| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để tăng tốc xuất khẩu gia cầm

Thứ Bảy 10/06/2023 , 14:00 (GMT+7)

Đông Nam bộ là vùng chăn nuôi gia cầm trọng điểm của cả nước, xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh khu vực này sẽ giúp tăng tốc xuất khẩu gia cầm.

Gà trắng được nuôi trong trang trại quy mô công nghiệp ở Bình Phước. Ảnh: Sơn Trang.

Gà trắng được nuôi trong trang trại quy mô công nghiệp ở Bình Phước. Ảnh: Sơn Trang.

Theo ông Nguyễn Kim Dũng, Trưởng Phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y Vùng 6 (Cục Thú y), đến nay, các tỉnh Đông Nam bộ đã xây dựng được 451 cơ sở an toàn dịch bệnh và 22 vùng an toàn dịch bệnh đối với một hoặc nhiều bệnh (cúm gia cầm, Newcastle) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Đặc biệt, TP HCM đã xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên toàn thành phố.

Để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gia cầm ở Đông Nam bộ, Cục Thú y đề ra lộ trình xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với gia cầm theo tiêu chuẩn của Việt Nam và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE/WOAH).

Theo đó, về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn Việt Nam, đến năm 2023, xây dựng thành công 6 huyện của tỉnh Bình Phước an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle.

Đến 2025, xây dựng thành công thêm 11 huyện khác của các tỉnh Bình Dương (4 huyện), Đồng Nai (3 huyện), Tây Ninh (2 huyện) an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle.

Đến năm 2030, duy trì các huyện của vùng Đông Nam bộ đã đạt an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle theo tiêu chuẩn Việt Nam, đồng thời xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle tại một số huyện khác trong vùng và một số tỉnh lân cận như Đắk Nông, Lâm Đồng.

Trang trại gà an toàn dịch bệnh ở Bình Phước. Ảnh: Sơn Trang.

Trang trại gà an toàn dịch bệnh ở Bình Phước. Ảnh: Sơn Trang.

Về vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE, Cục Thú y đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng thành công 4 huyện của tỉnh Bình Phước an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle.

Đến năm 2030, xây dựng thành công thêm 6 huyện khác của tỉnh Bình Dương (3 huyện) và tỉnh Đồng Nai (3 huyện) an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm, Newcastle.

Từ năm 2026 trở đi, có kế hoạch và lộ trình cụ thể để thực hiện an toàn dịch bệnh không tiêm phòng vacxin cúm gia cầm và Newcastle đối với các chuỗi, cơ sở sản xuất thịt gia cầm để xuất khẩu.

Cục Thú y dự kiến số lượng đàn gia cầm tại các vùng an toàn dịch bệnh này đạt khoảng 200 triệu con, sản lượng thịt, trứng đạt trên 200.000 tấn, trong đó có thể xuất khẩu trên 100.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 400 triệu USD/năm.

Như vậy, nếu xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh đối với gia cầm theo lộ trình mà Cục Thú y đưa ra, lượng cũng như giá trị xuất khẩu gia cầm sẽ được gia tăng rất nhiều so với hiện nay. Theo Cục Chăn nuôi, trong năm 2022, xuất khẩu thịt gà mới đạt gần 19.000 tấn, trị giá gần 85 triệu USD.

Cục Chăn nuôi cho biết, dự báo của OECD/FAO cho thấy, tiêu thụ thịt gia cầm dự báo ​​sẽ tăng trên toàn cầu lên 154 triệu tấn, chiếm gần 50% lượng thịt tiêu thụ. Tiêu thụ thịt gia cầm tăng mạnh ở hầu hết các quốc gia và khu vực do giá thấp, khả năng thích ứng của sản phẩm, protein cao/chất béo thấp.

Trong đó, các nước tăng trưởng mạnh về tiêu thụ thịt gia cầm là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Pakistan, Peru, Philippines và Việt Nam.

Theo Cục Chăn nuôi, đến 31/12/2022, tổng đàn gia cầm cả nước là hơn 557 triệu con. Trong đó, vùng Đông Nam bộ có tổng đàn gần 91 triệu con, chiếm 12,67% tổng đàn cả nước. Trong chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, Việt Nam duy trì tổng đàn gà có mặt thường xuyên 500 - 550 triệu con, trong đó 60% là được nuôi theo phương thức công nghiệp. Thịt gia cầm chiếm 29 - 31% tổng lượng thịt xẻ các loại, tỷ trọng gia cầm được giết mổ công nghiệp đạt 50%, 40 - 50% sản lượng thịt gia cầm được chế biến, 20 - 25% thịt và trứng gia cầm được xuất khẩu.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Trường Sơn Bio tái tạo nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng

ĐBSCL Mục tiêu của TSBIO giúp tái sinh nền đất, cải tạo môi trường nông nghiệp, sản sinh ra các sản phâm nông nghiệp hữu cơ, không còn tồn dư của các loại thuốc BVTV.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất