4 sản phẩm gỗ nguy cơ bị Hoa Kỳ áp thuế phòng vệ thương mại. Cơ hội cho gạo Việt Nam tại thị trường châu Á. Giá ngô nhập khẩu tăng 42%. Giá tiêu Việt Nam xuất khẩu tăng 50 USD/tấn.
4 SẢN PHẨM GỖ CÓ NGUY CƠ BỊ HOA KỲ ÁP THUẾ PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI
Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương vừa công bố danh sách 11 nhóm sản phẩm xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Danh sách trên có 4 sản phẩm gỗ và đều được xuất khẩu sang Hoa Kỳ gồm: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng.
Với tốc độ tăng trưởng có thời điểm lên tới 3 con số và nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu chạm ngưỡng tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu củaHoa Kỳ.
Cụ thể, từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021,xuất khẩu gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng đạt 516 triệu USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ 1 năm trước đó.
Cùng thời điểm trên, xuất khẩu tủ gỗ đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 28,3%.
Ghế sofa có khung gỗ đạt 3,1 tỷ USD, tăng trên 52%.
Gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng đạt 42,3 triệu USD, tăng 212%.
Khả năng rất lớn, phía nước bạn sẽ khởi xướng điều tra về phòng vệ thương mại hoặc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng trên.
CƠ HỘI CHO GẠO VIỆT NAM TẠI THỊ TRƯỜNG CHÂU Á
Bước sang năm 2022, ngành gạo nước ta tiếp tục ghi nhận dấu hiệu tích cực dù phải đối mặt với nhiều thách thức như giá vận tải biển và logicstic tăng cao. 2 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu gạo của cả nước đạt 469 triệu USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp nhận định, thị trường xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ thuận lợi hơn so với năm ngoái do nhiều thị trường đang hồi phục sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, căng thẳng Nga-Ukraine sẽ khiến cho nhiều nước tiếp tục quan tâm hơn tới việc dự trữ lương thực, tạo cơ hội lớn cho gạo Việt gia tăng thị phần trên thế giới.
Những khó khăn của doanh nghiệp ngành gạo về chi phí vận chuyển tăng cao đã xuất hiện từ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ. Nhưng nhiều doanh nghiệp ngành gạo đã tận dụng hiệu quả cơ hội để tăng giá trị xuất khẩu, từ đó đạt doanh thu và lợi nhuận cao.
Đơn cử là Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã đạt mức lợi nhuận hơn 421 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 14% so với một năm trước đó, cao nhất trong 7 năm trở lại đây của đơn vị này.
GIÁ NGÔ NHẬP KHẨU TĂNG 42%
Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu 2022, giá ngô nhập khẩu về Việt Nam trung bình 320,8 USD/tấn, tăng gần 42% so vời cùng kỳ ngoái.
Bên cạnh đó, lượng nhập khẩu ngô của cả nước trong cùng thời điểm trên chỉ đạt 1,6 triệu tấn, giảm 6,8% so với cùng kỳ 2021 đã gây tác động mạnh tới giá mặt hàng này trong nước.
Xung đột Nga – Ukraine cộng thêm giá cước vận tải biển tăng cao trên toàn cầu đang khiến giá ngô nhập khẩu cao kỷ lục.
Hiện giá ngô nhập khẩu từ Nam Mỹ được chào bán tại cảng Vũng Tàu ở mức 10.300-10.500 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.
GIÁ TIÊU VIỆT NAM XUẤT KHẨU TĂNG 50 USD/TẤN
Thị trường hồ tiêu trong nước đang có chuỗi ngày đi ngang kể từ đầu tuần và được giao dịch xung quanh ngưỡng 80.000 đồng/kg. Trong khi đó, Hiệp hội Hồ tiêu thế giới - IPC vừa điều chỉnh mức giá niêm yết tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 50 USD/tấn, tương ứng 4.200 USD/tấn và 6.000 USD/tấn.
Đây là tín hiệu đáng mừng với ngành tiêu nước ta, khi theo Hiệp hội hồ tiêu thế giới, giá tiêu khu vực Nam Á có dấu hiệu phục hồi cùng Brazil, còn tại Đông Nam Á vẫn là xu hướng giảm.