Về thôn Phong Nam, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), hình ảnh gây chú ý với người đi đường là những giàn lá mơ (là mơ lông) được trồng khắp nơi. Lá mơ leo trên hàng rào dọc các con đường bê tông thẳng tắp, trên giàn trong vườn nhà và cả ngoài đồng.
Như nhiều hộ dân khác, gia đình bà Nguyễn Thị Thiệt (trú thôn Phong Nam) cho biết, nhận thấy cây lá mơ dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, có đầu ra tốt, bà đã cải tạo mảnh vườn bỏ hoang để trồng lá mơ. Cứ cách 10 ngày bà lại hái một đợt lá mang ra chợ bán. “Lá mơ không cần phân bón hay thuốc trừ sâu nên cứ thế hái bán, giá cả lại ổn định, giúp tôi có thêm đồng ra đồng vào”, bà Thiệt chia sẻ.

Trồng lá mơ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình bà Nguyễn Thị Thiệt. Ảnh: Lan Anh.
Ban đầu, lá mơ được một người dân trong làng mang về cho bà con trồng. Khi đó, mọi người chỉ trồng để dùng cho gia đình. Sau này, thương lái đi qua vùng, thấy những vườn rau mơ xanh mướt nên thu mua. Nhận thấy trồng lá mơ có thu nhập, nhiều người dân trong làng bắt đầu trồng theo.
Gia đình ông Ngô Văn Xí, Trưởng thôn Phong Nam cũng trồng 2 sào lá mơ, mỗi ngày có thu nhập từ 200.000 – 300.000 đồng. Theo ông Xí, cây lá mơ tốn rất ít công chăm sóc, không có sâu bệnh, nước cũng không phải tưới thường xuyên, đầu ra ổn định nên mang lại nguồn thu đáng kể cho nông dân. Hiện lá mơ có giá từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 50.000 đồng/kg, hiệu quả hơn trồng lúa rất nhiều.

Ông Xí tận dụng đất bỏ hoang bên bờ kênh nội đồng để trồng lá mơ, thu nhập tiền triệu mỗi tháng. Ảnh: Lan Anh.
“Chúng tôi khuyến khích người dân tận dụng đất vườn, đất trống để trồng lá mơ, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng theo luống, làm giàn để cây phát triển tốt, cho thu hoạch đều đặn”, ông Xí thông tin.
Ngoài giá trị kinh tế, lá mơ còn được biết đến là vị thuốc dân gian quen thuộc, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Theo y học cổ truyền, lá mơ có vị đắng, tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ tiêu hóa và đặc biệt hiệu quả trong điều trị các bệnh liên quan đến đường ruột như kiết lỵ, đầy hơi, tiêu chảy.
Nhiều người còn dùng lá mơ giã nhuyễn, lấy nước uống để giảm đau dạ dày hoặc kết hợp với trứng gà làm món trứng rán lá mơ vừa bổ dưỡng vừa tốt cho hệ tiêu hóa.

Hiện ở thôn Phong Nam có gần 50 hộ trồng lá mơ. Ảnh: Lan Anh.
Trước những lợi ích cả về kinh tế lẫn y học, người dân thôn Phong Nam xem đây là cây thuốc quý trong đời sống thường ngày.
Ông Huỳnh Tấn Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Châu cho biết, hiện cả thôn Phong Nam có gần 50 hộ trồng lá mơ. Hộ trồng ít nửa sào, hộ trồng nhiều 5 sào. Trồng lá mơ mang lại thu nhập ổn định cho người dân, từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể làm được. Thương lái tự đến thu mua mà không cần phải tìm đầu ra. Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất của mô hình này là hạn chế tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp.
Vừa qua, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Hòa Châu đã công bố quyết định thành lập Tổ hội nghề nghiệp Trồng rau mơ thôn Phong Nam với 8 thành viên. Tổ hội được thành lập với mong muốn kết nối người dân trồng rau mơ cùng nhau phát triển kinh tế.
“Thời gian tới, để tạo thu nhập ổn định cho bà con, bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng lá mơ, chúng tôi còn vận động bà con cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả để chuyển sang trồng gấc, hoa mai, bông súng hữu cơ… phủ xanh những vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang”, ông Huỳnh Tấn Ánh chia sẻ.