Lắm mối lo
Trưởng phòng NN-PTNT Lô Văn Lý thông tin, toàn huyện Con Cuông có 96 công trình thủy lợi (80 đập dâng, 14 hồ chứa nhỏ các loại và 2 trạm bơm), hơn 127 km kênh mương được xây dựng kiên cố, có 23 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và hàng trăm giếng khoan phục vụ nhu cầu tưới cho bạt ngàn diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả, rau màu. Chưa kể còn cấp nước sinh hoạt, góp phần chống hạn cục bộ cho các vùng lúa nước cao cưỡng, hay những diện tích nằm cuối khu tưới.
Hệ thống hồ đập phân bổ trên địa bàn huyện Con Cuông khá dày nhưng phần lớn được xây dựng trước năm 2000, mức độ đảm bảo an toàn lũ thấp (tần suất thiết kế chỉ từ 5 đến 10%). Do thời gian đưa vào sử dụng đã lâu, cộng thêm quá trình bào mòn âm ỉ của thời tiết, thiên tai dẫn đến hàng loạt công trình luôn tiềm ẩn rủi ro, kéo theo công tác quản lý, bảo vệ rất khó nhằn.
Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và sức mạnh nội lực của nhân dân, Con Cuông đã xây dựng được 15,487 km đường đô thị, 185 km đường huyện, trên 86 km đường xã cùng nhiều tuyến đường nội thôn, nội thị, nội đồng và đường lâm nghiệp các loại. Ngoài ra các bến đò được thay thế bằng Cầu treo (Cầu treo Khe Rạn (xã Bồng Khê), Cầu treo Lam Khê, Cầu treo Bãi Ổi (xã Chi Khê), Cầu treo Chôm Lôm (xã Lạng Khê)) cũng phát huy tác dụng rõ rệt, vừa giúp giao thông đi lại thuận tiện, lại lưu thông hàng hóa thông suốt, tạo đà tích cực phát triển kinh tế xã hội cho địa phương.
Tuy nhiên chừng đó không đủ để khỏa lấp đi những mối lo hiện hữu, nổi cộm nhất là điểm sạt lở tại chân Dốc Chó, xã Lạng Khê. Đáng nói, tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại nhiều điểm trên các tuyến đường mới nâng cấp, nhìn chung nguy cơ sạt lở trượt khối, bạt taluy có thể xảy đến bất kỳ lúc nào.
Con Cuông là huyện miền núi vùng cao với địa hình phức tạp, hệ thống sông suối nơi đây hình thành độ dốc lớn, lũ quét cục bộ mỗi khi xuất hiện thường làm sạt lở nghiêm trọng diện tích đất nông nghiệp, đường giao thông, gây thiệt hại nghiêm trọng về sản xuất nông nghiệp, làm hỏng nặng nề hệ thống công trình, gây nên hao tổn tài sản của nhà nước và nhân dân. Vấn đề này thực sự là nỗi ám ảnh tại các xã dọc Sông Lam, hễ sau mỗi trận mưa lớn, kết hợp với việc thủy điện xả lũ cấp tập y như rằng dẫn đến ngập úng trên diện rộng, sau mỗi bận cơ man diện tích đất 2 bờ sông lại biến mất.
Linh hoạt ứng phó
Điều kiện tự nhiên, địa hình phân bổ không thuận lợi, nguồn lực eo hẹp là những vật cản quá lớn trong công tác ứng phó phòng chống thiên tai. Dựa vào diễn biến thực tại, huyện Con Cuông xác định phải chủ động xây dựng phương án sát sườn, linh hoạt ứng phó trước mọi kịch bản.
Xác định phòng chống thiên tai là chủ trương lớn, là nghĩa vụ của toàn dân, trên tinh thần đó huyện Con Cuông xác định cả hệ thống chính trị và người dân phải nhập cuộc, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu sau: Không để xảy ra chết người; Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tải sản; Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai; Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư trong việc tổ chức phòng chống thiên tai; Đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh không bị đình trệ, đảm bảo quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Kinh phí thực hiện khiêm tốn bắt buộc phải áp dụng theo hướng “phòng hơn chống”, huyện Con Cuông đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn và các đơn vị phải lồng ghép nhiệm vụ phòng chống thiên tai vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời xây dựng chương trình giáo dục cộng đồng, tuyên truyền, tập huấn để mọi người nắm rõ nguyên nhân, nguy cơ, tác hại của thiên tai, từ đó chủ động phòng chống và né tránh có hiệu quả.
Mặt khác, các đơn vị phải kiểm tra, rà soát tất cả các điểm được giao quản lý, nhất là những nơi đối diện nguy cơ cao (hạ lưu các hồ đập, vùng chân đồi, sườn núi) ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra, phải quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm hành vi khai thác khoáng sản, khai thác rừng trái phép, san lấp sông, khe, suối, đổ rác thải, chất thải rắn … làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu thoát lũ.
Trong bối cảnh Covid-19 ngày càng chuyển biến khó lường, huyện Con Cuông đã lập tức bổ sung nội dung này vào phương án ứng phó thiên tai giai đoạn 2021-2025, yêu cầu tất cả phải thực hiện nghiêm Phương châm “4 tại chỗ” và “5K + Vắc xin”.