Rừng bần ngập mặn ở xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) đã gắn liền với đời sống bà con vùng cồn bãi, 'lá chắn xanh' này đã bao bọc, che chở người dân qua những mùa mưa bão, chống xâm nhập mặn.
Rừng bần ngập mặn ở xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) đã gắn liền với đời sống bà con vùng cồn bãi, 'lá chắn xanh' này đã bao bọc, che chở người dân qua những mùa mưa bão, chống xâm nhập mặn.
Mấy năm qua, dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ các xã vùng ngập mặn ven sông Gianh (thị xã Ba Đồn), trồng mới, chăm sóc và phục hồi rừng bần để tăng hiệu quả về ổn định môi trường và phòng chống thiên tai…
Từ năm 2022, Dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ xã Quảng Văn trồng gần 2,5ha cây bần chua trên bãi bồi ngập mặn ven sông Gianh. Nhờ được người dân quan tâm chăm sóc nên tỷ lệ cây sống cao và cây phát triển tốt. Theo nhiều người dân ở đây, rừng bần đã phù hợp với chất đất bùn tốt nên độ phát triển nhanh và đã đưa lại môi trường sinh thái với nhiều tôm, cá, cua…sinh sôi.
Phỏng vấn ông Trần Đình Quảng, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình:
“Tạo ra cảnh quan, có nhiều bạn bè họ về quay chụp ảnh, ôn lại kỷ niệm. Bây giờ đã đưa lại hệ sinh thái, chống xói lở tuyệt vời. Bão to đến mấy có hàng cây này thì vẫn an toàn”
Có thể thấy, công tác phục hồi, phát triển, quản lý hiệu quả và tạo lợi ích bền vững rừng ven biển chính là tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, bảo vệ các tài nguyên hiện có. Đồng thời, rừng bần ngập mặn còn tăng cường tính chống chịu và thích ứng trước những bất lợi đến từ thiên nhiên. Đây cũng sẽ là nguồn sinh kế bền vững có vai trò quan trọng đối với cộng đồng và người dân địa phương.
Phỏng vấn ông Trần Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn:
“ Hiệu quả mang lại phấn khởi, nhân dân đồng tình. Đây là dự án mang lại hiệu quả cao, không sợ sạt lỡ như những năm trước. Thời gian tới xã tiếp tục thực hiện Dự án để bảo vệ chăm sóc rừng này phát triển tốt đem lại hiệu quả cao hơn”
Ngoài xã Quảng Văn, dự án cũng đã hỗ trợ một số địa phương khác để trồng trên 9ha rừng ngập mặn tại nhiều xã tỉnh Quảng Bình. Việc triển khai trồng mới rừng ngập mặn, đã góp phần bảo vệ đê, kè, chống xói, lở, xâm nhập mặn, tạo thành lá chắn vững chắc bảo vệ vùng cồn bãi. Đặc biệt, rừng bần còn tạo nên hệ sinh thái phong phú.
Phỏng vấn ông Trần Chí Phương, Phó Giám đốc dự án FMCR tỉnh Quảng Bình
Phát triển rừng bần ngập mặn không chỉ góp phần chống xói lở, ngăn mặn mà còn là nơi có hệ sinh thái phong phú. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, diện tích rừng bần đang dần được mở rộng, tạo thành "lá chắn xanh" bảo vệ làng mạc mỗi khi mùa mưa bão về.