nhiên hoạt động, 2 chiếc ghe thành một đội, phía trước những chiếc ghe này thiết kế hai thân cây tre to tướng theo hình chữ V, chĩa xuống mặt nước. Giữa hai thân cây tre ấy, họ giăng ngang một mành lưới nhuyễn dưới 1cm. Đáng lên án, ngoài mắt lưới nhỏ, để gia tăng sản lượng, các chủ ghe không ngần ngại sử dụng, lắp đặt thêm bộ phận kích điện, cá trúng xung điện nổi lên thì họ dùng vợt để vớt. Khoảng 30 phút, họ dừng lại thu hoạch.

Qua quan sát, sau mỗi lần chiếc vợt vung lên khỏi mặt nước là hàng chục kg cá, từ loại cá cơm chỉ bằng đầu đũa cho đến rô phi, cá lăng đều nằm gọn trong lưới. Ước tính mỗi ngày, trung bình một ghe nhủi thu cả trăm ký đến vài tạ cá, tùy vào mùa nước nổi hay nước rút.

Một trong những dụng cụ đánh bắt thủy sản mang tính tận diệt và có thể nguy hiểm đến tính mạng con người, được các tay săn cá sử dụng khá phổ biến trên hồ Dầu Tiếng là xung điện. Để có một bộ xung điện khá đơn giản, chỉ cần đầu tư khoảng 1,7 triệu đồng là có thể mua một bình ắc quy 12V và một bộ kích điện (người dân thường gọi là con sò) tại bất cứ hiệu sửa chữa điện tử nào, cộng với một bình nhựa và hai cần vợt tự chế. Với bộ xung điện này, khi tiếp xúc, sẽ không còn loài thủy sản nào sống sót.

Bên cạnh ghe nhủi, kích điện là dụng cụ tận diệt khá phổ biến trên hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh ghe nhủi, kích điện là dụng cụ tận diệt khá phổ biến trên hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Trung.

Càng về khuya, chúng tôi chứng kiến càng có nhiều đối tượng khai thác theo hình thức tận diệt đua nhau hoạt động. Nửa đêm về sáng, sương mù giăng kín khắp nơi, cộng với gió rì rào thổi khiến cho không khí lạnh cắt da, cắt thịt. Thế nhưng trên mặt hồ, hàng chục tàu, ghe chen chúc nhau nhủi cá, cào cá, thả lưới. Tiếng động cơ gầm rú ầm ầm, ánh đèn pha quét qua lại sáng loáng trên mặt nước, tựa như thiên la địa võng. Nhìn những kiểu bủa vây tận diệt này, chúng tôi cảm tưởng các loài cá có “mọc cánh” cũng khó lòng chạy thoát.

Mất cân bằng sinh kế

Hiện nay, khu vực ven hồ Dầu Tiếng có khoảng 600 hộ dân sinh sống, với khoảng 2.000 nhân khẩu là Việt kiều Campuchia, sinh kế phụ thuộc vào việc khai thác thủy sản trên mặt hồ. Đối với những ngư dân chân chính, hình thức khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt không chỉ làm nguồn lợi thủy sản giảm mạnh, các đối tượng này còn “cày nát” các ngư cụ truyền thống của các ngư dân chân chính mưu sinh trên lòng hồ, khiến sinh kế họ bị đe dọa.

Anh Nguyễn Văn Hiền bất lực khi bị ghe nhủi cào rách tay lưới. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Văn Hiền bất lực khi bị ghe nhủi cào rách tay lưới. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Văn Hiền, một ngư dân dày dặn kinh nghiệm khai thác thủy sản theo phương thức truyền thống trên hồ Dầu Tiếng, cho biết: Năm 2014, khi thủy sản biển hồ bên Campuchia ngày càng cạn kiệt, anh cùng gia đình về xã Tân Thành huyện Tân Châu mưu sinh bằng nghề giăng lưới trên lòng hồ Dầu Tiếng. Trước đây, với tay lưới khoảng 100m và hơn chục cái dớn, mỗi ngày anh kiếm về không dưới 100kg cá các loại, đem lại cả triệu đồng. Tuy nhiên, đó là chuyện của hơn chục năm về trước.

“Hiện tại, để đủ tiền trang trải cuộc sống, mỗi ngày tôi giăng cả chục tay lưới, làm quần quật cả ngày lẫn đêm nhưng hôm nào may lắm mới thu được 400.000-500.000 đồng. Có hôm, sơ ý là bị các ghe cào ủi rách hết tay lưới, cá thất thoát không nói mà phải tái đầu tư cả triệu đồng một tay lưới. Đó là thực trạng chung của hàng chục hộ khai thác thủy sản theo phương thức truyền thống nơi đây”, anh Nguyễn Văn Hiền bức xúc nói.

Sinh kế của những ngư dân truyền thống mưu sinh trên hồ Dầu Tiếng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ảnh: Trần Trung.

Sinh kế của những ngư dân truyền thống mưu sinh trên hồ Dầu Tiếng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ảnh: Trần Trung.

Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Hồng Loan cho biết, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản trong hồ Dầu Tiếng có xu hướng suy giảm. Ngoài việc khai thác quá mức, khai thác trong mùa cá sinh sản, vẫn còn tình trạng người dân sử dụng các loại ngư cụ đánh bắt tận diệt, hủy hoại môi trường sống, gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản trong hồ. Trong khi đó, lực lượng thanh tra thủy sản của Chi cục thì quá mỏng, công tác phối - kết hợp với các địa phương chưa được thường xuyên.

“Để nâng cao nhận thức và thực hiện có hiệu quả công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản tại hồ Dầu Tiếng, các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm đến chính sách an sinh xã hội khu vực ven hồ, giúp người dân có nguồn sinh kế ổn định, từ đó hạn chế phụ thuộc vào việc khai thác thủy sản trên mặt hồ. Điều quan trọng vẫn là công tác tuyên truyền vận động, để người dân hiểu rằng việc khai thác tận diệt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản hồ Dầu Tiếng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của chính họ”, bà Nguyễn Thị Hồng Loan nhấn mạnh.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Quảng Bình giám sát chặt hơn 150 tàu cá của một số tỉnh vào tránh bão

Sau bão số 6, tỉnh Quảng Bình đã quản lý chặt chẽ hơn 150 tàu cá của ngư dân các tỉnh vào tránh trú bão.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.