| Hotline: 0983.970.780

Về miền cửa biển nghe điệu hát đúm

Thứ Tư 27/11/2024 , 09:23 (GMT+7)

QUẢNG NINH Hát đúm đã tạo nên nét văn hóa đặc sắc cho vùng đất cửa biển Hà Nam (TX Quảng Yên), trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi lễ hội, chương trình nghệ thuật.

Hát đúm đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân Quảng Yên. Ảnh: Long Giang.

Hát đúm đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân Quảng Yên. Ảnh: Long Giang.

Tương truyền hơn 500 năm trước, khi 19 vị Tiên công đến khai phá vùng đất nơi bán đảo Hà Nam (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), hát đúm đã du nhập và được lưu truyền. Qua bao thế hệ, lời ca tiếng hát đã trở thành mạch nguồn văn hóa, là nét đẹp văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây.

Tùy theo mỗi hoàn cảnh cụ thể, hát đúm sẽ được chia thành từng dạng khác nhau như hát chào, hát hỏi, hát thư, hát đố, hát ra về… Khi mới làm quen, người ta thường hát chào “Duyên kết bạn mình ơi! ... Thoạt vào anh chào hội xuân/ Anh chào quý khách xa gần ngồi chơi” hay hát để thử tài, giao duyên “Duyên kết bạn mình ơi!... / Rằng anh đã vợ con chưa/ Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào/ Mẹ già anh ở nơi nào/ Để em tìm vào hầu hạ thay anh…”

Sự luyến láy, nhấn nhá trong hát Đúm thể hiện nét duyên dáng, cái tình của người hát, càng nghe càng thiết tha. Ảnh: Long Giang.

Sự luyến láy, nhấn nhá trong hát Đúm thể hiện nét duyên dáng, cái tình của người hát, càng nghe càng thiết tha. Ảnh: Long Giang.

Trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam, nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Quyết (phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên), người đã có hơn 50 năm gắn bó với loại hình hát đúm chia sẻ:

“Hát đúm đã trở thành một phần trong đời sống lao động sản xuất và vui chơi của mỗi người dân nơi đây. Tiếng hát không chỉ được cất lên nơi sân đình, lễ hội mà còn xuất hiện tại chính những ruộng lúa, bờ đê… để cổ vũ mọi người thêm hăng say lao động, giúp vơi đi nỗi vất vả, khó nhọc”.

Điểm đặc biệt của hát đúm chính là chỉ có duy nhất một làn điệu, không có nhạc đệm. Khi hát đúm, các tốp ca nam và nữ sẽ hát đối đáp lời nhau, lời hát có trong dân gian và truyền miệng qua nhiều đời, được đặt theo thể lục bát, lục bát song thất, lục bát biến thể hay biến tấu thành thơ tự do.

Theo người nghệ nhân, hát đúm tại Quảng Yên sử dụng giọng thổ có phần trầm ấm còn tại Thủy Nguyên (Hải Phòng) thì dùng giọng kim với âm sắc cao và vang hơn nhiều.

“Sự luyến láy, nhấn nhá đã thể hiện cái duyên dáng và cái tình của người hát, càng nghe càng thấy thiết tha. Những câu hát không chỉ thể hiện cuộc sống lao động sản xuất, tình cảm lứa đôi mà qua đó gửi gắm rất nhiều thông điệp về tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc”, bà Quyết bày tỏ.

Hát đúm đã trở thành một sản phẩm tinh thần không thể thiếu của người dân vùng đất Hà Nam. Để bảo tồn, phát huy và lan tỏa làn điệu truyền thống đến với thế hệ trẻ, nhiều năm qua, thị xã Quảng Yên đã tổ chức nhiều lớp dạy hát đúm miễn phí tại một số trường học, hướng dẫn các trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa giáo dục âm nhạc hay tạo nên các sân chơi bổ ích về loại hình văn hóa dân gian này.

Hát đúm đã được đưa vào giảng dạy trong trường học. Ảnh: Long Giang.

Hát đúm đã được đưa vào giảng dạy trong trường học. Ảnh: Long Giang.

Từ năm 2003, thị xã Quảng Yên đã thành lập CLB hát đúm để những người yêu thích loại hình nghệ thuật này có cơ hội học hỏi, giao lưu và luyện tập với nhau. Từ CLB, nhiều người đã có cơ hội được tham gia hát tại nhiều chương trình giao lưu văn hóa và các lễ hội trong và ngoài khu vực, góp phần giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa.

Ông Vũ Văn Hùng (thành viên CLB) chia sẻ: “Từ khi tham gia CLB, tôi được học hỏi rất nhiều điều về nghệ thuật hát đúm. Không chỉ cần thể hiện đúng tông điệu, trong lúc hát sẽ cần kết hợp thêm những cử chỉ, hành động để tạo sự vui vẻ cho người nghe. Tôi mong rằng hát đúm sẽ ngày càng phát triển và thu hút được đông đảo người trẻ”.

Đứng trước những biến đổi của xu hướng văn hóa, hát đúm cần phải được bảo tồn và quảng bá sâu rộng, đặc biệt là lớp lớp thế hệ trẻ để dòng chảy nghệ thuật truyền thống luôn được tiếp nối và phát triển, trở thành niềm tự hào của người dân Quảng Yên.

Hát đúm, còn được gọi là hát nói, hát mở mặt; là một loại hình dân ca với những làn điệu đối đáp do nhiều người tham gia, được thực hiện phổ biến trong những dịp hội, hè đầu xuân. Đây là một hình thức ca hát mang tính cộng đồng, cộng cảm, một nét hoạt văn hóa đặc trưng của cư dân ven biển Bắc Bộ, mà cái nôi là tổng Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương xưa; nay thuộc các xã Lập Lễ, Phục Lễ, Phả Lễ, Tam Hưng của thành phố Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Năm 1989, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc đề nghị tặng danh hiệu "Báu vật sống" (Living Human Treasures) cho các nghệ nhân hát đúm tại Thủy Nguyên, Hải Phòng. 

Xem thêm
Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Quảng Ninh thưởng tiền vệ Nguyễn Hai Long gần 500 triệu đồng

Với thành tích xuất sắc trong đội hình đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam tại ASEAN Cup 2024, tiền vệ Nguyễn Hai Long được tỉnh nhà Quảng Ninh thưởng lớn.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.