Nhiều chuyên gia cho rằng, công tác cảnh báo, dự báo sớm cần được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp như hiện nay.
Cả nước hiện có hơn 7.300 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3. Trong đó, nhiều đập, hồ chứa của nước ta đã xây dựng trên 30 năm, xảy ra hư hỏng xuống cấp, bồi lắng lòng hồ. Bên cạnh đó, hệ thống hồ đập của nuóc ta cũng đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như: mưa lũ bất thường, lũ quét do biến đổi khí hậu gây ra nguy cơ lớn về an toàn. Do đó, việc đảm bảo vận hành an toàn hồ đập, hồ chứa nước trong tình hình mới là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết.
Ông HOÀNG VĂN THẮNG
Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là nâng cao năng lực cảnh báo. Đây là một vấn đề khó vì nó đang nằm ở rất nhiều bên: cơ quan dự báo, cơ quan nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia, cơ quan ra quyết định…và đang khá phân tán, chồng chéo. Chúng ta cũng chưa có mối liên kết chặt chẽ giữa dự báo với lũ, với các nghiên cứu trước và sau lũ. Do đó cần phải rà soát lại để tối ưu được việc đảm bảo an toàn đập.
Theo Cục Thủy lợi, thực tế hiện nay vẫn còn một số nhiệm vụ thực hiện còn hạn chế do chưa có đủ kinh phí để thực hiện, tập trung ở nhóm hồ vừa và nhỏ, như: phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đạt 28%; kiểm định an toàn 9%; quy trình vận hành 28%. Đặc biệt, việc lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dụng. mới đạt 17%; lắp đặt thiết bị và quan trắc công trình 10%; bảo trì sửa chữa nâng cấp 27% và xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du 5%. Những con số này đòi hỏi công tác cảnh báo, dự báo cần phải được ưu tiên đầu tư nhiều hơn nữa an toàn hồ đập.
Ông LƯƠNG VĂN ANH
Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi
Thời gian tới để chính xác và đảm bảo an toàn tuyệt đối thì người điều hành phải có thiết bị cảnh báo, dự báo từ xa, từ sớm, từ thượng nguồn và cả phía hạ du. Khi chúng ta xả ở mức này và nhận diện được khu vực nào dân cư bị ảnh hưởng dưới hạ du thì điều hành làm sao để tích nước tối đa mà không ảnh hưởng hạ du, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đòi hỏi thời gian tới phải đồng bộ hệ thống cảnh báo sớm để có dự báo, điều hành hồ chứa chính xác nhất.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực thủy lợi cho rằng, cần có những giải pháp đồng bộ về xây dựng, hoàn thiện chính sách. Rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý vận hành đập, hồ chứa nước phù hợp với tình hình mới an toàn hồ đập. Song song với đó, cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới như hệ thống quan trắc tự động và các công cụ hỗ trợ ra quyết định vận hành… Từ đó tạo sự chủ động trong dự báo, cảnh báo nguồn nước và đưa ra kịch bản cắt lũ, xả lũ phù hợp, đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu./.