| Hotline: 0983.970.780

Vào độ trẩy hội Cúc Phương đại ngàn

Thứ Ba 26/04/2022 , 09:35 (GMT+7)

Trung tâm của lễ hội là vũ điệu bí ẩn của bướm và đom đóm mà người Cúc Phương luôn tự hào khi 'độ rừng vào hội'.

Cảnh đẹp Cúc Phương.

Cảnh đẹp Cúc Phương.

Cứ mỗi tháng 4 về, Vườn Quốc gia Cúc Phương lại bước vào mùa lễ hội thực sự. Ấy là một lễ hội đặc biệt tôn vinh hệ giá trị đa dạng sinh học của thực vật, động vật, côn trùng và nấm vừa bước ra từ mùa xuân, đua nhau phô diễn thanh âm, sắc màu của nguồn vui sinh trưởng.

Trung tâm của lễ hội thuộc về hai loài côn trùng bí ẩn: bướm và đom đóm. Người Cúc Phương vẫn gọi khoảng thời gian kéo dài từ trung tuần tháng 4 đến khoảng đầu tháng 6 dương lịch là "độ rừng vào hội".

Năm nay, cánh rừng già 3 năm liên tiếp nhận giải thưởng "Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á" sẽ có điểm nhấn khác biệt. Lần đầu tiên, sự kiện du lịch sinh thái mang tên "Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn" và Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan sẽ diễn ra tại đây.

Sự kiện do UBND huyện Nho Quan (Ninh Bình) phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương tổ chức vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương, thành viên Ban Chỉ đạo sự kiện.

Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương.

Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương.

Kiên định với sứ mệnh thiêng liêng

Xin chào Giám đốc Vườn. Chúc mừng Cúc Phương và cá nhân Giám đốc vì có người ví von giải thưởng "Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á" 3 năm liên tiếp như cú "hat-trick" ngoạn mục hay "Oscar ngành du lịch"!

Cảm ơn lời chúc mừng chúc mừng của bạn! Vâng, không chỉ cá nhân tôi, mà toàn thể cán bộ viên chức người lao động trong Vườn, cộng đồng người dân bản địa, chính quyền địa phương và những ai yêu mến Cúc Phương đều thực sự tự hào!

Tôi nhận thức, đây là thành quả của một quá trình, lớp lớp các thế hệ người gắn bó và dành tâm sức, thanh xuân và trí tuệ cho cánh rừng này. Đây cũng sẽ là niềm tự hào của hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và ngành du lịch sinh thái Việt Nam.

Đó là “trái ngọt” cua ngày hôm nay. Những điều gì đã giúp Vườn Quốc gia Cúc Phương thu được thành quả đó, thưa ông?

Như bạn đã biết, Cúc Phương là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, cũng thuộc hàng những khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập sớm trên thế giới.

Đây chính là nơi, Đảng và Nhà nước ta đặt những viên gạch sơ khởi cho cả lí luận và thực tiễn của sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên đất nước ta. Qua các giai đoạn lịch sử, hệ thống luật pháp về ngành, có liên quan đến rừng đặc dụng đã dần được hình thành và đến nay đã cơ bản ổn định.

60 năm qua, Cúc Phương luôn kiên định với ba trụ cột được quy định trong chức năng, nhiệm vụ của Vườn, gồm: Bảo vệ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; Nghiên cứu khoa học gắn với cứu hộ, bảo tồn có sự hợp tác quốc tế và giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cho xã hội về thiên nhiên.

Chúng tôi luôn nhất quán rằng, bảo vệ rừng sẽ là gốc rễ của tất cả các khâu nghiệp vụ khác. Rừng bình yên, đa dạng sinh học được duy trì và phát triển, đó là tiền đề quan trọng cho công tác nghiên cứu khoa học, cứu hộ bảo tồn. Đồng thời với đó, chính thành quả của bảo vệ rừng, của nghiên cứu và cứu hộ, bảo tồn được chúng tôi phát triển thành những sản phẩm du lịch sinh thái nhằm giáo dục nâng cao nhận thức.

Đó là một chu trình khép kín, đồng bộ và có triết lý. Nhìn lại mới thấy, chính sự kiên định với sứ mệnh ấy đã mang lại những trái ngọt như điều bạn chia sẻ ở trên.

Lễ hội mùa xuân ở Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Lễ hội mùa xuân ở Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Không ngừng hoàn bị "hệ sinh thái" bảo tồn  

Cúc Phương luôn được ví như "Thủ đô" bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam, ông nhìn nhận đánh giá đó như thế nào?

Đó là danh xưng mà những người làm công tác bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam yêu mến dành cho Cúc Phương. Nhưng tôi tin chắc, không phải nghiễm nhiên mà họ dành cho vườn quốc gia này một sự xưng tụng như thế.

Như đã nói, nơi đây, tán rừng nguyên sinh này chính là một "cái nôi" đào tạo nên những nhà khoa học, nhà quản lý lâm nghiệp rường cột ban đầu cho đất nước. Nhiều người đã gắn bó, cống hiến thanh xuân cho Cúc Phương và Cúc Phương trao gửi cho họ vốn lưng kiến thức, kinh nghiệm để bước ra, gây dựng sự nghiệp, góp phần vào định hình cũng như phát triển ngành.

Thứ nữa, công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật ở Cúc Phương cũng thuộc hàng sớm nhất trên cả nước. Với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ chủ quản và các ban ngành hữu quan các cấp; với sự tham gia, đồng hành, hợp tác có hiệu quả của nhiều cơ quan đại diện chính phủ, phi chính phủ các nước; các chuyên gia, kỹ thuật viên, tình nguyện viên có kinh nghiệm, kỹ năng, tại đây chúng ta đã có một "cơ ngơi" đáng tự hào về cứu hộ, bảo tồn.

Chương trình Cứu hộ Linh trưởng nguy cấp, Chương trình Bảo tồn rùa, Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê ở Cúc Phương với hiệu quả và giá trị mang lại, đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, được cộng đồng trên thế giới trân trọng. Từ đây, những kinh nghiệm trong tổ chức, vận hành lĩnh vực này được nhân rộng ra nhiều khu bảo tồn thiên nhiên khác trong cả nước.

Lễ hội mùa xuân ở Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Lễ hội mùa xuân ở Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Quan điểm của Vườn Quốc gia Cúc Phương trong giai đoạn hiện nay về công tác bảo tồn thiên nhiên là gì, thưa ông?

Rất cảm ơn bạn đã hỏi câu này. Đó là điều cốt yếu và vô cùng quan trọng đối với chúng tôi, trong bối cảnh hiện nay. Có thể nói rằng, đến lúc này, chúng tôi đã định hình được và đang dần dần hoàn bị một khái niệm mà chúng tôi tạm gọi là "Hệ sinh thái Bảo tồn".

Hiểu một cách đơn giản, thì cũng giống như cánh rừng này, mỗi một thực thể động vật hay thực vật, côn trùng hay nấm…, đều là một thành tố quan trọng, cấu thành nên hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Theo đó, chúng tôi quan niệm, tất cả các bộ phận chuyên môn trong cơ cấu tổ chức của Vườn, cộng đồng vùng đệm, chính quyền địa phương và khách tham quan Vườn đều là thành tố quan trọng làm nên và định vị "thương hiệu" bảo tồn của Vườn.

Chúng tôi tin rằng, không chỉ những chuyên gia, kỹ thuật viên hay tình nguyện viên làm công tác trực tiếp trong các khâu chuyên môn về bảo tồn động vật hay thực vật mới là những người làm bảo tồn. Những kiểm lâm viên, những cán bộ giáo dục, những bộ phận làm những việc thầm lặng khác; rồi chính quyền địa phương, cộng đồng vùng đệm và đặc biệt là khách tham quan cũng tham gia đầy hiệu quả vào sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên.

Hơn thế, cánh rừng này không đơn thuần chỉ có giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên mà, ở đây là một hệ giá trị tổng hợp, từ lịch sử, văn hóa đến thiên nhiên. Chúng tôi trân trọng, nâng niu và đang từng ngày hướng tới việc làm tốt hơn sứ mệnh bảo tồn hệ giá trị này.

"Độ rừng vào hội" lay động lòng người

Có phải vì thế mà trong mấy năm gần đây, Cúc Phương đang nổi lên như là vườn quốc gia đi tiên phong trong các hoạt động giáo dục môi trường thu hút đông đảo người dân, khách du lịch, thưa ông?

Chúng tôi không tự mãn mà nhận thức được, Cúc Phương còn quá nhiều việc phải làm để xứng đáng với kỳ vọng. Mấy năm gần đây, chúng tôi tập trung vào việc tái cơ cấu, xác lập chiến lược trong giáo dục môi trường thông qua du lịch sinh thái đúng nghĩa. Một vài sản phẩm được xã hội ghi nhận, đó là sự động viên, khích lệ cho chúng tôi tiếp tục kiên định với con đường mà Vườn lựa chọn.

Với "hệ sinh thái bảo tồn" như trên, chúng tôi hướng tới sự tham gia nhiều nhất và tích cực nhất của cộng đồng và xã hội vào sự nghiệp này. Tour "Về nhà", "Hành trình hồi sinh", Hội xuân "Thêm xanh cho cánh rừng già"… chính là kết quả của quan điểm ấy. Không gì bền vững và hiệu quả hơn khi sự nghiệp bảo tồn cánh rừng được coi là báu vật của đất nước này, có sự chung tay đầy trách nhiệm và hiểu biết của nhiều người.

Tái thả động vật hoang dã ở Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Tái thả động vật hoang dã ở Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay đã sắp tới, ông có thể gợi ý vài điều thú vị tại Cúc Phương?

Thứ nhất, thật trùng hợp, cứ vào dịp nghỉ lễ này, thì mẹ thiên nhiên Cúc Phương lại hào phóng ban cho chúng ta hai thức quà vô cùng kỳ thú.

Đó là vào ban ngày thì khắp cánh rừng sẽ dặt dìu những đàn bướm, đủ mọi sắc màu, nối đuôi nhau như túa bay ra, hân hoan tô điểm không gian.

Đó là vào ban đêm, sẽ hàng tỷ những cá thể đom đóm đua nhau thắp sáng khắp cánh rừng như một vũ hội ánh sáng.

Chúng tôi gọi vui và tự hào rằng, đó là "độ rừng vào hội". Là một người làm công tác bảo tồn thiên nhiên, tôi rất mừng và hạnh phúc bởi hình ảnh nhiệm màu ấy chính là một nguồn vui - nguồn vui sinh trưởng, nguồn vui báo hiệu về sự đa dạng sinh học của cánh rừng.

Thứ hai, năm nay, hướng tới 160 năm danh xưng Nho Quan - huyện mà Vườn đặt trụ sở - và đặc biệt là 60 năm Vườn Quốc gia Cúc Phương xây dựng và phát triển, chúng tôi phối hợp với chính quyền lần đầu tiên tổ chức Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn và Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan. Với nội dung, hoạt động phong phú, ấn tượng và mang thông điệp sâu sắc, Sự kiện sẽ là điểm nhấn mới mẻ trong các hoạt động du lịch của tỉnh Ninh Bình.

Chúng tôi xem đây là một dịp quan trọng để thể hiện quan điểm bảo tồn theo "hệ sinh thái" của mình. Sự tham gia của cộng đồng trực tiếp, gián tiếp gắn bó với rừng Cúc Phương vào sự kiện, trong niềm hân hoan chính là biểu hiện sinh động cho điều đó. Chúng tôi luôn trăn trở, quan tâm và hướng tới làm tốt hơn việc tôn vinh, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng; nâng cao sinh kế cho bà con.

Vườn quốc gia Cúc Phương chào đón du khách gần xa đến tham dự Sự kiện này; đồng thời, trải nghiệm, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên nguyên sơ tươi đẹp và đón nhận món quà kỳ thú mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Bằng tình yêu thiên nhiên, bằng hiểu biết và trách nhiệm trong các hoạt động tại Vườn, chúng ta sẽ cùng nhau làm cho "độ rừng vào hội" thêm ý nghĩa nhân sinh, lay động lòng người.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Trữ nước ngọt cho mùa khô

Tiền Giang Để chủ động sản xuất trong mùa khô, ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang bắt tay vào công tác tích trữ nước ngọt và các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.