| Hotline: 0983.970.780

Vị tướng huyền thoại và mối tình đầu qua những cánh thư

Thứ Tư 09/10/2013 , 10:32 (GMT+7)

Những điều tôi viết dưới đây chắt lọc từ hàng trăm bức thư mà Nguyễn Thị Quang Thái (em gái của nữ sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) viết gửi Võ Nguyên Giáp, cùng với hồi ức của Trung tướng Phạm Hồng Cư, Đại tá Kim Sơn tức Nguyễn Huy Văn.

Vị tướng huyền thoại đã về suối vàng - nơi Nguyễn Thị Quang Thái cùng con gái Võ Hồng Anh an nghỉ. Những điều tôi viết dưới đây chắt lọc từ hàng trăm bức thư mà Nguyễn Thị Quang Thái (em gái của nữ sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) viết gửi Võ Nguyên Giáp, cùng với hồi ức của Trung tướng Phạm Hồng Cư (người anh em đồng hao của lão Đại tướng) và Đại tá Kim Sơn tức Nguyễn Huy Văn (con trai của cụ bà Nguyễn Thị Đào - người “Mẹ chiến sĩ” như Cụ Hồ đã khen tặng trên Báo Nhân Dân vào năm 1951), người được bác Giáp coi như em út trong gia đình.

Chuyến tàu nên nghĩa

1931. Võ Nguyên Giáp vừa tròn 20 tuổi. Trên tuyến xe lửa từ Vinh (Nghệ An) đi Huế, Võ Nguyên Giáp gặp một thiếu nữ có đôi mắt “thăm thẳm, mênh mang như nước mặt hồ" (nguyên văn tiếng Pháp: “Des yeux grandes et vastes comme l’eau des lacs”.

Vào đến Huế, Võ Nguyên Giáp tìm đến Đặng Thai Mai, người làng Quỳnh xứ Nghệ, hơn Võ Nguyên Giáp 7 tuổi, nhưng hai người cùng chí hướng, rất tâm đầu ý hợp nên từ trước đó đã là đôi bạn tri kỷ và cùng tham gia Đảng Tân Việt. Cũng trong năm ấy, Đặng Thai Mai và Võ Nguyên Giáp bị thực dân Pháp bắt giam tại Huế.

Cũng tại nhà giam, Võ Nguyên Giáp gặp lại thiếu nữ cùng trên chuyến xe lửa hồi nào. Chuyện trò mới biết, thiếu nữ ấy vừa tuổi trăng tròn, là Nguyễn Thị Quang Thái (SN 1915), cũng theo chị ruột là Nguyễn Thị Minh Khai tham gia hoạt động cách mạng.

Cha của Minh Khai - Quang Thái là cụ Hàn Bình vốn là người hiền lành, ít nói, làm việc cần mẫn trong vai trò viên chức hỏa xa Vinh. Bà mẹ là người kinh doanh, buôn bán giỏi, chuyên buôn hàng tấm, lúc thì buôn gạo, nhà có cửa hàng, người mua ra vào tấp nập.

Minh Khai là chị cả đã thoát ly theo cách mạng, nên cụ bà Hàn Bình luôn để mắt đến Quang Thái, không cho giao du với bạn bè có tư tưởng cấp tiến; ai cũng mong người con gái thứ hai có được một tấm chồng giàu sang, có địa vị.

Ngược lại với toan tính của mẹ, Quang Thái là người có tính tình độc lập, không chịu theo khuôn phép của cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, thậm chí có phần “khắc khổ” (austère, như lời của Võ Nguyên Giáp). Khi biết chị gái Minh Khai tham gia hoạt động cách mạng, Quang Thái rất đỗi thương nhớ, hằng mong ước được theo bước chân của chị.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái

Những lúc ai đó nhắc đến chị gái, Quang Thái đều không cầm được nước mắt. Cũng bởi thế, Quang Thái lén giấu mẹ, cha, tham gia những phong trào hoạt động đòi quyền tự do, dân chủ khi mới 16 tuổi (1931).

Do không có bằng chứng buộc tội, chính quyền đương thời phải trả tự do cho Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái nhưng cả 3 người đều bị quản thúc tại quê. Võ Nguyên Giáp bị đưa về Quảng Bình, Đặng Thai Mai bị quản thúc tại làng Quỳnh, còn Nguyễn Thị Quang Thái bị giải về Vinh và bị quản thúc tại nhà riêng của cha mẹ ở số 132 phố Maréchal Foch (nay là phố Quang Trung, thành phố Vinh).

Giữa Đặng Thai Mai và Võ Nguyên Giáp có một tình cảm đặc biệt mặc dù người quê ở Nghệ An, người ở Quảng Bình, lại chênh lệch về tuổi tác. Vốn mến mộ và yêu quý Võ Nguyên Giáp nên Đặng Thai Mai bàn với Võ Nguyên Giáp, tìm cách xin ra Vinh.

 Võ Nguyên Giáp bèn thảo đơn gửi viên công sứ Quảng Bình. Trước đây, viên công sứ này đã từng đồng ý cho Võ Nguyên Giáp vào Huế, nay nhận được đơn xin việc của Võ Nguyên Giáp, y cũng đồng ý để Võ Nguyên Giáp ra Vinh. Từ Quảng Bình, Võ Nguyên Giáp đáp xe lửa ra Vinh và được Đặng Thai Mai đưa về ở nhờ nhà nhạc phụ của Đặng Thai Mai là cụ Cử Hồ Phi Thống.

Cụ Cử Hồ thời đó là một nhà nho kiêm lương y nổi tiếng ở Nghệ An. Tuy lúc đó chưa đầy 30 tuổi, nhưng Đặng Thai Mai đã nổi tiếng được dân chúng kính trọng thường gọi là ông Đốc Mai. Tại Vinh, Đặng Thai Mai thi thoảng qua lại, thăm, hàn huyên với ông bà Hàn Bình, có lần Võ Nguyên Giáp đi cùng và cũng tại đây, Võ Nguyên Giáp gặp lại người thiếu nữ trên chuyến xe lửa thuở trước là Nguyễn Thị Quang Thái.

 Tình cảm giữa hai người bắt đầu nảy nở. Cũng xin thưa rằng, giữa Đặng Thai Mai – Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái có một tình bạn bè hết sức đặc biệt. Họ như sinh ra là để gắn bó sống chết có nhau, đến mức sau này, trong rất nhiều bức thư gửi riêng cho Võ Nguyên Giáp mà Nguyễn Thị Quang Thái thường đề là gửi “Mai Giáp”.

Võ Nguyên Giáp ở Vinh với Đặng Thai Mai chừng 1 năm, không bắt liên lạc được với tổ chức cách mạng, nên Đặng Thai Mai đã chuyển hướng, tìm được việc làm là dạy học tại trường Gia Long – Hà Nội. Đặng Thai Mai bèn rủ Võ Nguyên Giáp cùng đi.

Thời điểm đó, việc rời Vinh ra Hà Nội rất khó khăn vì phải đệ đơn lên viên công sứ Nghệ An, rồi chuyển lên Phủ Toàn quyền xét chuyện, khi ra đi phải báo cáo với chánh mật thám Nghệ An là Humbert, lúc đến Hà Nội phải trình diện trùm mật thám Đông Dương Marty.

Khi Võ Nguyên Giáp lên tàu ra Hà Nội, trong 1 bức thư, Nguyễn Thị Quang Thái bộc lộ rằng “… trăm nghìn điều chưa nói. Những chuyện muốn nói với G trước khi G ra Hà Nội cũng chưa nói, viết chưa xong được… Mỗi lần đọc được lại thơ của G là TH lại phải nghĩ, phải áy náy, xốn xang lạ lùng…”.

Ra đến Hà Nội, trong buổi trình diện viên trùm mật thám Marty, hắn nheo mắt giễu cợt Võ Nguyên Giáp: - Thế nào? Chưa có nghề nghiệp gì phải không? Tiếp tục đi học chứ? Học cho giỏi chủ nghĩa Mác nhé!

Trên đường ra về, Võ Nguyên Giáp rất bực bội, buông một câu tiếng Pháp: “Un jour, je lui logerais une balle dans la cervelle” (sẽ có ngày, tôi cho hắn một phát đạn vào óc). Sau này, người anh em đồng hao, Trung tướng Phạm Hồng Cư bình luận rằng: “Đúng là một lời nguyền… Hai mươi hai năm sau, lời nguyền ấy được thực hiện tại Điện Biên Phủ”!

Thời kỳ đầu ở Hà Nội, ngoài việc lo cho gia đình riêng, lại sinh thêm người con gái thứ 3 là Đặng Thanh Lê, Đặng Thai Mai còn phải nuôi ăn học cho Võ Nguyên Giáp cùng người em trai là Võ Thuần Nho. Không ỷ lại vào sự trợ giúp vô tư của Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp đã tự bươn chải vượt qua bao khó khăn để tự học, tự mày mò tìm kiếm việc làm.

Chỉ chưa đầy 1 năm, Võ Nguyên Giáp phải học tắt chương trình của 4 năm học để giành được bằng Tú tài phần thứ nhất, đồng thời tranh thủ thời gian giúp Đặng Thai Mai chấm bài, mỗi bài được trả 12 xu. Trong ký ức người thân của Võ Nguyên Giáp, đến nay vẫn còn hiện lên hình ảnh Đặng Thai Mai và Võ Nguyên Giáp thức đêm, trời mùa hè oi bức, hai người mặc áo may ô ngồi chấm bài dưới ngọn đèn nóng nực…

Sau khi có bằng Tú tài phần 1, Võ Nguyên Giáp tiếp tục theo học ở Trường Albert Sarraut (trường Chu Văn An ngày nay), theo chuyên ngành Triết học. Trong lớp còn có Phạm Huy Thông, Hoàng Xuân Nhị. Võ Nguyên Giáp luôn đứng đầu lớp, có bài tiểu luận được giáo viên chấm 17 điểm, người đứng thứ nhì cũng chỉ đạt 14 điểm.

Cũng bởi học hành và làm việc quá sức nên Võ Nguyên Giáp có thời gian viết thư cho Nguyễn Thị Quang Thái. Từ Vinh, cũng có nhiều lời ra tiếng vào, Nguyễn Thị Quang Thái bèn viết thư cho Võ Nguyên Giáp, đề ngày 1/5/1934 “Liễu (một người bạn của Thái – Giáp) nghi ngờ về tư cách của G. than ôi, Liễu ơi, có biết rằng nói ra như vậy sẽ làm cho G đau lòng. G yêu Th, Th yêu G; yêu nhau tức là hiểu nhau, tin nhau… Th không biết G ngày nay có khác G ngày xưa hay không, chỉ biết G yêu Th mà Th yêu G được thì Th yêu mà thôi…”

Có những đêm không ngủ, Nguyễn Thị Quang Thái viết thư tâm sự với người yêu phương xa: “… Th nhớ G lắm… ngồi đây, Th nhớ về một độ G mới về Vinh, Th với G nói chuyện rất lâu từ hơn 7 giờ đến 12 giờ đêm ở chỗ bàn tròn này bên mấy tập thơ G có nhớ không? Nhớ lại xem nào! Đêm ấy thật đáng ghi vào “thiên tình sử” của chúng ta…”

Ở Hà Nội, mùa thu 1934, Võ Nguyên Giáp đậu tú tài toàn phần, mặc dù Sở Học chính và Sở Mật thám tìm mọi cách gây khó dễ, Võ Nguyên Giáp vẫn thực hiện được mục đích, dạy học tại Trường Thăng Long, đồng thời theo học trường khác. Mùa thu năm 1935, sau mấy năm xa cách, Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái đã có dịp gần gũi bên nhau…

Xem thêm
Giải mã độ 'hot' của TikToker Lê Tuấn Khang: Mang cả miền Tây vào kênh Tiktok

TikToker Lê Tuấn Khang (sinh năm 2002, quê ở Sóc Trăng) đang là cái tên 'gây sốt' trên mạng xã hội, cùng 'giải mã' xem vì sao anh chàng này 'hot'?

FIFA lại gặp phản ứng vì Messi

Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) được cho là có sự ưu ái đối với Lionel Messi cùng đội Inter Miami nên gặp nhiều phản ứng.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.