Nhu cầu lớn
Là một trong những doanh nghiệp tham gia tại Diễn đàn Kinh tế xanh 2022, Công ty Cổ phần Thuận Hải (TP.HCM) – đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ vận hành hơi nhiệt, để phục vụ đốt đã nắm bắt xu thế trong việc chuyển đổi nguyên liệu sạch. Tháng 10/2021, khi giá than thế giới đột nhiên tăng gấp 3 lần, cộng với cuộc xung đột Nga – Ukraina, buộc “khách hàng” của Thuận Hải tìm kiếm những giải pháp thay thế và bắt đầu chuyển đổi sang biomass (nhiên liệu sinh khối – PV).
“Việt Nam là đất nước nông nghiệp, nguồn chấu sau khi xay xát sẽ được tận dụng lại làm viên nén. Bên cạnh đó một số loại nguyên liệu như củi băm, phế phụ phẩm lâm nghiệp từ củi tràm, keo, cây cao su sau khi sử dụng lấy gỗ để làm giấy hoặc làm gỗ lót sàn thì phần còn lại sẽ được tận dụng làm nhiên liệu đốt. Đây chính là nguồn nguyên liệu biomass hiện có để tận dụng”, ông Đào Quốc Ái, Công ty Cổ phần Thuận Hải cho hay.
Theo ông Ái, hơn 60% khách hàng của Công ty là ngành dệt nhuộm, sử dụng hơi nhiệt nhiều. Đứng trước áp lực từ các nhãn hàng châu Âu buộc họ phải có lộ trình giảm phát thải trong quá trình sản xuất, chuyển đổi sang nguyên liệu sạch từ giờ đến năm 2030 theo lộ trình COP26. Việc sử dụng nhiên liệu biomass vừa giảm chi phí vận hành, vừa không lệ thuộc vào những nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, giá biến động tăng cao, vừa góp phần làm cho giảm hiệu ứng nhà kính. Hơn thế nữa, tro sinh ra trong quá trình đốt trấu viên, gỗ viên sẽ là nguồn nguyên liệu rất cần phải có cho các ngành công nghiệp khác.
Để tận dụng tối đa nguồn phế phụ phẩm, đơn vị này cũng đã đặt 2 nhà máy tại Cần Thơ, Long An, nơi có nguồn phế phụ phẩm dồi dào để tận dụng làm viên nén chấu, viên nén gỗ… Sản lượng nhiên liệu sinh khối tiêu thụ hàng năm của Thuận Hải lên tới 200.000 tấn, như một lời cam kết trong tiến trình cắt giảm sản lượng nhiên liệu hóa thạch để hướng đến một tương lai phát triển bền vững hơn.
Trong những năm qua, xử lý phụ phẩm trong lâm nghiệp để sản xuất viên nén gỗ tại Việt Nam phát triển nhanh chóng. Và hiện Việt Nam là nước xuất khẩu viên nén gỗ đứng thứ 2 thế giới, sau Hoa Kỳ.
Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT cho biết, hiện cả nước có trên 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ, việc sản xuất và xuất khẩu viên nén gỗ không ngừng phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng trong thời gian qua.
Sản lượng viên nén gỗ năm 2016 đạt 1,4 triệu tấn; năm 2017 đạt 1,6 triệu tấn; năm 2018 đạt 2,6 triệu tấn; năm 2019 đạt 2,8 triệu tấn; năm 2020 đạt 3,2 triệu tấn.
Viên nén gỗ sản xuất chủ yếu dùng để xuất khẩu làm nhiên liệu chạy trong các nhà máy nhiệt điện, trong đó 90% xuất sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi mà viên nén gỗ VIệt Nam đã khẳng định được thương hiệu của mình và dự báo tiếp tục có nhu cầu tăng cao. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu viên nén gỗ giai đoạn 2016-2020 cụ thể năm 2016 là 131 triệu USD; năm 2017 là 174 triệu USD; năm 2018 là 387 triệu USD; năm 2019 là 288 triệu USD; năm 2020 đạt 363 triệu USD và 10 tháng đầu năm 2022 đạt trên 500 triệu USD.
Phát triển nguồn nguyên liệu hợp pháp
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT cho rằng, với nguồn nguyên liệu dồi dào; cộng với nhiều doanh nghiệp hoạt động căn cơ, bài bản, có sự tăng trưởng lớn mạnh và có uy tín lớn trên thị trường quốc tế, là điều kiện để ngành gỗ Việt Nam phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Thống kê hàng năm lượng phụ phẩm cả nước thu được khoảng gần 27 triệu m3 củi, cành nhánh và vỏ bào, mùn cưa trong quá trình chế biến gỗ. Nhưng hiện mới chỉ sử dụng khoảng 15% để sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu. Còn một lượng lớn nguyên liệu chưa được khai thác tận dụng hết.
Dự báo của các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ viên nén trên thế giới tiếp tục tăng, khoảng 250% trong thập kỷ tới, đạt con số 36 triệu tấn từ con số 14 triệu tấn năm 2017, với nhu cầu mở rộng chủ yếu tại các nước Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), viên nén gỗ được coi là một dạng năng lượng tái tạo trung tính carbon. Các nhà máy điện có thể sử dụng viên nén gỗ để chuyển đổi hệ thống sử dụng nhiên liệu than sang hệ thống đốt viên nén hoặc đồng thời sử dụng cả than và viên gỗ nén làm nguyên liệu. Viên nén gỗ cũng được sử dụng quy mô lớn trong công nghiệp để tăng cường giá trị nhiệt của chất thải và làm giảm lượng phát thải ô nhiễm.
Ông Hoài đánh giá, việc tham gia của các nước vào chương trình giảm phát thải ô nhiễm bằng sử dụng năng lượng "xanh" sẽ khiến nhu cầu viên nén ngày càng tăng trong thời gian tới. “Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu mặt hàng này", ông Hoài nói.
Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan có thể thấy, việc sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, rủi ro. Đơn cử như, chưa có tiêu chuẩn hướng dẫn sản xuất, quy định về chất lượng sản phẩm; nguồn nguyên liệu đầu vào chưa được kiểm soát, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng bộ, chất lượng kém; đẩy giá xuất khẩu xuống thấp.
Mặt khác, nhà nước chưa có chính sách riêng biệt hỗ trợ hoạt động sản xuất và xuất khẩu viên nén gỗ nên chưa khai thác được hết tiềm năng của ngành sản xuất viên nén gỗ. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến viên nén gỗ, chưa có tiếng nói chung trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến tình trạng cạnh tranh mua nguyên liệu, mạnh ai nấy làm trong xuất khẩu.
"Chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, hành lang pháp lý tốt nhất để các doanh nghiệp ngành gỗ phát triển”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT Bùi Chính Nghĩa nói.
Đồng Nai là một trong hai địa phương sản xuất, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ lâm sản lớn nhất cả nước, do đó, nguồn phụ phẩm khá dồi dào để các doanh nghiệp sản xuất viên nén tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu.
Để phát triển bền vững nguyên liệu rừng, Đồng Nai cũng đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp. Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Song song đó, Đồng Nai cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành gỗ nói riêng, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu có được nguồn nguyên liệu hợp pháp, đáp ứng các tiêu chí ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu khó tính.