Đặt bẫy ảnh không chỉ giúp cho lực lượng kiểm lâm tiết kiệm được thời gian, công sức mà công tác bảo tồn đa dạng sinh học được phát huy hiệu quả tối đa.
Bẫy ảnh: Trợ thủ đắc lực cho bảo tồn đa dạng sinh học
Việc đặt bẫy ảnh không chỉ giúp cho lực lượng kiểm lâm tiết kiệm được thời gian, công sức mà công tác bảo tồn đa dạng sinh học được phát huy hiệu quả tối đa.
Vườn Quốc gia Côn Đảo được ví như ngôi nhà chung của rất nhiều loài động vật quý hiếm, nguy cấp cần ưu tiên bảo tồn. Do đó, để nâng cao giá trị đa dạng sinh học tại đây, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã tổ chức tuần tra rừng, lập các chốt kiểm soát thường xuyên tại các khu vực nhạy cảm. Từ nhiều năm nay, đơn vị này đã lắp đặt hàng loạt các điểm bẫy ảnh nhằm phát hiện, bảo tồn kịp thời các loài động vật quý hiếm.
Anh Lê Bá Thành, Trạm Kiểm lâm Đầm Tre, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo:Chúng tôi tiến hành đặt bẫy ảnh trong khắp các khu rừng thuộc địa bàn quản lý. Mình ghi nhận đặc điểm về các loài động vật. Trong quá trình đặt bẫy ảnh như thế, chúng ta có thể phát hiện những loài mới hoặc tập tính những loài cũ đã có trong vườn.
Anh Nguyễn Phùng Hoàng, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo:Vườn Quốc gia Côn Đảo cũng mong muốn là thông qua máy bẫy ảnh có thể phát hiện thêm những loài mới hoặc là đặc tính sinh học của một loài ở Côn Đảo nhưng nó có khác biệt so với cùng loài đó ở vị trí khác.
Bẫy ảnh được đánh giá đang tạo ra cuộc cách mạng trong nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã. Nó cho phép các nhà khoa học thu thập được những hình ảnh mới lạ về các loài động vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng với những thao tác đơn giản và chi phí hợp lý mà không làm xáo trộn đời sống của các loài động vật.
Hơn nữa, việc đặt bẫy ảnh còn giúp lực lượng kiểm lâm tiết kiệm được thời gian, nhân lực nhưng vẫn phát huy được lợi ích lớn.
Anh Nguyễn Phùng Hoàng, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo:Trong thời điểm mà biên chế của Vườn Quốc gia Côn Đảo đang thiếu hụt và lực lượng kiểm lâm đang rất mỏng thì việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý tài nguyên rừng rất hiệu quả. Vừa rồi, thông qua các thiết bị giám sát camera, bẫy ảnh thì đã phát hiện và xử lý các vụ vi phạm liên quan đến săn bắt đặc sản rừng, kể cả những loài nguy cấp quý hiếm.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đang lên kế hoạch, trong năm nay sẽ tăng cường số lượng thiết bị bẫy ảnh cũng như vị trí đặt bẫy ảnh để có thêm ghi nhận tập tính về loài. Từ đó, Ban Quản lý sẽ có những những giải pháp gia tăng nguồn thức ăn, nước uống để bảo tồn các loài động vật một cách hiệu quả hơn.