Xuất khẩu nông lâm thủy sản về đích sớm 6 năm. Hơn 500.000ha đất ở Tây Nguyên đang thoái hóa rất nặng. Nhập khẩu đậu tương tăng mạnh trong tháng 11. Giá cà phê trong nước giảm mạnh.
XUẤT KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN VỀ ĐÍCH SỚM 6 NĂM
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), thông tin xuất khẩu toàn ngành năm 2024 ước đạt 62,4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Có đến 7 mặt hàng vượt doanh số xuất khẩu 3 tỷ USD/năm là: gạo, cao su, điều, cà phê, gỗ, thủy sản, rau quả. Nếu so với mục tiêu đặt ra trong Đề án 174 về thúc đẩy xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đến năm 2030 do Chính phủ phê duyệt vào năm 2021 thì ngành nông nghiệp đã về đích trước 6 năm vì mục tiêu đến năm 2030 là xuất khẩu được 60 - 62 tỉ USD.
Về thị trường, Mỹ đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu nông - lâm - thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đánh dấu sự đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
HƠN 500.000 HA ĐẤT Ở TÂY NGUYÊN ĐANG THOÁI HÓA RẤT NẶNG
Theo thống kê năm 2022 - 2023 tại Tây Nguyên, diện tích đất nông nghiệp toàn vùng chiếm 36,7% diện tích tự nhiên. Do giá sầu riêng, cà phê, hồ tiêu hiện nay đang ở mức tốt nên diện tích các cây này trong thời gian tới sẽ được mở rộng, đặc biệt là diện tích sầu riêng. Tuy nhiên, tài nguyên đất ở Tây Nguyên đang bị thoá rất nặng.
Kết quả đánh giá gần đây cho thấy: Đất không và thoái hóa ở mức độ nhẹ chiếm diện tích khoảng 1,84 triệu ha (chiếm 33,7% diện tích tự nhiên); thoái hóa trung bình khoảng 2,5 triệu ha (chiếm 45,8%); thoái hóa nặng khoảng 576 ngàn ha (chiếm 10,5%); thoái hóa rất nặng khoảng 548 ngàn ha (chiếm 10%).
Nếu không có những giải pháp mang tính toàn diện, diện tích đất đai bị thoái hóa ngày càng gia tăng sẽ dẫn đến sản xuất nông lâm nghiệp thiếu tính bền vững.
NHẬP KHẨU ĐẬU TƯƠNG TĂNG MẠNH TRONG THÁNG 11
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 11 vừa qua, nhập khẩu đậu tương đạt 163.416 tấn, tương đương gần 81,2 triệu USD, tăng mạnh 268,7% về lượng, tăng 175,3% về kim ngạch so với cùng kỳ 2023.
Tính chung 11 tháng năm 2024, nhập khẩu đậu tương đạt gần 1,98 triệu tấn, trị giá gần 1,02 tỷ USD, tăng 19,6% về lượng, nhưng giảm 3% kim ngạch so với 11 tháng năm 2023.
Diện tích trồng đậu tương ở nước ta từ hơn 200 nghìn ha năm 2010, đến nay chỉ còn 20 nghìn ha/năm, trong khi hàng năm vẫn phải nhập khẩu 1,5-2 triệu tấn hạt đậu tương. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 và nhập khẩu đậu tương lớn thứ 9 trên thế giới. Trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta tiêu thụ trung bình gần 2 triệu tấn đậu tương. Nhờ giá đậu tương giảm cùng với giá lợn hơi tăng cao, người chăn nuôi được hưởng lợi kép từ đầu năm đến nay.
Bảng
NHẬP KHẨU ĐẬU TƯƠNG THÁNG 11/2024
Khối lượng 163.416 tấn, tăng 268,7%
Kim ngạch <81,2 triệu USD, tăng 175,3%
NHẬP KHẨU ĐẬU TƯƠNG 11 THÁNG NĂM 2024
Khối lượng <1,98 triệu tấn, tăng 19,6%
Kim ngạch <1,02 tỷ USD, giảm 3%
GIÁ CÀ PHÊ TRONG NƯỚC GIẢM MẠNH
Sáng nay, 17/12, thị trường cà phê trong nước đồng loạt giảm mạnh 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua, hiện giá dao động trong khoảng 122.500 - 124.200 đồng/kg.
Giá thu mua cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay là 124.100 đồng/kg. Lâm Đồng vẫn là tỉnh có giá thu mua cà phê thấp nhất tại khu vực với mức giá là 122.500 đồng/kg. Cùng chiều, giá thu mua cà phê tại tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk hôm nay đứng thứ hai, đồng loạt niêm yết với giá 124.000 đồng/kg. Trong khi đó, Đắk Nông vẫn giữ vị trí dẫn đầu Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố khi có mức thu mua cà phê cao nhất cả nước, với giá 124.200 đồng/kg.