| Hotline: 0983.970.780

Vì sao 'Về nhà đi con' gây sốt

Chủ Nhật 16/06/2019 , 13:10 (GMT+7)

Đã rất lâu, trên màn ảnh truyền hình mới có một tác phẩm không cần yếu tố hình sự mà vẫn ăn khách như tác phẩm “Về nhà đi con”.

Dài 68 tập, bộ phim “Về nhà đi con” của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng được phát sóng lúc 21h từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần trên kênh VTV1.

22-13-56_ve_nh_di_con_1
Cảnh trong phim "Về nhà đi con".

Bộ phim “Về nhà đi con” không sử dụng ngôi sao thời thượng, không có cảnh nóng bỏng giường chiếu, cũng không có cảnh rượt đuổi bạo lực. Quan trọng hơn, bộ phim “Về nhà đi con” không nằm trong trào lưu re-make làm lại từ kịch bản nước ngoài mà nhiều nhà làm phim nước ta đang rất hào hứng.

Bộ phim “Về nhà đi con” có kịch bản ban đầu mang tên “Nước mắt gà trống”, được nhóm biên kịch lấy cảm hứng từ bộ phim “Khi người đàn ông góa vợ bật khóc” của đạo diễn Vũ Trường Khoa. Thế nhưng, bộ phim “Về nhà đi con” hoàn toàn khác biệt bộ phim “Khi người đàn ông góa vợ bật khóc” ở hình thức dàn dựng cũng như kết cấu chi tiết.

Bộ phim “Về nhà đi con” xoay quanh cuộc sống của gia đình ông Sơn. Người vợ chẳng may mất sớm, ông Sơn một mình lầm lũi nuôi ba đứa con gái Thu Huệ, Anh Thư và Ánh Dương khôn lớn.

Nhà có ba chị em gái thì dĩ nhiên rất… nhiều vướng mắc. Càng trưởng thành thì họ càng khác biệt, mỗi người có một tính cách và một lối sống khác nhau. Cô gái đầu Thu Huệ với dịu dàng, điềm đạm và cam chịu. Cô gái giữa Anh Thư xinh đẹp, sắc sảo và đầy thực dụng. Cô gái út Ánh Dương lại bộc trực, mạnh mẽ và hơi hoang dã.

Cả ba chị em đều gặp phải những biến cố của riêng mình nhưng họ may mắn khi có chung một điểm tựa là người cha hết mực yêu thương các con. Sau nhiều thay đổi trong tình cảm riêng tư, cuối cùng ba cô con gái đều nhận ra hạnh phúc lớn nhất mà họ có được chính là một người bố luôn sẵn sàng bao bọc bằng ý niệm “ề nhà đi con" bất cứ khi nào họ cần một mái ấm…

Trong ba con gái của bộ phim “Về nhà đi con” thì nhân vật Anh Thư có màu sắc thú vị nhất. Khán giả dễ dàng nhìn thấy những mẫu người tương tự Anh Thư ẩn hiện và cười nói xung quanh mình. Anh Thư thẳng thắn và vị lợi, nhưng lại khéo léo trong các mối quan hệ.

Ngay cả chuyện hẹn hò, chuyện yêu đương và chuyện hôn nhân của Anh Thư cũng ngả giá kiểu hợp đồng kinh tế. Nhân vật Anh Thư trong bộ phim “Về nhà đi con” là một sự thay đổi của diễn viên Bảo Thanh, so với hình tượng nàng dâu trong bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” từng được công chúng yêu mến.

22-13-56_ve_nh_di_con
Bảo Thanh với vai Anh Thư trong "Về nhà đi con".

Tuy nhiên, nhân vật dành được thiện cảm nhất trong bộ phim “Về nhà đi con” là ông Sơn do diễn viên Trung Anh đảm nhiệm. Cách đây không lâu, người xem từng chứng kiến một màu sắc khác của diễn viên Trung Anh qua vai Lương Bổng trong bộ phim “Người phán xử”, thì giờ đây diễn viên Trung Anh quay lại với sở trường những vai diễn cơ cực và lam lũ.

Diễn viên Trung Anh năm nay 58 tuổi, được biết đến chủ yếu qua những hình tượng người đàn ông khắc khổ. Thế nhưng, cái chất nhẫn nại của nhân vật Sơn trong bộ phim “Về nhà đi con” lại thấm đẫm yêu thương.

Người cha có ba đứa con gái luôn nghiêm khắc nhưng luôn độ lượng, với những cánh cửa lớn được mở toang từ tâm hồn mình qua những lời nói trìu mến như "Giờ bố chẳng còn gì ngoài sự già nua và lẩm cẩm nhưng bố có tình yêu và một ngôi nhà để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về", "Hạnh phúc của con còn quan trọng hơn nỗi buồn của người khác" hoặc "Đến một lúc nào đó con đủ trưởng thành, con sẽ hiểu thứ đắng cay nhất, thứ khó học nhất chính là lòng vị tha".

Nghệ sĩ Trung Anh chia sẻ về vai ông Sơn đang nhận được nhiều sự đồng cảm từ những người theo dõi bộ phim “Về nhà đi con” trên sóng VTV1: “Tôi lại quay về với dạng nhân vật đau khổ, bi thương.

Trong cuộc sống ông bố không đi bước nữa để nuôi con, mặc dù cũng có người này người kia nhòm ngó. Ông Sơn có cô con gái thứ hai rất đặc biệt, Anh Thư yêu thương bố cùng cực, lúc nào cũng ở bên cạnh bố nhưng hễ cô nào ngấp nghé bố là vỗ mặt luôn, đuổi thẳng cổ ra khỏi nhà. Đó cũng là bi kịch của ông ấy.

Đúng là chưa bao giờ tôi đóng vai ông bố có tới ba cô con gái như thế. May mắn tôi có một cô con gái ngoài đời nên cũng nắm được một phần nào tâm lý của các cô ấy! Có lẽ vì khuôn mặt tôi có nét khắc khổ, những nếp nhăn càng hiện rõ hơn khi lên hình nên phù hợp với tạo hình nhân vật".

Diễn viên Trung Anh là một gương mặt gạo cội của Nhà hát kịch Việt Nam. Đáng tiếc, sức ảnh hưởng của sân khấu tương đối hạn hẹp, nên tài năng trên sàn diễn của ông không đến được đông đảo người hâm mộ. Công chúng chủ yếu biết đến diễn viên Trung Anh qua những bộ phim truyền hình như “Nếp nhà”, “Những công dân tập thể”, “Hoa cỏ may” hoặc “Những đứa con của làng”.

Khi bộ phim “Về nhà đi con” khởi quay, diễn viên Trung Anh đang bận rộn với một dự án khác, nên ông lịch sự từ chối. Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng vẫn quyết định chờ đợi diễn viên Trung Anh đến trường quay “Về nhà đi con” để thể hiện nhân vật ông Sơn. Và khi đọc kịch bản, diễn viên Trung Anh mới hú hồn vì suýt hụt một vai diễn phù hợp với mình.

Gia đình ông Sơn trong "Về nhà đi con".

Diễn viên Trung Anh kể chuyện không có trên màn ảnh: “Tên cũ của bộ phim là “Nước mắt gà trống”, tôi nói với đạo diễn nếu giữ tên phim như thế thì ông này sẽ khóc nhiều lắm. Tôi không muốn nhân vật như thế, bởi tính cách như thế không thể nào trụ được ngần ấy năm, nếu không sửa thì có khi ông ấy phải lấy ba bà vợ nữa ấy chứ.

Dù sửa nhưng một số chỗ đạo diễn yêu cầu phải nhấn mạnh về phần nước mắt. Có hai đoạn cực kỳ quan trọng tôi dồn diễn xuất nước mắt, trong đó có đoạn hồi tưởng khi vợ chết ở bệnh viện. Ít khi phim nào tôi khóc kiểu như thế, đó là kiểu khóc bục ra chứ những phim khác tôi ghìm nước mắt ở lại. Đúng là diễn vai này mệt. Đáng ra, trong phim này, tôi sẽ phải tát các con nhiều lần.

Tuy nhiên, tôi thấy chỉ nên tát để răn đe và dạy dỗ chứ không nên lạm dụng bởi bản thân ông Sơn là người rất thương con. Vì thế 3 cái tát trong phim là đủ. Đó là khi các con quá hỗn hào và khiến ông Sơn bực tức tột độ. Điểm đặc biệt là cả 3 cái tát đều là tát thật chứ không phải diễn. Vì buộc phải tát thật nên tôi biết Bảo Thanh, Bảo Hân... rất đau.

Tôi cũng có con gái nên hiểu chuyện con gái không thể chịu đau được như con trai. Đó là lý do tôi ngại đóng những cảnh “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với phụ nữ trên phim. Nhưng sau mỗi cảnh, tôi vẫn động viên các con của mình (trong phim) và chính “các con” cũng động viên ngược lại tôi vì ai cũng muốn cảnh quay chân thật nhất!”

Nhân vật “ông Sơn” ở ngoài đời hoàn toàn không giống nhân vật mà diễn viên Trung Anh thể hiện trong bộ phim “Về nhà đi con”. Lập gia đình khá muộn, diễn viên Trung Anh cưới một cô gái cùng phố tên Hiếu về làm vợ khi mình đã ở tuổi 36. Nhỏ hơn chồng 10 tuổi, vợ của diễn viên Trung Anh làm kế toán tại công ty điện thoại Hà Nội, vốn hâm mộ Trung Anh nên chấp nhận làm hậu phương vững chắc cho chồng chạy show đóng phim. Vợ chồng diễn viên Trung Anh có hai con, cô gái đầu đã 25 tuổi và con trai út đang du học ở Phần Lan.

Diễn viên Trung Anh thổ lộ: "Vợ tôi quá vất vả, vừa đi làm, vừa lo tất cả cho chồng, cố gắng để mình yên tâm làm việc. Có một người không cùng giới diễn viên mà hiểu mình đến thế là một may mắn. Nhiều khi gặp chuyện đời chuyện nghề buồn nhưng về nhà lại thấy nguôi ngoai đi nhiều!".

(Kiến thức gia đình số 24)

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.