Trong kế hoạch điện lần thứ 10 giai đoạn 2022 – 2036, Chính phủ Hàn Quốc xác định viên nén gỗ sẽ chiếm 57,64% trong tổng năng lượng sinh học, vì vậy nhu cầu nhập khẩu viên nén sẽ tăng gấp nhiều lần.
Hơi nước "đẻ" ra tiền
Trong khuôn khổ chương trình tham quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng sinh học tại Hàn Quốc do Dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam” (BEM) tổ chức, đoàn chúng tôi đến tham quan Nhà máy đồng phát điện sinh khối PoSeung Green Power ở Khu liên hợp Công nghiệp Quốc gia Asan tại Poseung (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc).
Đây là nhà máy điện đốt 100% nhiên liệu rắn sinh học (Bio-SRF), được thiết kế để sản xuất tới 174,3 tấn hơi nước và 43,2 MW điện mỗi giờ bằng cách sử dụng sinh khối gỗ làm nguồn nhiên liệu. Nhà máy được khởi công xây dựng từ tháng 3/2016 và đi vào vận hành thương mại từ tháng 3/2018, được thiết kế vận hành trong thời gian 30 năm.
Giám đốc Nhà máy điện sinh khối PoSeung Green Power cho biết, tổng chi phí xây dựng nhà máy là 22 triệu USD, bao gồm 6 triệu USD vốn chủ sở hữu và 16 triệu USD là vay từ nguồn vốn dự án. Công ty LX international sở hữu 63% vốn đầu tư nhà máy và 37% còn lại là nguồn vốn nước ngoài.
Trong 22 triệu USD đầu tư này, 19 triệu USD cho phần thiết bị và xây dựng, 3 triệu USD là chi phí liên quan đến vận hành và cấp giấy phép. Các thiết bị chính lắp đặt tại nhà máy gồm tuabin do hãng GM Ấn Độ sản xuất, máy phát điện – BHNL nhập từ Ấn Độ và lò hơi do hãng trong nước sản xuất. Nhà máy phải trả chi phí thuê đất cho khu công nghiệp khoảng 100.000 USD/năm.
Về quy trình vận hành của nhà máy, cán bộ chỉ đạo kỹ thuật cho biết nhiên liệu sinh khối sau khi đốt sẽ cung cấp nhiệt làm nóng nước trong thiết bị lò hơi. Tại lò hơi, nước được đun nóng lên 500 độ C để chuyển sang trạng thái hơi nước. Một phần hơi nước sau đó đi vào tuabin làm quay máy phát điện, tại đây sẽ sản xuất ra điện với công suất 30 MWh. Một phần hơi khác sẽ được tách riêng để cung cấp cho các nhà máy trong khu công nghiệp.
Nhà máy bán điện cho Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc và bán hơi nước cho các công ty đang hoạt động trong Khu liên hợp Công nghiệp Quốc gia Asan ở Poseung.
Hơi nước nóng sẽ đi theo 10 đường ống đến 10 doanh nghiệp để phục vụ hoạt động của các thiết bị, máy móc chạy bằng hơi nước. Nhiệt độ hơi nước sản xuất tại nhà máy là 500 độ C, nhưng khi đến các doanh nghiệp tiêu thụ chỉ còn khoảng 200 độ C, và phần hơi nước ngưng tụ sau đó sẽ được thu hồi trở về nhà máy điện.
Về hệ thống xử lý khí thải, cán bộ kỹ thuật cho hay, khí thải sinh ra sau quá trình đốt sinh khối sẽ được khử các thành phần Clo, Sufur HCI, trung hòa carbonat. Sau đó, khí thải đi qua thiết bị sử dụng carbon hoạt tính để loại bỏ các chất độc hại như furan, dioxinvà, sử dụng các thiết bị lọc để loại bỏ bụi ở trong khí thải trước khí thải ra ngoài môi trường.
Về nguồn nguyên liệu, giám đốc nhà máy cho biết bình quần mỗi giờ, nhà máy cần lượng nhiên liệu khoảng 35 tấn. “Hiện nay, do cam kết Netzero và xung đột Nga - Ukraine nên giá mua viên nén rất đắt. Vì vậy, nhà máy chỉ sử dụng 10% là viên nén gỗ, còn lại là dăm gỗ từ nguồn gỗ phế thải ngành xây dựng, rác thải gia đình và phụ phẩm từ rừng như cành cây khô, cây rừng bị thiệt hại do hỏa hoạn…”.
Nhà máy cần 1,5 tấn sinh khối cho sản xuất 1 MW điện. Mỗi năm, công ty sử dụng khoảng 260 nghìn tấn sinh khối. Đề cập về hiệu quả lợi nhuận thực tế, Giám đốc Nhà máy điện sinh khối PoSeung Green Power thông tin: Nhà máy hoạt động liên tục 310 ngày/năm, tương đương 7.400 giờ. Mỗi năm bán khoảng 300.000 MWh điện. Tỷ suất lợi nhuận (IRR) của nhà máy (khi chưa tính lãi suất và khấu hao thiết bị) là 10 - 12%/năm và IRR thực tế là 6 - 7%/năm.
80% viên nén nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam
Trao đổi với đoàn Việt Nam tham gia chương trình tham quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng sinh học tại Hàn Quốc, Tiến sĩ Lee Soo Min - chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Ban Vật liệu công nghiệp rừng của Viện Khoa học Lâm nghiệp Quốc gia Hàn Quốc cho biết, nước này đang chuyển đổi năng lượng nhằm thực thi cam kết giảm phát thải khí carbonic.
Hiện năng lượng sinh khối chiếm chưa tới 1,5% trong tổng sản lượng điện của Hàn Quốc. Điện sinh khối tại Hàn Quốc chủ yếu là nhiệt điện sử dụng nguyên liệu viên nén để đốt cháy và tạo nhiệt phát điện. Tuy chiếm tỷ trọng rất nhỏ, nhưng công suất phát điện sử dụng viên nén tại Hàn Quốc đã tăng rất nhanh trong những năm gần đây.
Năm 2022, quy mô thị trường viên nén gỗ trong nước của Hàn Quốc là 4,5 triệu tấn (bao gồm cả nhập khẩu và tự sản xuất). Trong đó sản xuất trong nước mới đáp ứng được 15,8% nhu cầu viên nén của các nhà máy điện tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc hiện có khoảng 20 cơ sở sản xuất viên nén, hầu hết trong số đó là quy mô nhỏ (dưới 10.000 tấn/năm) và chỉ có 3 cơ sở lớn, tổng năng lực sản xuất ước tính khoảng 1 triệu tấn/năm.
“Nhập khẩu viên nén gỗ vào Hàn Quốc năm 2022 là 3,78 triệu tấn, tăng 600.000 tấn so với 2021. Hàn Quốc nhập khẩu 95% lượng viên nén gỗ từ 3 quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Việt Nam và Malaysia. Trong đó, Việt Nam là thị trường nhập khẩu viên nén gỗ quan trọng của Hàn Quốc. Năm 2022, Hàn Quốc đã nhập từ Việt Nam 2,2 triệu tấn, chiếm 80% lượng nhập khẩu", Tiến sĩ Lee Soo Min thông tin.
Lý giải việc Hàn Quốc lệ thuộc vào nguồn viên nén nhập khẩu từ Việt Nam, Tiến sĩ Lee Soo Min cho biết: Diện tích lãnh thổ của Hàn Quốc là 10 triệu ha, trong đó diện tích rừng 6,3 triệu ha, lượng gỗ thô sản xuất 4,3 triệu tấn/năm. Hiện sản lượng gỗ thu hoạch hàng năm của Hàn Quốc chỉ bằng 1/10 so với sản lượng gỗ của Việt Nam. Trong khi Việt Nam có diện tich đất tự nhiên 33,8 triệu ha, trong đó có 14,8 triệu ha rừng, sản lượng gỗ thô thu hoạch hàng năm lên đến 30 - 57,3 triệu m3.
Hàn Quốc cần nhập hàng chục triệu tấn viên nén trong tương lai
Theo các chuyên gia Hàn Quốc, thị trường năng lượng tái tạo của Hàn Quốc, bao gồm cả viên nén gỗ, được thúc đẩy bởi các chính sách của chính phủ. Trong kế hoạch điện lần thứ 10 giai đoạn 2022 – 2036, chính phủ Hàn Quốc xác định viên nén gỗ sẽ chiếm 57,64% trong tổng năng lượng sinh học.
Dự báo, nhu cầu viên nén gỗ của Hàn Quốc trong năm 2023 là 5 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước là 743 nghìn tấn, nhập khẩu 4,17 triệu tấn.
"Tại Hàn Quốc, nhiều nhà máy phát điện sử dụng viên nén đang tiếp tục được xây dựng, nhiều nhà máy đang nằm trong kế hoạch xây dựng. Vì vậy, nhu cầu viên nén tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới, dự tính lên 6 triệu tấn vào năm 2025", Tiến sĩ Lee Soo Min thông tin.
Cũng theo Tiến sĩ Lee Soo Min, hiện các nhà máy nhiệt điện than tại Hàn Quốc đang sản xuất ra gần 40% trong tổng sản lượng điện quốc gia, và sử dụng tổng khối lượng than 100 triệu tấn mỗi năm. Kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc đề ra đến năm 2030 sẽ chấm dứt nhiệt điện than.
Để thực hiện chủ trương này, sẽ có những nhà máy nhiệt điện than thay đổi công nghệ, chuyển đổi thiết bị để chuyển sang sử dụng viên nén. Nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than tại Hàn Quốc chuyển đổi thành nhiệt điện viên nén thì nhu cầu viên nén sẽ là con số khổng lồ, lên tới vài trăm triệu tấn mỗi năm.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ không thể thay thế hết nhiệt điện than sang nhiệt điện viên nén, sẽ chỉ một phần nhỏ (cố gắng lắm thì 10%) chuyển đổi được theo hướng này. Nhưng chỉ 10% chuyển đổi thì nhu cầu viên nén trong tương lai cũng sẽ rất lớn, lên đến hàng chục triệu tấn mỗi năm”, Tiến sĩ Lee Soo Min nhận định.
Trong tương lai, Hàn Quốc sẽ càng tăng nhập khẩu viên nén từ Việt Nam. Tuy nhiên, đã có nhiều người ở Hàn Quốc tỏ ra lo ngại rằng sản xuất viên nén tại Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác có nguy cơ thiếu bền vững, sử dụng nhiều gỗ thịt thay vì sử dụng phụ phẩm của ngành chế biến gỗ, dẫn đến cạnh tranh nguyên liệu với ngành sản xuất đồ gỗ.
Trước những lo ngại thiếu tính bền vững khi phát triển điện viên nén, Tiến sĩ Lee Soo Min đề xuất Việt Nam và Hàn Quốc cần hợp tác để thực thi hàng loạt giải pháp như: Liên kết chính sách sinh khối rừng với việc thúc đẩy tài nguyên rừng bền vững; thiết lập hệ thống quản trị bao gồm trung hòa carbon, ESG và minh bạch thị trường; tăng cường hệ thống xúc tiến thương mại gỗ hợp pháp...