Việt Nam xuất khẩu 1,8 triệu tấn cao su trong 11 tháng. Cả nước có 160.000ha biển được đồng quản lý. Phát triển lâm nghiệp bền vững đạt nhiều kết quả tích cực. Cần Thơ phấn đấu thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao.
VIỆT NAM XUẤT KHẨU 1,8 TRIỆU TẤN CAO SU TRONG 11 THÁNG
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, xuất khẩu cao su tháng 11/2024 đạt 220 nghìn tấn, với giá trị đạt 424,3 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, tổng khối lượng xuất khẩu cao su đạt 1,8 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 2,95 tỷ USD, giảm 6% về khối lượng nhưng tăng 17,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu cao su tăng ở tất cả các thị trường, trong đó mạnh nhất là Malaysia tăng 5 lần và Srilanka tăng 3,7 lần.
Các chuyên gia đánh giá, năm 2024 ngành cao su đã gặp không ít thách thức, nhất là quy định không phá rừng của EU. Dù vậy, ngành cao su Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển bền vững. Việc đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng sản phẩm sẽ giúp ngành duy trì tăng trưởng mạnh mẽ, khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
BẢNG
XUẤT KHẨU CAO SU THÁNG 11/2024
Khối lượng 220 nghìn tấn
Giá trị 424,3 triệu USD
XUẤT KHẨU CAO SU 11 THÁNG NĂM 2024
Khối lượng 1,8 triệu tấn
Giá trị 2,95 tỷ USD
CẢ NƯỚC CÓ 160.000 HA BIỂN ĐƯỢC ĐỒNG QUẢN LÝ
Theo Cục Kiểm ngư, Bộ NN-PTNT, Luật Thủy sản được Quốc hội thông qua năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 lần đầu tiên quy định về phước thức đồng quản lý thủy sản. Cụ thể, Nhà nước chia sẻ quyền hạn và trách nhiệm với tổ chức cộng đồng tham gia quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương và người dân thực hiện đồng quản lý đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Tính đến nay, cả nước đã có 11 tỉnh, thành thực hiện đồng quản lý diện tích khoảng 160.000ha biển và 2.000ha vùng nội địa. Trong đó, có 64 tổ chức cộng đồng, khoảng 300 hộ gia đình với 5.000 người tham gia. Theo định hướng, đến năm 2030, cả nước có 60 tỉnh thành thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái.
PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG ĐẠT NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC
Sau hơn 4 năm thực hiện, đến nay, Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được triển khai tích cực và mang lại nhiều kết quả nổi bật. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, chương trình đã đạt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ: tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42,2%, đáp ứng chỉ tiêu đề ra; 47/60 tỉnh thành đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, đồng thời giao nhiệm vụ cho các đơn vị và lập văn phòng thường trực để tham mưu triển khai. Giá trị gia tăng lâm nghiệp tăng trung bình đạt 4,6%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2021-2023 đạt trung bình 15,8 tỷ USD/năm, chiếm 88% kế hoạch. Riêng năm 2024, giá trị xuất khẩu ước đạt 16 tỷ USD, tăng 5,2% so với kế hoạch. Cùng với đó, công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng được nâng cao.
CẦN THƠ PHẤN ĐẤU THÀNH TRUNG TÂM NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Theo Quy hoạch phát triển Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, thành phố sẽ hình thành 7 khu nông nghiệp công nghệ cao và 2 khu chăn nuôi tập trung. Các khu này sẽ tập trung vào nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, ứng dụng công nghệ gen, công nghệ sinh học và xây dựng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Thành phố chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung, tạo chuỗi giá trị nông sản từ trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến và tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Đến năm 2045, TP Cần Thơ phấn đấu trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của vùng ĐBSCL với nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Các sản phẩm nông sản của Thành phố sẽ không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.