Trong 3 năm qua, huyện Mù Cang Chải đã hỗ trợ trên 400 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, tổng kinh phí giải ngân trên 11 tỷ đồng để các gia đình người dân tộc đầu tư mua con giống, xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, mua thức ăn, thuốc thú y…
Hàng trăm cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm ở huyện Mù Cang Chải được hỗ trợ con giống, làm chuồng trại, từ đó đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.
Những năm trước kia, gia đình ông Sùng A Báo ở xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái thuộc diện hộ nghèo có thâm niên. Năm 2022, gia đình ông Báo được hỗ trợ 30 triệu đồng từ chính sách phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh Yên Bái. Ngoài ra, A Báo còn được vay 50 triệu đồng lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư vào làm chuồng trại và mua trâu, bò giống để phát triển kinh tế. Đến nay, mô hình của ông đã có 13 con trâu bò và đàn dê hơn 20 con. Mỗi năm, đàn gia súc của ông Báo mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng, gia đình ông đã thoát nghèo từ năm trước và nay là hộ có thu nhập khá trong bản.
PB Ông SÙNG A BÁO, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái:
“Nghị quyết 69 hỗ trợ 30 triệu để về làm chuồng trại, mua con giống, gia đình tôi rất phấn khởi vui mừng, rất cảm ơn Đảng, Nhà nước.”
Trong 3 năm qua huyện Mù Cang Chải đã hỗ trợ trên 400 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, tổng kinh phí giải ngân trên 11 tỷ đồng. Các hộ dân được hỗ trợ đã đầu tư vào mua con giống, xây dựng chuồng trai, trồng cỏ, mua thức ăn, thuốc thú y… Từ đó phát triển các mô hình chăn nôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập. Các mô hình chăn nuôi chủ yếu là trâu, bò, dê, lợn đen, gà mông vừa phù hợp với điều kiện, tập quán chăn nuôi vùng cao, vừa mang lại hiệu quả kinh tế khá.
PB Ông SÙNG A CHUA, Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái:
“Không phân biệt hộ nghèo, cận nghèo, có cả hộ có điều kiện được hỗ trợ nên thu hút đông đảo bà con đăng ký tham gia. Hàng năm chúng tôi đều thực hiện trên 150 mô hình, đem lại hiệu quả thiết thực, trong đó có nhiều mô hình chăn nuôi gia súc.”
Trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ, ngành Nông nghiệp huyện đã kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ người chăn nuôi. Hàng năm, chính quyền cơ sở thực hiện rà soát, xác định nhu cầu hỗ trợ của người dân, từ đó hỗ trợ đúng đối tượng, đúng chính sách, kịp thời, hiệu quả. Qua chương trình này, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất, chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị và chất lượng.