| Hotline: 0983.970.780

Vì sao Phó Chủ tịch tỉnh Hà Nam can thiệp kinh doanh cầu cảng tại Xi măng Bút Sơn?

Thứ Ba 23/04/2019 , 11:50 (GMT+7)

Ép doanh nghiệp từ bỏ hoạt động kinh doanh cầu cảng phục vụ Nhà máy Xi măng Vicem Bút Sơn, phải chăng ông Trương Quốc Huy - PCT UBND tỉnh Hà Nam nhắm tới hai mục tiêu: Tranh mối làm ăn cầu cảng và khép kín hoạt động theo chuỗi của các công ty sân sau? Vì từ lâu, nguồn nguyên liệu đầu vào của Cty Xi măng Bút sơn đều đã bị chi phối…

Lộ rõ những phi vụ

Báo NNVN ngày 5/4/2019 đã phản ánh việc ông Trương Quốc Huy, PCT UBND tỉnh Hà Nam gọi doanh nghiệp lên phòng làm việc để đàm phán chuyển nhượng hoạt động kinh doanh cầu cảng phục vụ Nhà máy Xi măng Vicem Bút Sơn cho "công ty người nhà".

16-13-05_20190409_110845
Cảng Xi măng Vicem Bút Sơn

Được biết, hành vi ép doanh nghiệp từ bỏ hoạt động kinh doanh của ông Huy không chỉ đơn thuần là tranh mối làm ăn mà nhằm che giấu những phi vụ nhập nguyên liệu đầu vào của nhà máy thông qua các doanh nghiệp sân sau.

Theo ông Vũ Quang Khải – GĐ Cty TNHH Quang Khải thì tất cả nguồn nguyên liệu nhập vào Nhà máy Xi măng Bút Sơn đều phải thông qua dịch vụ cầu cảng của Cty Quang Khải nên ông nắm giữ sổ sách chi tiết đến từng lô hàng.

Ông Khải cho biết trong thời gian ông Trương Quốc Huy làm Tổng GĐ Vicem Bút Sơn đã đứng sau rất nhiều công ty để chuyên cung cấp vật tư cho nhà máy gồm: Cty TNHH vận tải Phúc Vinh, địa chỉ: Lô E đường N5 Khu CN Hòa Xá, xã Mĩ Xá, TP Nam Định; Cty TNHH thương mại vận tải Linh Trang, địa chỉ: Số 2 Bến Thóc, TP Nam Định; Cty TNHH thương mại Đầu tư vận tải Hà Anh, địa chỉ: Số 10 Bến Thóc, TP Nam Định.

>>Phó Chủ tịch tỉnh Hà Nam 'bao sân' cho doanh nghiệp người nhà

Theo thống kê sổ sách của ông Khải thì lượng vật tư cung cấp vào nhà máy của các công ty sân sau này tính đến ngày 31/12/2018 lên tới 575 ngàn tấn. Trong đó: Than 309 ngàn tấn; thạch cao 77 ngàn tấn; xỷ 187 ngàn tấn.

So với nguồn lợi thu được từ việc nhập nguyên liệu đầu vào thông qua các công ty sân sau thì lợi nhuận của dịch vụ bốc xếp hàng hóa trong cảng xi măng Bút Sơn hoàn toàn không thấm vào đâu.

Tuy nhiên, việc ông Khải nắm quá chi tiết khối lượng vận chuyển hàng hóa đầu vào khiến ông Huy thắc thỏm, bất an. Bên cạnh đó, sau khi cảng Bút Sơn đã được Cty Quang Khải đầu tư bài bản, hoạt động nhuần nhuyễn nhiều năm, nếu doanh nghiệp người nhà của ông Huy “nhảy” vào mua lại với giá rẻ thì cũng sẽ thu được nguồn lợi không nhỏ và đều đặn. Đây chính là hai nguyên nhân khiến ông Khải bị ông Huy tìm cách “hất cẳng” ra khỏi cảng xi măng Bút Sơn?
 

Nguồn lợi hàng trăm tỉ

Ngoài số liệu sổ sách lưu giữ, để chứng minh các doanh nghiệp sân sau liên quan đến ông Trương Quốc Huy – PCT UBND tỉnh Hà Nam, ông Khải còn cung cấp các hợp đồng nhập nguyên liệu kí kết giữa các doanh nghiệp này dẫn tới Nhà máy Xi măng Bút Sơn. Trong đó có bút tích của ông Trương Quốc Huy khi còn là Tổng GĐ.

Ví dụ: Ngày 7/12/2015, ông Huy đại diện Cty Xi măng Bút Sơn kí hợp đồng mua xỷ lò cao phục vụ sản xuất với Cty TNHH Thương mại và Xây lắp Xuân Lộc Phát, địa chỉ tại số nhà 42, đường Quang Sơn, TP Tam Điệp, Ninh Bình do ông Châu Thành Chân làm GĐ. Vậy nhưng, đến tháng 8/2016, Cty Xuân Lộc Phát không được bán xỷ lò cao trực tiếp vào Nhà máy Xi măng Bút Sơn nữa mà phải bán qua Cty TNHH TM Vận tải Linh Trang.

16-13-05_ho_don_linh_trng
Hóa đơn Cty Xuân Lộc Phát xuất cho Cty Linh Trang

Cụ thể, ngày 10/8/2016, Cty Xuân Lộc Phát đã kí hợp đồng với Cty TNHH TM Vận tải Linh Trang nội dung hợp đồng ghi rõ: “Để cung cấp xỷ lò cao cho Cty Xi măng Vicem Bút Sơn”. Câu hỏi đặt ra là, tại sao một doanh nghiệp đang ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu đầu vào trực tiếp với Nhà máy Xi măng Vicem Bút Sơn bỗng dưng lại phải đi đường vòng bán qua một doanh nghiệp khác mới vào được nhà máy?

Theo hóa đơn Cty Xuân Lộc Phát xuất cho Cty Linh Trang ngày 31/10/2016 thì khối lượng xỷ lò cao nhập vào là 3.354 tấn, trị giá khoảng trên 1 tỉ đồng. Đơn hàng này Cty Linh Trang sẽ bán lại cho Nhà máy Xi măng Vicem Bút Sơn là bao nhiêu? Với 187 ngàn tấn xỷ lò cao mua bán qua doanh nghiệp trung gian thì Nhà máy Xi măng Vicem Bút Sơn đã mất bao nhiêu chi phí chênh lệch? Một gợi ý, hóa đơn nguyên liệu than đầu vào của Cty Phúc Vinh có giá chưa tới 1,3 triệu đồng/tấn nhưng được bán cho Xi măng Bút Sơn với gần 1,9 triệu đồng/tấn. Chênh lệch tới gần 600 ngàn đồng/tấn.

Như vậy, với 309 ngàn tấn than và 77 ngàn tấn thạch cao được mua bán qua các công ty trung gian sẽ thất thoát báo nhiêu vốn Nhà nước và vốn cổ đông? Nhẩm sơ sơ, con số chênh lệch có thể lên đến hàng trăm tỉ.

16-13-05_hop_dong_vicem_voi_xun_loc_pht
Hợp đồng Cty Xuân Lộc Phát kí với Vicem Bút Sơn
Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, hạn chế tối đa nguy cơ thất thoát nguồn vốn Nhà nước, ngày 22/3/2019, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã có văn bản yêu cầu người đại diện vốn Vicem tại Cty CP Xi măng Vicem Bút Sơn và Phòng Pháp chế và Thanh tra chống tham nhũng Vicem khẩn trương tiến hành xác minh những sai phạm tại đây.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.