Nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, người dân xã Đạo Trù sống chủ yếu dựa vào rừng và trồng hoa màu. Nhưng đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Từ khi biết ba kích là loại dược liệu quý, có thể chữa nhiều bệnh, người dân đổ xô lên rừng đào bới về ươm thử nhưng không có kỹ thuật, làm tự phát, hiệu quả không cao. Trong khi đó, nguồn ba kích tự nhiên cứ cạn kiệt dần.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi năm 2012, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Sở KH-CN tỉnh này tổ chức xây dựng mô hình, tiến hành tập huấn và chuyển giao kỹ thuật ươm, nhân giống ba kích cho các hộ dân ở xã Đạo Trù. Sau 3 năm, mô hình liên kết SX ba kích đã cho hiệu quả rõ rệt.
Có mặt tại vườn ươm ba kích của nhà anh Nguyễn Văn Xô, thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù chúng tôi mới thấy hết được quyết tâm thuần hóa ba kích rừng tại địa bàn như thế nào.
Trong y học cổ truyền, ba kích là cây thuốc được sử dụng nhiều với công năng “bổ thận tráng dương”, có mặt trong các bài thuốc hỗ trợ chức năng sinh lý. Không chỉ theo quan niệm Đông y và kinh nghiệm dân gian, ba kích còn được chứng minh là chứa các thành phần có tác dụng tăng cường sức dẻo dai, bền bỉ. Theo đó, thành phần hóa học trong rễ loài cây này là các anthraglucosid, iridoid glucoside, các sterol, các chất vô cơ như K, Na, Mg, Fe, Cu, Zn…, tinh bột, đường, acid hữu cơ, vitamin C. Về dược lý, các chất này có tác dụng tăng cường sinh lực cho phái mạnh, giúp duy trì thời gian “chiến đấu” lâu hơn. |
Anh Xô tâm sự: “Trước đây gia đình tôi chủ yếu trồng sắn, chăn nuôi, trồng hoa thu nhập không được là bao. Năm 2010 có một anh bạn ở Quảng Ninh giới thiệu trồng ba kích và bao tiêu đầu ra với giá 200 ngàn đồng/kg, nhà tôi đầu tư trồng gần 200 m2, thu về 60 triệu đồng.
Từ khi tham gia mô hình nhân giống ba kích, nhà tôi bắt đầu tăng diện tích trồng lên 5 sào, khoảng gần 1.000 gốc với 600 m2. Năm 2014 gia đình tôi bán được 20 vạn cây giống, giá 2.000 đồng/cây, bán củ ba kích với giá 200 ngàn đồng/kg.
Khách đến mua trực tiếp, có khi ở xa như Đà Nẵng, Thái Nguyên, Hà Nội… cũng đặt hàng mua. Nếu cứ theo giá thị trường như hiện nay thì sau 2 năm nữa vườn nhà tôi sẽ thu hoạch đạt doanh thu 1,4 tỷ đồng”.
Ông Đàm Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạo Trù cho biết: “Ba kích còn gọi là cây ruột già, mọc chủ yếu ở các khu rừng miền núi phía Bắc, là loại dược liệu dễ nhân giống nhưng cần phải có kỹ năng chăm sóc. Đất ươm phải là đất mượn, gạt đi lớp đất mặt.
Sau khi đã xử lý đất tơi xốp thì phải khử nấm, vén thành luống. Hom dây ba kích cần được xử lý sạch bệnh mới tiến hành giâm xuống đất rồi phủ nilon, ngày tưới nước sạch 2 lần. Sau khi giâm hom ba kích giống từ 3 - 4 tháng là có thể xuất bán được. Điều thuận lợi là cây ba kích rất phù họp với đất vườn đồi ở xã Đạo Trù”.
Theo người dân nơi đây, nhờ điều kiện thổ nhưỡng của vùng đệm dưới chân núi nên từ khi xây dựng mô hình ba kích đến nay cây phát triển rất tốt.
Cả xã Đạo Trù triển khai trồng được trên 2 ha cây ba kích trong đó 7.200 m2 được hỗ trợ từ Hội Nông dân tỉnh và trên 14.000 m2 là do người dân tự trồng. Nhiều hộ điển hình như nhà anh Nguyễn Văn Xô, ông Lương Xuân Nguyệt, ông Đàm Ngọc Hiển…
Vườn ươm ba kích của xã Đạo Trù
Ông Đàm Văn Tiến cho biết thêm: “Có được thành công này là xuất phát từ năm 2011, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và triển khai mô hình “Trồng cây dược liệu” và mô hình “Nhân giống ba kích” năm 2012 ở xã Đạo Trù với tổng diện tích hơn 7.000 m2. Ngoài hỗ trợ nguồn giống, phân bón các hộ dân còn được tập huấn kỹ thuật ươm nên hiệu quả cao.
Hiện nay ở Đạo Trù có 4 hộ tham gia vườn ươm với diện tích 1 ha, 7 hộ khác trồng cây ba kích thương phẩm với 2 ha. Xã cũng xác định đây là giống cây triển vọng, là hướng đi mới giúp bà con có thêm nghề, nâng cao thu nhập, sắp tới sẽ nhân rộng thêm diện tích trên địa bàn”.