Bộ Nông nghiệp và Môi trường chính thức đi vào hoạt động
Thứ Bảy 01/03/2025 , 19:54 (GMT+7)
Công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Đến 2030 sẽ có 70% diện tích chè được chứng nhận an toàn. Quảng Ngãi sẽ xóa tên 129 tàu cá chưa đăng ký. Giá dê hơi tăng cao, người nuôi phấn khởi.
Tin 1
CÔNG BỐ NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ THÀNH LẬP BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG
Quang Dũng - Sản xuất
Chiều nay 1/3, Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Quyết định về công tác cán bộ được diễn ra tại Hà Nội. Tại buổi lễ, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trao các quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy trao quyết định bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo của 30 đơn vị trực thuộc Bộ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ sự vui mừng và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới tập thể cán bộ, lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Đồng thời nhấn mạnh, 1/3/2025 là một ngày đáng nhớ và là dấu mốc rất ý nghĩa, đánh dấu thời điểm thành lập và chính thức đi vào hoạt động của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Phó thủ tướng kỳ vọng, với chức năng, nhiệm vụ nặng nề mang tính đa lĩnh vực hết sức rõ nét, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ và có nhiều hơn những dự án tăng cường năng lực trên tất cả các lĩnh vực mà mình phụ trách. Trong đó, có thêm thêm nhiệm vụ về giảm nghèo, do đó Bộ mới cần nhanh chóng tiếp cận để hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã giao.
ĐẾN 2030 SẼ CÓ 70% DIỆN TÍCH CHÈ ĐƯỢC CHỨNG NHẬN AN TOÀN
Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới, xuất khẩu tới 74 quốc gia. Hiện, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau, trong đó chè đen và chè xanh là hai sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu. Tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu chè đen có xu hướng giảm dần. Năm 2024, xuất khẩu chè đen chiếm tỷ lệ 42,5% và dự báo đến năm 2030, giảm xuống còn 41%; xuất khẩu chè xanh đạt tỷ lệ 55% vào năm 2024 và dự báo năm 2030 tăng lên 56%.
Để tăng giá trị cho cây chè, Bộ Nông nghiệp và môi trường đã có định hướng đến năm 2030, diện tích chè được chứng nhận sạch, an toàn đạt hơn 70%; ứng dụng công nghệ cao trong các khâu tưới nước, bón phân, thu hái, bảo quản, chế biến…
QUẢNG NGÃI SẼ XÓA TÊN 129 TÀU CÁ CHƯA ĐĂNG KÝ
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện còn 499 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép hành nghề khai thác thủy sản).
Trong đó, có 129 tàu chưa đăng ký và 370 tàu không đủ điều kiện đăng ký. Theo quy định, 129 tàu chưa đăng ký sẽ không được phép hành nghề đi biển và để đảm bảo điều kiện theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC), tất cả số tàu này sẽ phải giải bản, xóa tên các tàu này khỏi danh sách tàu cá của địa phương.
Theo ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi, để chuẩn bị đón Đoàn thanh tra lần thứ 5 của EC, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt khắc phục các vi phạm. Trong đó, sẽ đề xuất UBND tỉnh giải bản, xóa tên những tàu cá ‘3 không’ trong thời gian tới.
GIÁ DÊ HƠI TĂNG CAO, NGƯỜI NUÔI PHẤN KHỞI
Thời điểm tại tại thị trường miền Nam, giá dê hơi đang tăng cao, người nuôi có nguồn thu đáng kể. Đơn cử như tại Đồng Nai, giá dê hơi bắt đầu tăng từ 2 tháng trước Tết Nguyên đán 2025 và tiếp tục giữ đà tăng đến nay. Hiện, giá dê thương phẩm nông dân bán ra tại trại gần 150.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 40.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Giá dê tăng cao do nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này của thị trường ngày càng lớn. Vì dê là mặt hàng đặc sản không được nuôi phổ biến như heo, bò, gà nên nguồn cung cũng không quá dồi dào.