Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt cần lựa chọn mặt hàng đủ lực đủ mạnh, sau đó tăng hàm lượng chế biến sâu làm động lực, tiền đề chinh phục thị trường Bắc Âu.
Để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản, Tổ Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ Nông sản tại thị trường Hà Lan và các nước khu vực Bắc Âu và kết nối kinh doanh nông sản quốc tế. Theo nhận định của các chuyên gia, khu vực này mặc dù dân số không lớn, nhưng những yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng đối với sản phẩm của thị trường này là rất cao.
Ông NGUYỄN QUỐC TOẢN
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản
Trong tháng 6/2022, EU đã đưa ra 36 cảnh báo về các mức dư lượng của Việt Nam. Điều đó có nghĩa tuy thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hà Lan, thị trường Bắc Âu còn khiêm tốn nhưng yêu cầu chất lượng của các thị trường đều rất cao. Với tần suất cảnh báo dày như vậy, chính các doanh nghiệp cần tự ý thức, tránh để làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng cũng như uy tín của nông sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn mặt hàng thế mạnh nào của Việt Nam để chinh phục thị trường Hà Lan và các nước trong khu vực Bắc Âu cũng là 1 vấn đề rất quan trọng.
Ông NGUYỄN QUỐC TOẢN
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản
Mong muốn khi chúng ta lựa chọn chuỗi mặt hàng đủ lực, đủ mạnh, hàm lượng giá trị chế biến tăng cao, sự chăm chút của dn trong đóng gói, nhãn mác, sở hữu trí tuệ…đó là những điều rất quan trọng.
Mặc dù so với các nước ASEAN khác, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản sang thị trường Bắc Âu nhiều nhất, tuy nhiên thị phần chiếm rất ít, chưa đến 1%. Điều này cho thấy nông sản của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tại thị trường này. Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam 8 tháng đầu năm đạt hơn 36 tỷ USD. Hiện, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 2 Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản. Năng lực sản xuất nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt trên 140 triệu tấn mỗi năm, nhiều mặt hàng xuất khẩu đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả, thực phẩm và dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh trên thị trường thế giới.