| Hotline: 0983.970.780

Vì sao Trung Quốc cần tiêm kích Su-35?

Thứ Tư 03/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Một số nhà phân tích cho rằng động cơ của Không quân Trung Quốc trong việc mua máy bay Su-35 không phải vì giá trị của hệ thống vũ khí, mà mấu chốt chính là những động cơ phản lực AL-117S.

Tháng 4/2014, nhà SX máy bay Trung Quốc, Cty Hàng không Thẩm Dương khiến giới quan sát quân sự phải ngạc nhiên khi cho bay thử chiếc chiến đấu cơ J-11D, bản nâng cấp của dòng J-11, vốn là máy bay nhái lại theo tiêm kích Su-27 của Nga.

J-11D được tin là có những đặc điểm tân tiến như hệ thống radar mảng pha chủ động, hệ thống tìm kiếm và theo dõi bằng hồng ngoại. Thêm vào đó là mở rộng sử dụng vật liệu composite để giảm trọng lượng và độ tương tác với tín hiệu radar đối phương.

Chuyến bay này cho thấy J-11D là quân bài quan trọng đóng góp vào hệ thống sức mạnh đang gia tăng của Không quân Trung Quốc.

Mua máy bay lấy động cơ?

Tuy vậy, quân đội Trung Quốc dường như vẫn mặn mà với kế hoạch mua những chiếc Su-35 Flanker tân tiến của Nga. Theo tạp chí Diplomat, Su-35 được cho là có năng lực xoay trở tốt hơn nhiều so với J-11, giúp chiếc tiêm kích Nga có ưu thế trong cận chiến.

Ngoài ra, Su-35 có tầm bay lớn hơn, có thể cất và hạ cánh với tải trọng lớn hơn. Su-35 có hệ thống điện tử hàng không, buồng lái kiểu mới. Tuy nhiên, Su-35 được trang bị hệ thống radar mảng pha thụ động, được cho là không hiện đại bằng J-11D.

Và đương nhiên muốn có Su-35, Trung Quốc phải nhập khẩu chứ không thể SX trong nước. Chính phủ Trung Quốc coi ngành công nghiệp quốc phòng bản địa là một tài sản chiến lược: mua thêm máy bay Nga sẽ không giúp thúc đẩy mục tiêu của Bắc Kinh về một ngành công nghiệp hàng không trưởng thành, tự chủ.

Mặc dù có vẻ Trung Quốc đang dư thừa chương trình chiến đấu cơ mới với hai phiên bản khá giống nhau được phát triển cùng lúc, một số nhà phân tích cho rằng động cơ của Không quân Trung Quốc trong việc mua máy bay Su-35 không phải vì giá trị của hệ thống vũ khí, mà mấu chốt chính là những động cơ phản lực AL-117S.

Động cơ là bộ phận tối quan trọng của bất kỳ máy bay chiến đấu nào và đây chính là vấn đề tiến thoái lưỡng nan của ngành SX máy bay Trung Quốc.

Các nguyên mẫu mới chiến đấu cơ thế hệ 5 Chengdu J-20 và Shenyang J-31 với mục tiêu rõ ràng là cạnh tranh với các máy bay tiên tiến của Mỹ. Tuy nhiên, khả năng SX động cơ của Trung Quốc vẫn thua sút các nước khác. Dù Trung Quốc có thể chủ động về vũ khí, về radar, không có một động cơ đáng tin cậy, cả J-20 lẫn J-31 đều là “những gã khổng lồ khập khiễng”.

Lịch sử đã có rất nhiều ví dụ về những chiến đấu cơ lẽ ra đã rất tuyệt vời nếu có động cơ tốt. Mặc dù chiếc máy bay biểu tượng P-51 Mustang luôn được tưởng nhớ với vai trò hộ tống các may bay ném bom chiến lược trên bầu trời Đức trong cuộc chiến chống phát-xít, nhưng đó là chỉ khi người ta phải thay thế động cơ Allison ban đầu của nó với các động cơ Merlin của Anh mạnh mẽ hơn, giúp nó bay được và chiến đấu ở độ cao cần thiết để bảo vệ các máy bay ném bom.

Các dòng tiêm kích F-14 Tomcat huyền thoại thế hệ đầu đã được trang bị động cơ phản lực quá yếu khiến tư lệnh Hải quân Mỹ John Lehman cho rằng đó là nguyên nhân khiến 30% F-14 bị rơi. Những chiếc F-15 Eagle và F-22 Raptor cũng phải trải qua nhiều chương trình phát triển cho đến khi động cơ của chúng hoàn thiện và đủ sức giúp chiếc máy bay có khả năng thao diễn cao như ngày nay.

Điểm yếu chí mạng

Không quân Trung Quốc từ lâu đã phụ thuộc vào các động cơ do Nga SX. Không may cho họ, các loại động cơ ngoại nhập họ đang có trong tay nay không còn thuộc dạng tân tiến nữa. Thiết kế của các động cơ này đã có trên dưới 30 năm tuổi và được xây dựng cho các máy bay nhẹ hơn những mẫu họ đang thử nghiệm rất nhiều.

Chính vì thế, những mẫu máy bay thử nghiệm thế hệ 5 của Trung Quốc như J-20 và J-31 đang phải bay với những kiểu động cơ Nga thế hệ cũ: chiếc J-20 được gắn động cơ Saturn AL-31 và chiếc J-31 với động cơ Klimov RD-93.

j-20164051439
J-20 của Không quân Trung Quốc

Các nhà phân tích cho rằng cả hai loại máy bay này đang phải đối diện với những hạn chế tác chiến bắt nguồn từ động cơ. Ví dụ, việc chiếc J-20 phải dùng động cơ AL-31 có thể khiến nó không thể thực hiện các chuyến bay thám sát tầm xa, một trong những điểm nổi trội của dòng F-22 Raptor của Mỹ.

Các nhà SX máy bay Trung Quốc có hai lựa chọn: Hoặc mua động cơ mới từ Nga hoặc tự SX. Dường như Trung Quốc chọn vế thứ hai: SX động cơ được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành hàng không Trung Quốc.

Tuy nhiên, SX động cơ máy bay luôn là việc cực kỳ phức tạp và thử thách cả về thiết kế lẫn vật liệu, sức bền. Người ta từng nói động cơ máy bay chính là “gót chân Achilles” của ngành hàng không Trung Quốc, thua sút đáng kể so với bước tiến như vũ bão của ngành hàng không thế giới, nhất là thiết kế khung sườn và các cảm biến.

Hiện nay, hầu hết động cơ do Trung Quốc tự SX trang bị cho máy bay chiến đấu là loại WS-10, gồm cả dòng J-11 và loại chiến đấu cơ mới đa nhiệm J-16. Tuy nhiên, trải qua nhiều thời gian phát triển và chỉnh sửa, WS-10 vẫn bộc lộ nhiều khiếm khuyết.

Tháng 9/2014, tạp chí quân sự Jane’s nói WS-10 dính lỗi nhiều đến mức số động cơ bị trả về nhà máy SX còn nhiều hơn số động cơ được SX mới. Một số nhà bình luận Trung Quốc nói WS-10 không đủ sức mạnh cho J-16, vốn có thân xác nặng hơn Su-27 của Nga cho dù hình dáng tương tự.

Động cơ WS-10 có thêm bằng chứng không đủ tiêu chuẩn là khi Không quân Trung Quốc quyết định dùng động cơ AL-31 của Nga để trang bị cho thế hệ chiến đấu cơ J-10 mới, dòng J-10B. Mặc dù dòng J-10B ban đầu được lắp động cơ WS-10 như người ta thấy trong năm 2011, tuy nhiên các phiên bản ra đời sau đều được thay bằng động cơ AL-31.

Bởi thế, đối với Không quân Trung Quốc, mua Su-35 không chỉ được một máy bay tiêm kích tiên tiến, mà còn cho họ cơ hội “học hỏi” loại động cơ mới mà rất có thể sau đó một phiên bản khác xuất hiện trên các máy bay J-20 thế hệ mới.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.