Cần cơ chế tài chính phù hợp hoạt động đổi mới khoa học trong nông nghiệp. Phê duyệt dự án hồ thủy lợi 1.000 tỷ đồng tại Đắk Nông. Doanh nghiệp lo thiếu gạo thơm xuất khẩu. Giá dưa hấu giảm tới 5.000 đồng/kg.
Cần cơ chế tài chính phù hợp hoạt động đổi mới khoa học trong nông nghiệp
Báo cáo tại Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện "Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" sáng 22/2, Lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2023, xây dựng và phát triển 50-100 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 60% vào năm 2025 và chiếm 85% vào năm 2030.Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ NN-PTNT cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021-2025 và 35% giai đoạn 2026-2030.Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần có các cơ chế tài chính phù hợp từ thu hút vốn xã hội hóa tới ngân sách trung ương và địa phương. Đặc biệt, để đón đầu và tiếp cận sớm công nghệ tân tiến trên thế giới, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, trường đào tạo cần tăng hợp tác và chuyển giao công nghệ quốc tế, qua đó, hình thành các quan hệ hợp tác bền vững và lâu dài trong lĩnh vực khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo.
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN HỒ THỦY LỢI 1.000 TỶ ĐỒNG TẠI ĐẮK NÔNG
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông cho biết, Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hồ Đắk Gang, tỉnh Đắk Nông với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, Vốn đầu tư của dự án từ nguồn ngân sách trung ương, vốn đối ứng của Đắk Nông là 100 tỉ đồng.Ông Nguyễn Văn Nghĩa thông tin thêm, đây là dự án hồ thủy lợi có quy mô và vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay được đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh.Dự án hồ Đắk Gang nằm trên địa bàn H.Đắk Mil và H.Cư Jút, với diện tích hơn 234 ha. Mục tiêu của dự án nhằm khai thác hiệu quả nguồn nước của suối Đắk Gang, để cung cấp nước tưới cho nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn H.Đắk Mil và H.Cư Jút
DOANH NGHIỆP LO THIẾU GẠO THƠM XUẤT KHẨU
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong cơ cấu gạo Việt Nam xuất khẩu năm 2022, gạo Đài Thơm 8 đạt 2,9 triệu tấn, tăng gần 1,5 lần so với năm 2021, chiếm tới 41% tổng lượng gạo xuất khẩu và là loại gạo xuất khẩu nhiều nhất trong năm qua.Bên cạnh đó, một số loại gạo thơm khác cũng tăng mạnh về xuất khẩu như OM5451 đạt 1,2 triệu tấn, tăng 48,5%; tấm thơm đạt 307 nghìn tấn, tăng 69%… Thị phần gạo thơm các loại tăng mạnh do sản lượng tăng, giá cạnh tranh và đáp ứng được thị trường tiêu thụ đa dạng của các quốc gia. Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết Philippines và nhiều thị trường lớn khác đã chuyển sang mua nhiều gạo thơm hơn các loại gạo 15% và 25% tấm. Sang năm 2023, nhu cầu gạo thơm cho xuất khẩu vẫn đang có xu hướng tăng lên. Nên dù diện tích sản xuất lúa thơm và các giống lúa đặc sản, chất lượng cao đang chiếm tỷ trọng lớn ở ĐBSCL, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lo thiếu gạo thơm xuất khẩu vì nhu cầu từ các thị trường quá lớn.
GIÁ DƯA HẤU GIẢM TỚI 5.000 ĐỒNG/KG
Do nguồn cung dồi dào và sức tiêu thụ chậm, giá nhiều loại dưa hấu trên thị trường đã giảm ít nhất từ 2.000-5.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng. Hiện nay, dưa hấu đang được nông dân tại vùng ÐBSCL bán buôn cho thương lái với giá 3.000-6.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá dưa hấu loại 1 được bán lẻ tại nhiều chợ và điểm bán trái cây ở TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL chỉ còn ở mức từ 8.000-12.000 đồng/kg, còn dưa hấu loại 2 và loại 3 giá chỉ từ 5.000-7.000 đồng/kg trở lại. Thời điểm này, dù đang trong mùa nắng nhưng sức tiêu thụ dưa hấu tại nhiều địa phương vẫn khá chậm, nhất là khi trên thị trường đang có nhiều loại trái cây giá rẻ cạnh tranh.