Nhiều năm nay chị Lê Thị Mùi đã chủ động kêu gọi mọi người tham gia phong trào phân loại rác thải để biến rác thải thành thành phân hữu cơ cung cấp cho những khu vườn xanh ngát.
Biến rác thải thành phân hữu cơ nhanh như “mì ăn liền”
Nhiều năm nay chị Lê Thị Mùi đã chủ động kêu gọi mọi người tham gia phong tràophân loại rác thải, để biến rác thải thành những khu vườn xanh ngát.
Nếu như trước kia, rác thải sinh hoạt chỉ là thứ bị loại bỏ và không có giá trị để sử dụng. Thì nay các loại rác thải sinh hoạt hữu cơ được chị Lê Thị Mùi, xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội thu gom và xử lý thành phân hữu cơ để bón cho khu vườn rộng 5.000 mét vuông của gia đình.
Chẳng ai nghĩ được rằng những khóm hồng xanh tốt này lại được trồng từ chính rác thải hữu cơ đã được chị Mùi đã xử lý bằng men vi sinh. Khu vườn với đầy đủ các loại cây trồng như bưởi, và rau xanh.
Chị LÊ THỊ MÙI - Xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội
Ở khu vườn của tôi có diện tích 5000 mét vuông, chúng tôi có trồng từ hồng, cam, chanh, bưởi và các loại rau. Nếu mà dùng phân vô cơ thì nó sẽ tốn kém hơn đấy là điều rất rõ ràng và cây thì nó hay bị bệnh. Dùng phân này thì chi phí thấp và hầu như không bị sâu bệnh. Khi mà tôi làm thì tôi áp dụng rất nhiều phương pháp xử lý rác, làm linh hoạt với nhiều loại rác khác nhau thì nó được hiệu quả rất cao như này.
Khu vườn này trước đây là những mảnh đất khô cằn, khó canh tác, bằng sự mày mò nghiên cứu của mình chị Mùi đã biến mảnh đất trở nên xanh tốt sau một năm sử dụng phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Với những nguyên liệu chính là men vi sinh, mật rỉ đường, mang trộn với rác sau đó đậy kín khoảng 2 ngày là sẽ cho ra nước rác mang hòa với nước để tưới cho cây. Để có sản phẩm phân hữu cơ từ rác thải sẽ mất khoảng thời gian từ 15 đến 20 ngày.
Chị LÊ THỊ MÙI - Xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội
Theo quan điểm của tôi thì muốn phát triển việc xử lý rác rộng rãi thì nó phải thật đơn giản và phải nhanh. Tôi áp dụng tiêu chí “mỳ ăn liền” đấy rất là đơn giản, chỉ cần pha men, mật gỉ đường vào với nước, rác hằng ngày cứ có thì cho vào, 2 ngày sau lấy nước pha loãng tưới cây. Hết nước thì mình bơm thêm nước vào, thi thoảng thì cho men và mật vào.
Sắc màu của cỏ cây hóa lá tràn ngập khu đã cho thấy thành quả của cả quá trình tìm tòi nghiên cứu để biến rác thành hoa của chị Lê Thị Mùi. 5 năm trở lại đây gia đình chị đã tự chủ nguồn rau xanh cho bữa ăn của gia đình.
Hiện nay với 8.000 thành viên cộng đồng thích sống xanh yêu rác đã xử lý hàng tấn rác thải hữu cơ thành phân vi sinh. Với cách xử lý nhanh dễ áp dụng mô hình xử lý rác đã đem lại nguồn rau quả, hoa trái tốt tươi, góp phần làm sạch môi trường giúp phục hồi môi trường đất, nước, không khí.
Chị LÊ THỊ MÙI - Xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội
Để nhân rộng mô hình này thì tôi đã tư vấn cho rất nhiều người đặc biệt là qua nhóm yêu rác. Có hàng nghìn người tham gia kể cả ở Việt Nam ở nước ngoài từ mô hình nhỏ đến mô hình to. Những vườn mà mọi người sử dụng bằng phương pháp này thì cây nó xanh, độ bóng mượt khác hẳn so với những cây sử dụng phân hóa học. Những người họ làm thì họ không mất tiền phân bón và không mất tiền thay đất.
Với cách làm hay, giúp tiết kiệm chi phí trong sản xuất nông nghiệp mỗi ngày trang trại của chị Mùi có rất đông các bạn trẻ tìm đến tham gia học tập cách phân loại rác, xử lý rác thải hữu cơ để áp dụng vào khu vườn của gia đình.
Chị QUÁCH THU TRANG - Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Với cái mô hình mà xử lý từ rác hữu cơ trở thành phân vi sinh và bón cho cây như này tôi thấy rất là tốt, vừa giảm lượng rác thải ra môi trường, vừa bảo vệ môi trường. Thứ hai nữa là nó sẽ giúp cho Việt Nam mình rất nhiều nguồn rau sạch. Tôi nghĩ là mộ hình này nên nhân rộng ra cả nước
Từ mô hình biến rác thải thành phân hữu cơ tại nhà đã cho thấy tính hiệu quả và thiết thực của mô hình, mong rằng với cách làm đơn giản, tiết kiệm mô hình phân loại rác này sẽ được áp dụng nhân rộng nhiều hơn nữa tại các địa phương, để môi trường của chúng ta thêm xanh sạch hơn.