Trong giai đoạn 2014-2024, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 có 15 quy trình về sản xuất giống, công nghệ nuôi thương phẩm, bệnh thủy sản được công nhận tiến bộ kỹ thuật, góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững.
Áp dụng tiến bộ kỹ thuật giúp ngành thủy sản tăng hiệu quả kinh tế 10-30%
Mới đây, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo “giới thiệu tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực thủy sản”.
Trong 40 năm qua, những tiến bộ kỹ thuật được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 nghiên cứu và chuyển giao đã giúp cho các doanh nghiệp, người dân nuôi trồng thủy sản trên khắp cả nước, nhất là đối với khu vực miền Trung, Tây Nguyên không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Phỏng vấn Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ Sản xuất Thương mại Ngọc Thủy
Công ty cũng đã ứng dụng được các tiến bộ kỹ thuật, nhất là các tiến bộ kỹ thuật từ Viện 3 như nuôi luân trùng, cấy tảo. Đặc biệt chúng tôi tiếp cận được tiến bộ kỹ thuật sản xuất cá mú trân châu, chúng tôi cũng làm ra được sản lượng lớn và cung cấp cho thị trường rong và ngoài nước.
Nhờ các quy trình công nghệ tốt của Viện 3, chúng tôi cũng đã nâng cao được tỉ lệ sống, đảm bảo được chất lượng con giống tốt hơn cung cấp cho người nuôi.
Trong giai đoạn từ năm 2014-2024, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 có 15 quy trình được công nhận tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản. Trong đó, 3 tiến bộ kỹ thuật về sản xuất giống; 8 tiến bộ kỹ thuật về công nghệ nuôi thương phẩm và 4 tiến bộ kỹ thuật về bệnh thủy sản.
Nổi bật như quy trình ương tôm hùm giống trong lồng; Quy trình công nghệ nuôi thương phẩm hải sâm cát trong ao; Quy trình sản xuất giống, nuôi thương phẩm cá tầm Nga, cá tầm Xiberi trong bể và trong lồng; Giải pháp kỹ thuật điều trị bệnh sữa và đỏ thân ở tôm hùm nuôi lồng hiệu quả; quy trình kiểm soát Vibrio spp. gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm thẻ chân trắng ….
Theo PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3, để tiến bộ kỹ thuật đi vào đời sống sản xuất thì trách nhiệm nhà khoa học phải chuyển đổi ngôn ngữ khoa học thành ngôn ngữ làm sao để nông dân dễ hiểu, dễ tiếp cận.
Phỏng vấn Ông Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III
Chúng ta phải quan tâm đến doanh nghiệp và người dân cần cái gì thì chúng ta mới biết được và đưa những cái người dân cần, doanh nghiệp cần vào ngay sản xuất đời sống trong công việc doanh nghiệp của họ. Để làm được điều này, thực ra các nhà khoa học cần phải cầm tay chỉ việc và cái thứ hai nhà khoa học phải cùng với nông dân, cùng với doanh nghiệp. Hiện nay, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 rất chú tâm với công tác này, chuyển giao này. Bởi vì, chỉ có đến với doanh nghiệp, người dân thì chúng ta mới có thể cùng đồng hành với họ được.
Phỏng vấn Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Để tiến bộ kỹ thuật nhanh tới với bà con nông dân thì sau khi tiến bộ kỹ thuật được công nhận thì Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ triển khai xây dựng các mô hình trình diễn tại các cơ sở để bà con nông dân trực tiếp làm, trực tiếp tham quan, tổ chức hội thảo tại đồng ruộng, ao, chuồng để bà con nông dân có thể nhìn thấy, nghe trao đổi kỹ thuật, có thể nắm được hiệu quả kimh tế khi áp dụng tiến bộ kỹ thuật về áp dụng và nhân rộng.
Những tiến bộ kỹ thuật của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 được công nhận trong thời gian qua đã và đang được ứng dụng rộng rãi, giải quyết được những vấn đề cấp thiết trong nuôi trồng thuỷ sản như bệnh trên tôm hùm, tôm nước lợ; công nghệ nuôi thương phẩm cá biển, cá nước lạnh; vấn đề môi trường nuôi...góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững.