Thông qua đặt bẫy ảnh giám sát, nhóm nghiên cứu của Vườn quốc gia Phước Bình đã phát hiện quần thể bò tót cùng nhiều loài động vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới IUCN.
Ngoài Bò tót, VQG Phước Bình còn nhiều loài động vật quý hiếm
Thông qua đặt bẫy ảnh giám sát, nhóm nghiên cứu của Vườn quốc gia Phước Bình đã phát hiện quần thể Bò tót cùng nhiều loài động vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới IUCN.
Từ tháng 10/2023, nhóm nghiên cứu bao gồm các Cán bộ bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Phước Bình, chuyên gia động vật rừng của Viện Sinh thái học miền Nam và sự hỗ trợ của người dân bản địa bắt đầu triển khai hoạt động thiết lập khu vực giám sát các loài động vật nguy cấp, quý hiếm.
Thông qua dữ liệu bẫy ảnh cùng phân tích đo vẽ dấu chân, dấu vết hiện trường, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận được dấu vết của ba đàn Bò tó́t ở hai tuyến quan trắc là Gia Nhông và Đá Đen với số lượng ước tính từ 13 - 17 cá thể, bao gồm cả cá thể Bò tót còn nhỏ. Sách đỏ Việt Nam xếp Bò tót vào nhóm nguy cấp (EN) và nhóm IB, Danh lục đỏ IUCN xếp vào nhóm sắp nguy cấp (VU).
Nhóm nghiên cứu còn ghi nhận được loài Vượn đen má vàng nam, được Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN xếp vào nhóm nguy cấp (EN) và nhóm IB. Với 12 bầy nghe được, ước tính mật độ vượn đen má vàng trong phạm vi quan trắc là 0,19 bầy/km2.
Trên các tuyến điều tra các chuyên gia đã ghi nhận có 8 đàn Chà vá chân đen với tổng số cá thể quan sát trực tiếp được khoảng từ 149 – 180 cá thể. Sách đỏ Việt Nam xếp Chà vá chân đen vào nhóm nguy cấp (EN) và nhóm IB, Danh lục đỏ IUCN xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp (CR).
Ngoài ra, trên các tuyến giám sát còn ghi nhận rất nhiều loài động vật quý, hiếm khác như: , Mang lớn Trường Sơn, tê tê Java, mèo rừng, chồn, heo rừng,...
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cán bộ nghiên cứu Vườn quốc gia Phước Bình, Ninh Thuận:
Kết quả trên tuyến điều tra, giám sát đã ghi nhận được một số hình ảnh và dấu vết của quần thể Bò tót. Ngoài ra, cũng đã ghi nhận được một số hình ảnh một số loài như: Tê tê, Chà vá chân đen, Mang lớn Trường Sơn,...Qua đó, khẳng định một điều là sự tác động của con người trong khu vực này tương đối ít và giá trị về đa dạng sinh học trong khu vực tương đối cao.