Ảnh mang tính minh họa. |
Trước đây, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã thừa nhận tư cách tồn tại của dịch vụ đòi nợ thuê, mà minh chứng cụ thể nhất là sự ra đời của các công ty đòi nợ thuê trên cả nước. Vì sao một loại hình dịch vụ vừa nhen nhóm định hình lại đối diện nguy cơ bị khai tử?
Nhiều ý kiến cho rằng, dịch vụ đòi nợ thuê rất nhạy cảm, các chiêu thức đòi nợ thuê gây bất an cộng đồng và có nhiều rủi ro phát sinh mầm mống tội phạm mới. Đúng là thực tế có nhiều kiểu đòi nợ thuê rất oái oăm, rất kinh dị.
Ví dụ, vụ quán phở Hòa nổi tiếng tại TP. HCM ngừng kinh doanh một thời gian vì liên đới đến sự lộng hành của một tổ chức đòi nợ thuê. Thế nhưng, thật bất hợp lý, nếu xếp dịch vụ đòi nợ thuê vào chung với nhóm kinh doanh các chất ma túy và tiền chất, các khoáng vật và động, thực vật hoang dã…
Dịch vụ đòi nợ thuê có cần thiết cho xã hội không? Rất cần thiết! Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp thuê dịch vụ đòi nợ đạt hiệu quả tới 90%.
Trong khi đó, nếu khởi kiện ra tòa và thu nợ qua cơ quan thi hành án thì hiệu quả chỉ khoảng 50%. Có nghĩa là, dịch vụ đòi nợ thuê đã đáp ứng nhu cầu của một bộ phận kinh doanh gặp vướng mắc về tranh chấp tài chính.
Ngoài ra, dịch vụ đòi nợ thuê cũng giúp không ít người dân lấy lại những khoản tiền mà họ đã cho mượn hoặc cho vay, đối với các cá nhân cố tình chay ì hoặc thoái thác trách nhiệm thanh toán sòng phẳng.
Ở góc độ lập pháp, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận thấy việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này. Thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Lâu nay, trong điều hành nhiều lĩnh vực, vẫn thường xảy ra hiện tượng “cái gì không quản lý được thì cấm đoán”. Đây là một sự bất cập về tư duy lãnh đạo. Bởi lẽ, những quy định pháp lý phải hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải kiềm hãm sự phát triển.
Sự nở rộ và bát nháo của các công ty đòi nợ thuê, có thể chấn chỉnh bằng sự giám sát hữu hiệu từ lực lượng chức năng và các cấp chính quyền. Nếu phương pháp đòi nợ cũng như thu phí dịch vụ của các công ty đòi nợ thuê được khống chế một cách minh bạch và chi tiết, thì loại hình dịch vụ này không có gì nguy hiểm đến mức phải “cấm” hoàn toàn.