| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi gia cầm Việt Nam phải đi từ an toàn dịch bệnh

Thứ Sáu 27/10/2023 , 18:07 (GMT+7)

Đồng Nai Để các sản phẩm gia cầm được các thị trường nhập khẩu chấp nhận, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh phải được ưu tiên đặt lên hàng đầu.

Chương trình tập huấn thu hút đại diện Chi cục chăn nuôi và thú y của nhiều địa phương, cùng các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm khu vực Đông Nam bộ. Ảnh: Lê Bình.

Chương trình tập huấn thu hút đại diện Chi cục chăn nuôi và thú y của nhiều địa phương, cùng các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm khu vực Đông Nam bộ. Ảnh: Lê Bình.

Xuất khẩu gia cầm còn rất khiêm tốn với 400 triệu USD

Ngày 27/10 tại Đồng Nai, Cục Thú y, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH De Heus tổ chức chương trình tập huấn “Xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh để xuất khẩu”.

Buổi tập huấn nhằm cụ thể hóa kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới theo kết luận và chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.

Trong những năm gần đây, chăn nuôi gia cầm đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Sự phát triển của ngành chăn nuôi, thú y giúp Việt Nam cơ bản tự chủ được nhu cầu thực phẩm hàng ngày cho 100 triệu dân.

Theo ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đến hết 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có trên 550 triệu con gia cầm và khoảng trên 17 tỷ quả trứng.

Điều này bảo đảm cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và có thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, sản lượng và giá trị xuất khẩu các sản phẩm gia cầm còn khá hạn chế, có nguy cơ “thua trên sân nhà”.

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y. Ảnh: Lê Bình.

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y. Ảnh: Lê Bình.

Việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật, trong đó có gia cầm của Việt Nam sang các nước còn rất khiêm tốn khi mới chỉ đạt trên 400 triệu USD/năm.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, ngày càng nhiều sản phẩm động vật của các nước xuất vào Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

“Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến nước ta chưa xuất khẩu được nhiều sản phẩm động vật là do dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại Việt Nam. Nước ta chưa phải là nước an toàn dịch bệnh, chưa có các vùng chăn nuôi đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), cũng như chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các nước nhập khẩu”, ông Phan Quang Minh chia sẻ.

Còn theo ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, trong những năm qua, dù Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Cục Thú y đã có sự quan tâm, chỉ đạo rất quyết liệt trong việc quy hoạch, xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, nhưng sự quan tâm của doanh nghiệp và người chăn nuôi vẫn còn khiêm tốn.

Ông Lê Trọng Đảm: 'Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ là cầu nối và chung tay cùng các nhà quản lý, doanh nghiệp, người chăn nuôi xây dựng một ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững'. Ảnh: Lê Bình.

Ông Lê Trọng Đảm: "Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ là cầu nối và chung tay cùng các nhà quản lý, doanh nghiệp, người chăn nuôi xây dựng một ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững". Ảnh: Lê Bình.

Do đó, ông Đảm cho rằng, nếu chúng ta không đẩy mạnh xuất khẩu thịt gà và các sản phẩm trứng, rất có thể ngành chăn nuôi nước ta trong tương lai sẽ phải đối mặt với đòn "hồi mã thương", nguy cơ nhập khẩu ngược trở lại Việt Nam.

Và để chăn nuôi an toàn dịch bệnh thực sự phát triển, theo ông Đảm cần có hệ sinh thái về doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, nông dân và thời đại công nghệ 4.0 hiện nay cần thêm vai trò của các cơ quan truyền thông.

Trong đó, các doanh nghiệp cần tiên phong và hình mẫu để các hộ chăn nuôi có động lực học tập theo, hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu.

“Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ NN-PTNT, tờ báo hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, Báo Nông nghiệp Việt Nam thông qua các kênh truyền thông đa phương tiện, sẽ đồng hành cùng các cơ quan thông tấn, báo đài khác truyền thông, lan tỏa ý nghĩa to lớn của xu thế chăn nuôi an toàn dịch bệnh tới doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân cả nước.

Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ trở thành cầu nối, địa chỉ tin cậy với người chăn nuôi trong việc phổ biến, chia sẻ các kinh nghiệm, quy trình, yêu cầu kỹ thuật, các quy định trong xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Qua đó, cùng chung tay xây dựng một ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển hiệu quả và bền vững”, ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Câu chuyện nông nghiệp từ đất nước Hà Lan có diện tích nhỏ bé

Ông Johan van den Ban, Tổng giám đốc Công ty TNHH De Heus cho rằng, Việt Nam có nhiều điều kiện để xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm gia cầm.

Lấy minh chứng từ Hà Lan, dù diện tích nhỏ và dân số cũng ở mức khiêm tốn nhưng nhiều năm nay Hà Lan giữ vững vị thế là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ).

Do đó, Việt Nam nên tiếp thu các hướng canh tác và quy hoạch, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt sẽ cho những kết quả khả quan.

“Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nên đi từ vấn đề an toàn dịch bệnh. Đây là bản lề và quy định bắt buộc WOAH đưa ra cho các sản phẩm xuất khẩu. Nếu Việt Nam chấp hành tốt việc này thì cơ hội xuất khẩu tới những thị trường khó tính là điều dễ dàng”, ông Johan van den Ban kỳ vọng.

Bà Nguyễn Thị Điệp, Trưởng Phòng Dịch tễ, Cục Thú y chia sẻ các yêu cầu và quy định của một số nước trên thế giới về cơ sở, vùng an toàn dich bệnh khi đồng ý cho nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật. Ảnh: Lê Bình.

Bà Nguyễn Thị Điệp, Trưởng Phòng Dịch tễ, Cục Thú y chia sẻ các yêu cầu và quy định của một số nước trên thế giới về cơ sở, vùng an toàn dich bệnh khi đồng ý cho nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật. Ảnh: Lê Bình.

Hiện, Việt Nam đã đàm phán thành công về thú y để được phép xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang 40 nước, vùng lãnh thổ với giá trị hơn 400 triệu USD. Đặc biệt thịt gà chế biến được xuất sang Nhật, Hồng Kong, Liên bang Nga và 5 nước châu Âu.

Trung bình, mỗi năm Việt Nam xuất được khoảng 5.000 tấn sản phẩm động vật, góp phần quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt trên 1,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Johan van den Ban, với khả năng chăn nuôi và sự thích nghi rất nhanh của Việt Nam thì giá trị ngành chăn nuôi trong thời gian tới sẽ có nhiều tín hiệu khả quan hơn.

“Với tiềm năng vốn có, chúng tôi tin rằng, thị trường xuất khẩu sản phẩm gia cầm của Việt Nam sẽ rất rộng lớn, thậm chí còn tốt hơn cả Hà Lan”, Tổng giám đốc Công ty TNHH De Heus kỳ vọng.

Việt Nam đang trở thành tâm điểm thu hút nhiều nhà đầu tư FDI về chăn nuôi gia cầm. So với các quốc gia trong khu vực, quỹ đất dành cho chăn nuôi tại nước ta cũng có phần nhiều hơn và giá thành sản xuất cũng rẻ hơn.

Chưa kể, nhiều công ty cũng chủ động đầu tư cá dây chuyền sản xuất, cung cấp về giống, thức ăn… tại Việt Nam. Đơn cử, trong năm 2024, De Heus sẽ đầu tư thêm 1 nhà máy giết mổ chuyên nghiệp và 1 nhà máy ấp nở gà tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp, người chăn nuôi đang dần ý thức hơn về chăn nuôi gà gắn với an toàn dịch bệnh. Ảnh: Lê Bình.

Các doanh nghiệp, người chăn nuôi đang dần ý thức hơn về chăn nuôi gà gắn với an toàn dịch bệnh. Ảnh: Lê Bình.

Tuy nhiên, cơ hội ấy cũng chính là thách thức mà ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam cần phải chung tay. “Doanh nghiệp cũng sẽ trở thành ốc đảo nếu như không được sự đồng hành cùng người dân. Chúng ta sẽ chẳng làm gì được nếu an toàn dịch bệnh không được thực hiện và đi vào thực tiễn”, ông Phan Quang Minh bày tỏ.

Do đó, ngành chăn nuôi và thú y nước ta đang đặt quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là gia cầm nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát là đơn vị tiên phong của Đồng Nai trong chăn nuôi và xuất khẩu con gà trắng sang Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Bí quyết ở chỗ, HTX liên tục cùng các đối tác phải đảm bảo vấn đề an toàn dịch bệnh trên đàn gà.

“Chúng tôi cùng với công ty Koyu & Unitek, công ty De Heus, Bel Gà… kiểm soát chặt chẽ trong suốt quá trình nuôi từ con giống đầu vào, thức ăn, quản lý chăm sóc cho đến khi xuất bán. Chúng tôi thường xuyên lấy mẫu gà sống phân tích và kiểm tra chất lượng thịt, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người dùng”, ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Long Thành Phát chia sẻ.

Cũng theo ông Quyết, từ khi áp dụng nghiêm ngặt an toàn dịch bệnh, không chỉ sản phẩm chăn nuôi được xuất khẩu sang những thị trường khó tính mà HTX Long Thành Phát còn tiếp cận được nhiều cơ hội mới.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.