Bộ trưởng nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước và quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương. Siết chặt ở địa phương không có nghĩa là Bộ NN-PTNT thoái thác trách nhiệm vì ngành hàng sầu riêng là hình ảnh của nền nông nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững để phát triển
Bộ trưởng nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước và quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương. Siết chặt ở địa phương không có nghĩa là Bộ NN-PTNT thoái thác trách nhiệm vì ngành hàng sầu riêng là hình ảnh của nền nông nghiệp Việt Nam.
Gợi mở hướng thảo luận tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, người dân trồng sầu riêng, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương bên cạnh sự háo hức khi có cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch cũng cần lường trước những khó khăn, thách thức trong ngành hàng này. Trước đây, đã có nhiều ngành hàng tiềm năng ban đầu rất háo hức phát triển nhưng sau đó lại rơi vào bi kịch vì chúng ta nghĩ thời cơ nhiều hơn là nhận diện thách thức.
Theo Bộ trưởng, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.
Muốn ngành hàng phát triển hiệu quả phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin. Còn nếu liên kết từ khâu tiêu thụ, thì lại rơi vào mối quan hệ thuận mua vừa bán.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước và quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương. Siết chặt ở địa phương không có nghĩa là Bộ NN-PTNT thoái thác trách nhiệm vì ngành hàng sầu riêng là hình ảnh của nền nông nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia. Từ đó, chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác. Nông nghiệp của chúng ta là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải tham gia từ đầu cùng nông dân để người dân có đầy đủ thông tin để điều chỉnh sản xuất.
Bộ trưởng cũng cho rằng, mã số vùng trồng mới dừng ở việc khuyến khích mà chưa bắt buộc, nên tiến tới đây sẽ là yêu cầu bắt buộc. Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không còn tình trạng tự phát.
Muốn làm được điều này, trước tiên chính quyền địa phương phải thay đổi tư duy. Bởi lẽ, cơ quan quản lý nhà nước địa phương là người gần nhất với doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất; phải đưa họ vào không gian chung, tổ chức chung để truyền thông, thông tin, thống nhất trong sản xuất theo đúng yêu cầu thị trường. Các địa phương có thể áp dụng cách tiếp cận mới với người dân thông qua các tổ khuyến nông cộng đồng, Chi cục trồng trọt, BVTV, Hội nông dân, doanh nghiệp… Từ đó, khoanh vùng trồng để quản lý, hướng dẫn cho người dân sản xuất tránh những rủi ro.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, thông qua diễn đàn sẽ tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất với nhau. Bởi lẽ, ngày nào chưa làm được điều này vẫn là tư duy thuận mua vừa bán chứ chưa phải tư duy hợp tác. Bên cạnh đó, phải nhận thức rõ phát triển bền vững ở đây không phải là cây sầu riêng bền vững mà là con người tham gia vào chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững.
Do đó, tất cả các chủ thể phải có niềm tin và phải quyết tâm giải quyết cho được vấn đề “nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ”. Đồng thời, phải đắp nền với nông dân từ lúc đưa cây giống vào trồng, chứ không chờ đến lúc quả chín trên cây thì đã không thể kiểm soát được nữa.