Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp thích ứng với quy định không gây mất rừng của EU liên quan đến sản xuất cà phê.
Áp dụng giải pháp sản xuất cà phê thích ứng không gây mất rừng của EU
Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp thích ứng với quy định không gây mất rừng của EU liên quan đến cà phê.
Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê Việt Nam, bởi diện tích và sản lượng luôn đứng đầu cả nước. Nhiều năm qua, cà phê là nông sản chủ lực trong cơ cấu kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Vừa qua, Nghị viện Châu Âu đã thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Cà phê là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam nằm trong số sản phẩm bị kiểm soát. Để thích ứng với vấn đề này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch “Triển khai các giải pháp thích ứng với Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu trên địa bàn”.
Phỏng vấn: Ông NGUYỄN TIẾN DŨNG, Giám đốc Phát triển nông nghiệp bền vững, Công ty Simexco Dak Lak.
Hàng năm, Công ty chúng tôi xuất khẩu khoảng 70.000 tấn vào thị trường châu Âu. Hiện nay, chúng tôi đã chuẩn bị tất cả các số liệu cụ thể có thể đáp ứng được một phần nào đó những quy định của Liên minh châu Âu về xuất xứ cà phê không gây mất rừng. Khi có hướng dẫn cụ thể của Liên minh châu Âu cùng với hướng dẫn của Bộ NN-PTNT là nơi đầu mối để thực hiện quy định của Liên minh châu Âu này thì chúng tôi có thể ráp vào để đáp ứng được các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu quy định.
Theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk, địa phương này sẽ triển khai thí điểm tại 7 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Krông Năng, Cư M'gar và Ea H'leo (do tổ chức IDH hỗ trợ triển khai thực hiện); các huyện Krông Ana, Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ và TP Buôn Ma Thuột (do Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk hỗ trợ triển khai thực hiện). Thời gian thực hiện từ tháng 10/2023 đến 12/2024.
Phỏng vấn: Ông NGUYỄN NGỌC GIAO, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, Đắk Lắk.
Huyện Cư M’gar đã tổ chức kiểm tra trên thực địa thì hầu hết diện tích cà phê của huyện Cư M’gar không liên quan đến vấn đề phá rừng theo quy định của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, để thực hiện quy định này trong tương lai thì huyện cũng đã thực hiện công tác tuyên truyền đến toàn bộ người dân liên quan đến sản xuất cà phê và liên quan đến rừng trên địa bàn huyện trong thời gian tới. Và theo cảnh báo của Liên minh châu Âu qua rà soát thì hiện nay tổng diện tích cà phê của huyện Cư M’gar không liên quan đến các vị trí mà Liên minh châu Âu đã cảnh báo trên bản đồ.
Đắk Lắk huy vọng kế hoạch của địa phương sẽ làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành hàng cà phê Việt Nam, dữ liệu quốc gia và cơ chế chia sẻ thông tin phản hồi với EU. Đây cũng là tiền để cho việc mở rộng đến các huyện trồng cà phê khác trong toàn tỉnh. Từ đó, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu để xác định rõ vùng trồng cà phê không liên quan đến phá rừng, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm cà phê, tạo dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng đáp ứng thị trường EU.