Khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt và là yếu tố không thể tách rời trong sự phát triển chung của ngành thủy lợi.
Khoa học công nghệ - Động lực thúc đẩy sự phát triển thủy lợi
Trong suốt chiều dài 80 năm hình thành và phát triển của ngành Thủy lợi, vai trò then chốt của khoa học công nghệ là yếu tố không thể tách rời. Lĩnh vực này đã và đang là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành. Từ những nghiên cứu cơ bản về thủy văn, địa chất công trình, vật liệu xây dựng... đến việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý vận hành công trình thủy lợi, khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng tạo nên những bước tiến vượt bậc.
Ông NGUYỄN TÙNG PHONG
Cục trưởng Cục Thủy lợi
Việc ứng dụng KHCN hiện nay đã được nhà nước đầu tư khá nhiều để làm sao phát triển thủy lợi. Việc đầu tiên, để KHCN phát huy hơn nữa, hiệu quả hơn nữa thì chúng tôi đang đề nghị có sự kết hợp giữa công tác quản lý thực tiễn, gắn KHCN với thực tiễn để giải quyết cũng như dự báo những vấn đề trong tương lai để KHCN đi trước 1 bước phục vụ cho sự phát triển của ngành thủy lợi.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, yêu cầu lớn nhất đặt ra trong giai đoạn hiện nay đối với ngành là chuyển từ “thủy lợi đi sau để phục vụ các ngành” sang “thủy lợi đi trước, căn cứ vào nguồn nước để phát triển kinh tế xã hội”. Điều này đòi hỏi khoa học công nghệ lĩnh vực thủy lợi cũng cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn.
Ông NGUYỄN HOÀNG HIỆP
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trước hết là làm thế nào để những bản quy hoạch vừa rồi, đặc biệt là Quy hoạch thủy lợi, phòng chống thiên tai Quốc gia đã được phê duyệt phải thực hiện được. Thực hiện được thì các giải pháp về khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng. Trị thủy sông ngòi, làm thế nào để có những công trình lớn để bao ngoài toàn bộ các vùng ĐBSCL, KHCN làm thế nào để tưới tiên tiến, tiết kiệm, ứng phó với BĐKH để chúng ta có hạ tầng chống chịu tốt nhất BĐKH đang tác động hàng ngày, hàng giờ vào Việt Nam.
Có thể khẳng định, các nhà khoa học cùng với những giải pháp khoa học công nghệ đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của lĩnh vực thủy lợi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Đến nay, đã có hơn 900 hệ thống thủy lợi có quy mô phục vụ từ 200 ha trở lên được xây dựng. Trong đó có 122 hệ thống vừa và lớn phục vụ trên 2.000 ha, hơn 40.000 km đê sông và đê biển phục vụ và bảo vệ hoạt động dân sinh, sản xuất các ngành kinh tế. Cùng với đó là gần 8.000 đập và hồ chứa với tổng dung tích trữ khoảng 68 tỷ m³ nước, góp phần điều hòa và phân bổ nguồn nước hiệu quả tại các địa phương./.