| Hotline: 0983.970.780

Về xã có hơn 700 người nhiễm bệnh do ngập lụt kéo dài

Thứ Ba 31/07/2018 , 13:48 (GMT+7)

Đã có hơn 700 người bị nhiễm nấm da, nước ăn chân, tiêu chảy, đau mắt đỏ... do ảnh hưởng bởi tình trạng ngập lụt sâu (từ ngày 21/7 đến nay) tại “rốn ngập” xã Nam Phương Chính (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội).

Con số này được dự báo sẽ còn tăng cao, bởi mực nước không những không rút mà còn có dấu hiệu dâng lên.
 

Khát nước, đói lương thực, thiếu thuốc men

Để vào được các thôn Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ và một phần thôn Hạnh Côn đang bị cô lập bởi “biển” nước sâu, chúng tôi phải di chuyển gần 2km bằng những chiếc thuyền nan nhỏ chòng chành. Dọc đường đi, những khuôn mặt thất thần, bạc phếch vì mệt mỏi và bệnh tật khiến khung cảnh vùng “rốn ngập thủ đô” càng trở nên thê thảm.

17-21-36_nh1
Rác nổi lềnh phềnh khắp đường làng ngõ xóm thôn Nam Hài

Xóm Bèo, xã Nam Hài là vùng trũng thấp, cũng là nơi ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Nhiều ngày qua, nước dâng lút nhà, dù đã dùng gạch để kê chân giường cao tới 50cm, nhưng mọi đồ vật nhà cựu chiến binh Nguyễn Văn Quân không còn một thứ gì còn khô. Cả gia đình phải đi lánh nạn nhà người thân cách đó vài cây số. Chỉ còn ông bám trụ lại để trông nom cửa nhà.

“Lũ dâng bất ngờ quá, tôi không kịp chuyển thứ gì, ti vi, tủ lạnh, bình gas, thóc lúa đều chìm trong bụng nước rồi”, ông Quân kể trong chua xót.

Sống trong vùng phân lũ, với người dân thôn Nam Hài, hai nỗi khiếp sợ lớn nhất chính là vấn nạn ô nhiễm môi trường và thiệt hại sản xuất. Chiều ngày 21/7, khi nước sông Bùi đổ ồng ộc vào làng, mấy bãi rác trong xã vẫn đầy ứ ự. Nước nổi dẫn theo đủ thứ ô uế tràn vào tận giường nhà dân, suốt nhiều ngày qua, hàng trăm hộ dân ăn ngủ cùng rác, mùi thối khắm, tanh tưởi của xác chết động vật khiến những cơn buồn nôn dâng lên tận cổ họng.

“Để diễn tả khung cảnh nơi này, phải dùng từ kinh tởm” – bà Thuận, một người dân ở xóm Trong, thôn Nam Hài, chia sẻ.

17-21-36_nh2
Mòn mỏi chờ nước rút

Ông Trần Văn Kỳ - Trưởng khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ) thống kê con số khiến chúng tôi giật mình: “Sau 9 ngày ngập lụt, đã có hơn 700 người nhiễm các bệnh liên quan đến ô nhiễm nguồn nước như: nấm chân tay, tiêu chảy, đau mắt đỏ. Đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã cấp phát thuốc miễn phí cho 700 hộ dân, mỗi hộ một túi thuốc. Tuy nhiên, nhiều hộ đã dùng hết và tiếp tục kéo đến các điểm khám chữa bệnh để xin thêm thuốc, tuy nhiên nguồn thuốc cũng đã gần cạn và chúng tôi đang đề nghị cấp thêm thuốc men”.

Theo ông Kỳ, dự kiến số lượng người mắc các chứng bệnh da liễu, tiêu chảy, đau mắt đỏ sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, bởi phải ít nhất 1 tháng nữa nước mới rút và cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp tiêu độc khử trùng.

Thống kê của UBND xã Nam Phương Tiến, có tới 842 hộ gia đình bị ngập lụt, khiến hơn 4.000 người bị đảo lộn cuộc sống sinh hoạt. Giếng đào đã bị ngập, giếng khoan không thể lấy nước do ngành điện lực cắt điện toàn phần, không thể vận hành máy bơm. Tối đến, nhiều ngôi nhà tối đen như mực vì không còn nến để thắp. Việc nấu ăn trở nên vô cùng khó khăn bởi thiết bị tạo nhiệt không thể hoạt động. Một số hộ bị nước cô lập, không có phương tiện di chuyển đã phải cầu cứu chính quyền tiếp tế lương thực.

17-21-36_nh3
Điểm khám chữa bệnh tại thôn Nam Hài chật kín người đến xin thuốc
17-21-36_nh-4
Một người dân đã bị nước ăn chân, xuất hiện nhiều vết lở loét

Sau 9 ngày ngâp lụt, cảnh tượng di dân, di chuyển tài sản tại xã Nam Phương Tiến vẫn còn tiếp diễn. Bởi từ đêm 29 tới rạng sáng ngày 30/7, mực nước tiếp tục dâng cao thêm khoảng 40cm. Chính quyền địa phương buộc phải cầu cứu UBND huyện Chương Mỹ “chi viện” 110 chiến sĩ trường Sỹ quan Đặc công và 30 chiến sỹ Sư đoàn 308 xuống cứu hộ đê và di chuyển lương thực, vật nuôi của nhân dân.

Đối với thiệt hại về sản xuất, báo cáo nhanh của xã Nam Phương Tiến cho thấy, đã có 250ha lúa, 150ha hoa màu, 68ha nuôi trồng thuỷ sản bị mất trắng. Khoảng 25.000 con gia cầm và 500 con lợn đã bị chết vì ngập nước, đói ăn hoặc không đủ sức đề kháng trong quá trình vận chuyển. Những thiệt hại trên đã đẩy người nông dân vào tình cảnh điêu đứng, bởi sau trận lụt “thần tốc” tại xã Nam Phương Tiến năm 2017, nhiều hộ dân đã phải cầm cố tài sản vay vốn ngân hàng để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, số hàng cứu trợ này cũng chưa thể chia hết cho nhân dân do khó khăn về phương tiện vận chuyển.
 

Chính quyền xã và TP Hà Nội chưa hỗ trợ gì cho người dân

Ông Nguyễn Huy Phong – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy kiêm Phó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai của xã Nam Phương Tiến, cho biết: Mức ngập lụt năm nay chỉ kém năm 1971 một chút. Đây là một trong những trận ngập gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử của địa phương. Cuộc sống của nhân dân 4 thôn ngập lụt đang vô cùng bi đát. Tuy nhiên, sự hỗ trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và các cấp chính quyền thấp hơn rất nhiều so với năm ngoái và không thể đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân.

17-28-46_img_0436
Nước ngập sâu, phương tiện di chuyển duy nhất của người dân là thuyền

Ông Phong cho biết, quỹ dự phòng phòng chống thiên tai của xã Nam Phương Tiến chỉ có 90 triệu đồng, chỉ chi phục vụ công tác hộ đê, chạy dầu máy phục vụ cứu hộ, cứu trợ... là hết nên không còn khoản nào để chi hỗ trợ người dân. Thống kê của UBND xã cũng chưa ghi nhận sự hỗ trợ vật chất gì của UBND TP Hà Nội. “Trận ngập lụt năm ngoái, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc về thăm các địa phương vùng ngập lụt có hỗ trợ 60 triệu đồng tiền mặt/xã. Năm nay, đoàn công tác của Hội đồng nhân dân TP do bà Ngọc dẫn đầu cũng về kiểm tra công tác phòng chống thiên tai của vùng ngập lụt, nhưng bà chỉ về thăm và tặng quà cho 10 hộ gia đình của xã Tân Tiến. Xã Nam Phương Tiến và các xã bị ngập lụt khác không nhận được hỗ trợ của đoàn”, ông Phong nói.

17-28-46_img_0420
Ảnh: M.P

Trong suốt 9 ngày ngập lụt, trung bình mỗi nhân khẩu (nằm trong diện bị ảnh hưởng bởi ngập lụt) tại xã Nam Phương Tiến được hỗ trợ khoảng 0,7 kg gạo; 17 gói mì tôm. Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 3 cặp nến, một bình nước lọc (20 lít). Tổng số tiền mặt được hỗ trợ mà UBND xã Nam Phương Tiến nhận được đến ngày 30/7 là 21 triệu đồng.

Đê tả sông Bùi 2 cũng đã bị tràn mặt

Trao đổi với PV NNVN, ông Hoàng Minh Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: Ngoài tuyến đê sông Bùi 1 bị tràn mặt đê (từ ngày 21/7) trên chiều dài 4km, tuyến đê Bùi 2 (phía trong) cũng đã bị tràn mặt đê do nước đột ngột dâng cao từ đêm 29 – rạng sáng ngày 30/7. Mặc dù chúng tôi đã huy động tối đa lực lượng quân đội tổ chức đắp bao cát để chống tràn, nhưng mực nước vẫn đang tiếp tục dâng cao. Do đó nguy cơ rất cao sẽ tràn mặt đê tả Bùi, gây ngập cho toàn bộ lúa, hoa màu của cả một vùng rộng lớn ở xã Trung Hòa.

 

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm