Việc xét nghiệm sớm và xét nghiệm định kỳ bệnh EHP trên tôm thẻ chân trắng không chỉ giúp phát hiện kịp thời tác nhân gây bệnh mà còn hỗ trợ việc quản lý và phòng ngừa hiệu quả.
Bệnh EHP trên tôm do vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây ra, được báo cáo lần đầu tiên vào năm 2009 trên tôm sú ở Thái Lan, ảnh hưởng chủ yếu đến tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei). Đây là một vấn đề nghiêm trọng trong ngành thủy sản, gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho người nuôi tôm.
EHP được phát hiện ở Việt Nam từ năm 2015 và đã nhanh chóng trở thành mối đe dọa lớn đối với ngành nuôi tôm. Các nghiên cứu cho thấy, EHP có khả năng lây truyền theo chiều ngang qua việc ăn thịt đồng loại, môi trường nước ao và theo chiều dọc qua bố mẹ sang con cái. Bệnh thường xảy ra ở tôm có trọng lượng từ 7-12g/con hoặc khoảng 50-70 ngày tuổi, và có thể xảy ra ở nhiều mức độ mặn khác nhau của nước nuôi tôm.
EHP chủ yếu tấn công tuyến gan tụy của tôm, làm giảm khả năng tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng của tôm, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển đồng đều của tôm. EHP gây ra các triệu chứng như tôm chậm lớn, vỏ mỏng, mềm, đục cơ nhiều vị trí, xuất hiện nhiều đốm đen trên cơ và ruột.
GIẢI PHÁP:
Hiện nay, chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu và hiệu quả cho EHP. Khi bệnh đã lây lan, việc kiểm soát rất khó khăn. Vì vậy, việc xét nghiệm sớm và xét nghiệm định kỳ bệnh EHP trên tôm thẻ chân trắng không chỉ giúp phát hiện kịp thời tác nhân gây bệnh mà còn hỗ trợ việc quản lý và phòng ngừa hiệu quả. Đảm bảo sức khỏe cho tôm và giảm thiểu thiệt hại kinh tế.
Kỹ thuật Realtime PCR là một kĩ thuật xét nghiệm hiện đại, cho phép phát hiện sự hiện diện của ký sinh trùng EHP ngay từ những giai đoạn sớm nhất, giúp người nuôi tôm có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa hoặc can thiệp kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
QUY TRÌNH:
Các bước thực hiện xét nghiệm EHP bằng Realtime PCR bao gồm:
- Loại mẫu: Mẫu tôm nghi ngờ bệnh, mẫu kiểm tra định kì, mẫu phân, nước nuôi tôm
- Xử lý mẫu
- Tách chiết DNA
- Thực hiện phản ứng PCR, đọc kết quả
Từ kết quả PCR, người nuôi có thể biết được tôm có bị nhiễm EHP hay không, qua đó sẽ có biện pháp xử lí sớm, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng, giảm thiểu thiệt hại trong vụ nuôi.