| Hotline: 0983.970.780

Vì sao cá tầm Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường Việt Nam?

Thứ Sáu 18/12/2020 , 08:43 (GMT+7)

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp, địa phương… nguyên nhân cá tầm Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường Việt Nam là do đang còn các lỗ hổng về công tác quản lý.

Phải kiểm tra lại quy trình nhập khẩu cá tầm Trung Quốc

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Lê Thanh Lựu, Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định: Cần phải có một cuộc rà soát tổng thế, đánh giá chất lượng, giá cả của cá tầm nhập từ Trung Quốc để tăng cường hơn nữa công tác quản lý mặt hàng này nhằm tránh những rủi ro đối với sản xuất cá tầm trong nước.

Thực tế hiện nay, theo đánh giá ban đầu có thể thấy có hai nguyên nhân dẫn đến việc cá tầm Trung Quốc giá rẻ trần ngập thị trường Việt Nam.

Thứ nhất là vấn nạn nhập qua đường tiểu ngạch, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng như thế nào.

Thứ hai là thông tin cá tầm Trung Quốc sử dụng thức ăn, nuôi công nghiệp nhằm rút ngắn chu kỳ nuôi nên giá thành thấp hơn nhiều so với cá Việt Nam.

Phải kiểm tra quy trình nhập cá tầm Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Anh.

Phải kiểm tra quy trình nhập cá tầm Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Anh.

“Theo nghiên cứu của chúng tôi, cá tầm Trung Quốc, đặc biệt là số lượng nhập qua đường tiểu ngạch có chất lượng kém hơn, kiểm soát chất lượng, kiểm soát dịch bệnh yếu, thậm chí là không có kiểm soát.

Điều này vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trước hết là người tiêu dùng bởi vì đem ra so sánh rõ ràng cá tầm Trung Quốc thịt nhão hơn rất nhiều so với cá tầm Việt Nam.

Thứ hai là nguy cơ lây lan dịch bệnh bởi vì cá tầm nhập qua đường tiểu ngạch thì không ai kiểm soát được, chưa kể khi vào đến thị trường Việt Nam là cá tầm sống, phải trải qua nhiều công đoạn thay nước, thậm chí phải trà trộn vào cá tầm Việt Nam nên chắc chắn gây ra những rủi ro về dịch bệnh”, Tiến sĩ Lê Thanh Lựu phân tích.

Những phân tích của Tiến sĩ Lê Thanh Lựu hoàn toàn có cơ sở, khi các nhà chuyên môn, nhiều cơ quan quản lý đều thừa nhận, một trong những lỗ hổng của việc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc hiện nay là quy trình kiểm soát, kiểm tra, giám sát. Bởi ngay cả đối với các lô hàng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch cũng chỉ mới kiểm tra có bệnh hay không, còn chất lượng như thế nào thì dường như vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), việc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc chắc chắn tác động đến sản xuất trong nước vì mình cũng đang tổ chức nuôi.

“Sau khi tổ chức nghiên cứu, thí điểm kinh doanh, hiện nay có 5 loài được phép kinh doanh, vấn đề cá tầm Trung Quốc có nằm trong 4 loài trong danh mục hay không thì Tổng cục Thủy sản không được biết”.

Mặt khác, một cán bộ của Tổng cục Thủy sản cũng cho biết, phải xem xét lại quy trình nhập khẩu cá tầm Trung Quốc, đặc biệt là khâu kiểm tra chất lượng, bởi vấn đề này vẫn đang là một "lỗ hổng".

Cụ thể, trong danh mục các loài thủy sản sống được phép nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay, 5 loài cá tầm gồm: Cá tầm Beluga (huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis) và cá tầm Xibêri (Acipenser baerii).

Đây là những loài đã được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục sản xuất thông thường và được kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc từ cơ quan CITES Việt Nam và từ các cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ NN-PTNT.

Từ khảo sát của các chuyên gia, kiến nghị của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, vấn đề nhập khẩu cá tầm Trung Quốc qua đường tiểu ngạch đã có hiện tượng trà trộn các giống lai không nằm trong danh mục trên.

Các loại cá nhập về không có hình thái đồng nhất, thuộc nhiều dòng lai khác nhau của cá tầm Amur (Acipenser schrenckii), cá tầm Kaluga (Huso dauricus), dòng lai cá tầm Xibêri (Acipenser baerii) không được kê trong danh mục cho phép…

Cá tầm Kaluga ngoài danh mục được bày bán ở các chợ đầu mối. Ảnh: An An.

Cá tầm Kaluga ngoài danh mục được bày bán ở các chợ đầu mối. Ảnh: An An.

Khảo sát tại một số khu vực chợ đầu mối lớn còn bày bán cá tầm Kaluga từ Trung Quốc, trông không khác gì “thủy quái”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Thùy, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III, đây là loài không nằm trong danh mục được cấp phép nhập khẩu của Bộ NN-PTNT.

Theo Thông tư của Bộ NN-PTNT, những đối tượng nằm ngoài danh mục muốn nhập vào Việt Nam phải có giấy phép của Tổng cục Thủy sản, phải thành lập đội đồng để đánh giá rủi ro của đối tượng mới, nếu không thuộc danh mục, không được Tổng cục Thủy sản đồng ý thì không được phép nhập và tôi được biết Tổng cục Thủy sản không cấp phép cho loài nào ngoài danh mục của Bộ NN-PTNT cả.

Người tiêu dùng cẩn thận bị đánh lừa

Tại một cuộc hội nghị tổng kết 15 nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai mới đây, các cơ quan chuyên môn đánh giá, với sản lượng năm 2020 ước đạt trên 3.000 tấn, giá trị hơn 500 tỷ đồng, cá tầm Việt Nam đang khẳng định được thương hiệu, tạo sinh kế, nguồn thu và trở thành ngành hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, tất cả có thể sẽ sụp đổ trước sự đổ bộ của cá tầm Trung Quốc giá rẻ.

Hơn ai hết, những chủ nuôi trong nước là “nạn nhân” trực tiếp. Ông Hà Trần Quyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam - Bắc Giang thống kê, kể từ khi cá tầm giá rẻ Trung Quốc đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam, từ chỗ một doanh nghiệp sản xuất với hàng loạt trang trại ở các tỉnh như Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên… bây giờ Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam chỉ dám nuôi cầm chừng, nhiều bể nuôi bỏ trống, cạn trơ cả đáy.

"Chúng tôi dày công tìm hiểu được biết cá tầm Trung Quốc họ nuôi công nghiệp theo mô hình khép kín, 12 tháng đã được xuất bán. Trong khi đó cá tầm Việt Nam nuôi dựa theo điều kiện tự nhiên và phải trên 15 tháng mới được thu hoạch thương phẩm. Đây có thể là lý do khiến cá tầm Việt Nam mặc dù sạch, ngon, giàu chất dinh dưỡng nhưng khó cạnh tranh với cá tầm Trung Quốc do giá thành cao hơn.

Mặt khác, vì lợi nhuận, nhiều thương lái đã nhập cá tầm Trung Quốc với giá rẻ sau đó gắn mác cá tầm Việt Nam để bán ra thị trường. Điều này gây nguy hại và ảnh hưởng vô cùng lớn đến các doanh nghiệp cá tầm Việt Nam.

Một số trang trại đã chấp nhận hạ giá, bán lỗ để cạnh tranh nhằm bảo vệ thương hiệu cá tầm Việt nhưng cũng chỉ được một thời gian, còn về lâu dài không thể trụ được", ông Quyền lý giải.

Chủ hồ nuôi cá tầm Việt Nam đang lao đao. Ảnh: Hoàng Anh.

Chủ hồ nuôi cá tầm Việt Nam đang lao đao. Ảnh: Hoàng Anh.

Cũng theo ông Quyền, vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến nền sản xuất cá tầm trong nước mà người tiêu dùng Việt Nam cũng đang bị đánh lừa. Cho đến thời điểm này việc phân biệt cá Trung Quốc và cá tầm nuôi trong nước đang gặp nhiều khó khăn. Ở chỗ, sau khi nhập qua đường tiểu ngạch, nhiều thương lái đã dùng chiêu trà trộn lẫn cá tầm Trung Quốc với cá tầm Việt Nam để tung ra thị trường khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt, lựa chọn.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ nuôi cá tầm trong nước và các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên quan sát thật kỹ bởi đặc điểm của cá tầm Trung Quốc là béo và thân ngắn, màu đen nhám, mũi rất nhọn.

Ngoài ra, do quãng thời gian vận chuyển rất dài nên mình cá xây xước nhiều, bụng có những vệt máu đỏ, có những vết lở loét và cá thường nằm im bất động chứ không bơi lội. Còn khi chế biến món ăn, cá tầm Trung Quốc nhiều mỡ, thịt nhão, bở trong khi cá tầm Việt Nam thịt thơm, dai và ngon hơn.

Đối với các địa phương, trước mắt các địa phương cần có giải pháp để bảo vệ thương hiệu. Đơn cử như Sở NN-PTNT Lào Cai đã đề nghị UBND tỉnh này lên kế hoạch xây dựng thương hiệu riêng cho cá nước lạnh Lào Cai bởi “chỉ có như vậy mới đảm bảo được thị trường ổn định, tránh tình trạng cá tầm Trung Quốc thẩm lậu làm ảnh hưởng tới thương hiệu cá nước lạnh Lào Cai”.

Báo cáo của Sở NN-PTNT Lào Cai cho biết, những năm qua việc nuôi trồng thủy sản nước lạnh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương trong tỉnh. Với hơn 215 cơ sở nuôi, giá trị sản xuất, đạt khoảng 25-30 tỷ đồng/ha, năm 2020 thể tích nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai đã lên tới 57.100 m3, sản lượng 670 tấn, vượt mục tiêu so với đề án tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp tỉnh…

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là việc quản lý thị trường chưa chặt chẽ dẫn đến giá cả thị trường không ổn định, khó cạnh trạnh với cá tầm Trung Quốc giá rẻ và đang có sự trà trộn giữa sản phẩm sản xuất trong nước nước và sản phẩm nhập lậu qua đường mòn, lối mở từ Trung Quốc.

Ngoài ra, một vấn đề nan giải nữa là con giống khó kiểm soát về số lượng, chất lượng do các cơ sở nhập trứng giống trôi nổi trên thị trường và một số sản phẩm giống được nhập lậu từ Trung Quốc.

Gửi kiến nghị đến nhiều bộ ngành

Để đối phó với cá tầm Trung Quốc giá rẻ, mới đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi cá tầm nhỏ lẻ trên cả nước vừa có thư kiến nghị gửi các bộ ngành liên quan đề nghị làm rõ có hay không việc quản lý lỏng lẻo, lợi dụng khe hở pháp luật để nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc không nằm trong danh mục loài được cấp phép theo quy định.

Thực hiện sát sao công tác quản lý thị trường nhằm tránh việc trà trộn nguồn gốc hoặc tiêu thụ cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm Công ước CITES.

Tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các lô cá tầm nhập khẩu theo quy định để kiểm soát các chất cấm tồn dư trong sản phẩm cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc với mục đích để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, cạnh tranh công bằng với cá tầm nuôi trong nước….

“Trong khi các doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước đang tồn dư một sản lượng lớn cá tầm tại các trang trại nuôi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, thì lượng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc vào quá nhiều, nhập nhèm về chủng loại nguồn gốc, giá bán rất thấp chỉ bằng 2/3 giá trong nước đã khiến các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị nuôi gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt và không công bằng”, thư kiến nghị nêu rõ.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.