Lịch gieo sạ vụ đông xuân tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Xuất khẩu phân bón thu gần 645 triệu USD. 70% diện tích chè sẽ được chứng nhận đến năm 2030. Heo hơi kết thúc chuỗi ngày tăng giá.
LỊCH GIEO SẠ VỤ ĐÔNG XUÂN TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Theo kế hoạch sản xuất từ Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, diện tích xuống giống toàn vùng ĐBSCL vụ Đông Xuân 2024 - 2025 dự kiến đạt 1,49 triệu ha, được chia làm 3 đợt: Đợt 1 từ ngày 10 - 30/10/2024 với diện tích 387.400ha, tương đương 26%; đợt 2 từ 1/11 - 30/11/2024 với diện tích 685.400ha, tương đương 46%; đợt 3 từ 1/12 - 31/12/2024 với diện tích 387.400ha, 26%. Ngoài ra, những diện tích gieo sạ muộn cần hoàn tất trước ngày 10/1/2025.
Dù có khung lịch gieo sạ chung, Cục Trồng trọt khuyến cáo, mỗi địa phương cần linh hoạt điều chỉnh lịch thời vụ dựa trên nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn và tình hình dịch hại cục bộ. Quan trọng nhất là thực hiện gieo sạ đồng loạt, né rầy nâu và các bệnh hại nguy hiểm như vàng lùn, lùn xoắn lá. Phương châm này không chỉ giúp hạn chế dịch hại mà còn đảm bảo an toàn cho các vụ tiếp theo.
Bảng
LỊCH XUỐNG GIỐNG VỤ ĐÔNG XUÂN 2024 - 2025
Đợt 1: 10 - 30/10/2024, diện tích 387.400ha (26%)
Đợt 2: 1/11 - 30/11/2024, diện tích 685.400ha (46%)
Đợt 3: 1/12 - 31/12/2024, diện tích 387.400ha (26%)
XUẤT KHẨU PHÂN BÓN THU GẦN 645 TRIỆU USD
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2024 cả nước xuất khẩu hơn 1,57 triệu tấn phân bón các loại, tương đương gần 644,5 triệu USD, tăng 13,7% về khối lượng và tăng 11,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 11 xuất khẩu 130.728 tấn phân bón các loại đạt hơn 53,8 triệu USD, so với tháng 11 năm ngoái, tăng mạnh 56,5% về lượng, tăng 43,9% kim ngạch.
Về thị trường, phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm trên 34% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 536.161 tấn, tương đương 219,51 triệu USD, tăng 8,4% về lượng, tăng 5,5% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu phân bón sang một số thị trường có mức tăng mạnh về kim ngạch như Lào, Đài Loan, Nhật Bản với mức tăng lần lượt là 42,4%, 605,2%, 316,9%.
XUẤT KHẨU PHÂN BÓN THÁNG 11/2024
Khối lượng 130.728 tấn, tăng 56,5%
Kim ngạch 53,8 triệu USD, tăng 43,9%
XUẤT KHẨU PHÂN BÓN 11 THÁNG NĂM 2024
Khối lượng 1,57 triệu tấn, tăng 13,7%
Kim ngạch 644,5 triệu USD, tăng 11,6%
70% DIỆN TÍCH CHÈ SẼ ĐƯỢC CHỨNG NHẬN ĐẾN NĂM 2030
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, hiện Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ bằng 65% giá bình quân của các nước hàng đầu về xuất khẩu chè và bằng 55% giá chè xuất khẩu bình quân của Ấn Độ và Sri Lanka. Vì thế, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo ra dấu ấn mới trong xuất khẩu đang là thách thức đối với ngành chè Việt Nam.
Để nâng cao chất lượng, giá trị cho ngành chè Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã có định hướng đến năm 2030, diện tích chè được chứng nhận sạch, an toàn đạt hơn 70%; ứng dụng công nghệ cao trong các khâu tưới nước, bón phân, thu hái, bảo quản, chế biến… Diện tích chè hữu cơ cả nước đến năm 2030 đạt khoảng 11.000 héc-ta, diện tích chè cho sản phẩm đạt 10.000 héc-ta, sản lượng đạt khoảng 70.000 tấn. Diện tích chè đặc sản cả nước đạt khoảng 34,5 nghìn héc-ta. Trong đó, cần bảo tồn, khai thác và phát triển các vùng chè shan tuyết phục vụ nguyên liệu cho sản xuất chè hữu cơ, chè đặc sản cũng như các sản phẩm chè chế biến có giá trị gia tăng cao và bảo vệ môi trường sinh thái
HEO HƠI KẾT THÚC CHUỖI NGÀY TĂNG GIÁ
Hôm nay 14/12, heo hơi đồng loạt đứng giá trên cả nước, kết thúc chuỗi ngày liên tục tăng giá ở các tỉnh thành và đang dao động từ 62.000 - 65.000 đồng/kg. Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi tiếp tục duy trì đi ngang như ngày hôm qua, dao động từ 63.000 - 65.000 đồng/kg. Tương tự, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên ghi nhận không có sự điều chỉnh giá heo hơi tại các tỉnh thành. Hiện tại, thương lái khu vực này đang thu mua heo hơi trong khoảng 62.000 - 64.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, giá heo cũng chững lại, dao động từ 62.000 - 64.000 đồng/kg.