Giá lúa mùa tại Nam Bộ tăng cao, nông dân phấn khởi. Trồng ngô nếp đường, nông dân thu 8 triệu đồng/sào. Giá cà phê tiếp tục tăng mạnh. Chè Thái Nguyên đặt mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD.
GIÁ LÚA MÙA TẠI NAM BỘ TĂNG CAO, NÔNG DÂN PHẤN KHỞI
Quỳnh Anh khai thác
Hiện nay, nông dân nhiều địa phương đang khẩn trương thu hoạch lúa mùa với năng suất ổn định, giá lúa cao, bà con rất phấn khởi.
Đơn cử như tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện giá lúa mùa dao động từ 7.300 - 7.500 đồng/kg đối với lúa thường và 7.600-7.800 đồng/kg đối với lúa thơm. Mức giá này cao hơn vụ Mùa năm trước 800 đồng/kg nên sau khi trừ chi phí đầu tư mỗi ha khoảng 25 triệu đồng, nông dân thu lợi nhuận khoảng 25 - 30 triệu đồng/ha.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vụ lúa Mùa năm nay, toàn tỉnh xuống giống khoảng 9.200ha. Tính đến thời điểm này, có khoảng 40% diện tích đã được nông dân thu hoạch. Đối với diện tích còn lại, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân khẩn trương thu hoạch và chuẩn bị giống, vật tư cho vụ Đông Xuân 2024 - 2025; thu hoạch tới đâu tranh thủ làm đất tới đó để xuống giống kịp lịch thời vụ.
TRỒNG NGÔ NẾP ĐƯỜNG, NÔNG DÂN THU ĐƯỢC TRÊN 8 TRIỆU ĐỒNG/SÀO
Thanh Thủy sản xuất
Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam Vinaseed cho ra mắt giống ngô nếp đường - Ngân Điệp 926 với những ưu điểm như thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ 60-65 ngày trong vụ Hè Thu và 70-75 ngày vụ Thu Đông, thích hợp trên nhiều đồng đất khác nhau. Chiều cao cây chỉ từ 165-180 cm, chiều cao đóng bắp 80-95cm, đặc biệt bắp có khoảng 25-30% hạt ngô đường trắng xen kẽ.
Đang thu hoạch vụ ngô nếp đường thứ 4, Bà Hoàng Thị Loan, trú xã An Hòa, Vĩnh Phúc cho biết, Ngân Điệp 926 là giống ngô dễ trồng, có bộ rễ khỏe, thân cây thấp chống đổ rất tốt. Đặc biệt lá cây xanh và vút lên ngọn khiến cây ít bị sâu bệnh và ít tốn phân bón. Bắp có ngoại hình đẹp, dài, hàng hạt thẳng mịn, hạt to đều vút lên tận đầu râu bắp. Hạt ngọt, mềm nhưng vẫn có độ dẻo được thị trường ưa chuộng. Trên mỗi mỗi sào bà Loan trồng 2.000 gốc, cho năng suất 7 tạ, thương lái thu mua với giá 12.000đ/kg, mỗi sào ngô của bà Loan thu nhập hơn 8 triệu đồng.
Nhờ hiệu quả vượt trội, bà Loan đã mở rộng diện tích lên 6 sào trong vụ tiếp theo và khuyến khích bà con địa phương cùng trồng để nâng cao thu nhập.
GIÁ CÀ PHÊ TIẾP TỤC TĂNG MẠNH
Hôm nay, 15/12, giá cà phê trong nước tăng khá mạnh so với hôm qua, trung bình ở mức 125.100 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk có mức 125.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng so với hôm qua. Giá cà phê tại Lâm Đồng có mức giá 123.500 đồng/kg, tăng 800 đồng so với giá giao dịch hôm qua. Trong khi đó, giá cà phê tại Gia Lai hôm nay có mức giá 125.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng so với giao dịch ngày hôm qua. Giá cà phê tại Đắk Nông hôm nay có giá 125.200 đồng/kg, cũng tăng 1.000 đồng so với hôm qua.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam xác nhận tình trạng một số doanh nghiệp thu mua cà phê thua lỗ nặng vì không dự báo đúng xu hướng giá. Bởi lẽ, hợp đồng bán ra đã ký nhưng không mua được hàng từ nông dân, họ buộc phải đẩy giá lên để mua trước, tránh việc phải đền hợp đồng, mất uy tín với đối tác.
Bảng
GIÁ CÀ PHÊ TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG TRỌNG ĐIỂM
Đắk Lắk 125.000 đồng/kg
Lâm Đồng 123.500 đồng/kg
Gia Lai 125.000 đồng/kg
Đắk Nông 125.200 đồng/kg
CHÈ THÁI NGUYÊN ĐẶT MỤC TIÊU ĐẠT DOANH THU 1 TỶ USD
Quang Linh sản xuất
Nhằm nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách trong đầu tư, thâm canh, cải tạo, trồng bổ sung, thay thế những diện tích chè đã già cỗi, thoái hóa, xuống cấp, năng suất, chất lượng kém.
Trong năm nay, địa phương này đã trồng mới, trồng lại hơn 430ha chè, vượt 9,3% so với kế hoạch. Các giống chè được đưa vào trồng mới, trồng lại chủ yếu là những dòng chè lai cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Trịnh Việt Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho rằng, xứ đệ nhất danh trà cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống cho cây chè.
Cụ thể, cần tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; xây dựng thương hiệu, quảng bá, nâng cao giá trị, chất lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên, nhất là các sản phẩm chè, hướng tới mục tiêu ngành chè Thái Nguyên sớm đạt doanh thu 1 tỷ USD. Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu.