Để có được những con vịt giống khỏe mạnh và cho năng suất thì trong giai đoạn úm cần chú trọng đến chuồng úm, nhiệt độ, thức ăn, nước uống…
Vịt là đối tượng vật nuôi quen thuộc của các gia đình. Loài thủy cầm này không chỉ giúp cung cấp thực phẩm thường xuyên cho các nông hộ mà nó còn tạo ra giá trị kinh tế ổn định.
Muốn đàn vịt khỏe mạnh và phát triển tốt, nhanh xuất bán thì yếu tố chăm sóc vịt là rất quan trọng. Đặc biệt là giai đoạn vịt con mới đem vào nuôi, người nuôi cần lưu ý hơn vì lúc này vịt còn non yếu, sức đề kháng chưa cao, dễ mắc bệnh và chết.
Trong thực tế, người nuôi thường chủ quan khi chăm sóc vịt trong giai đoạn úm, khiến tỉ lệ hao hụt cao và thường tốn nhiều chi phí cho mua thuốc điều trị bệnh, gây ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất sau này.
Thạc sĩ Lê Văn Trang, Trại trưởng Trại vịt giống Vigova:Thứ nhất là mình chuẩn bị chuồng trại, bạt quây, máng ăn uống, khung quây và bóng đèn sưởi. Chúng ta có thể sử dụng bóng đèn hồng ngoại. Khi treo thì cách mặt đất khoảng 25cm. Mật độ thì mỗi bóng đèn thì sưởi cho khoảng 50 con vịt.
Về nước uống, trong những ngày đầu ta có thể bổ sung các vitamin như Bcomplex, Gluco hoặc Vitamin C để nâng cao sức đề kháng cho vịt. Đến 7 ngày tuổi thì có thể làm vacxin như Dịch tả, Viêm gan, Tembusu và đến 18 ngày là cúm gia cầm lần 1.
Nhiệt độ tiểu khí hậu chuồng nuôi là yếu tố rất quan trọng khi úm vịt. Nhiệt độ úm sẽ được căn cứ theo từng giai đoạn với mục đích giúp vịt thích nghi với môi trường bên ngoài. Nhiệt độ phù hợp trong 4 ngày đầu khi úm vịt là khoảng từ 30 - 33 độ C, sau đó sẽ giảm dần. Từ ngày 15 tuổi trở đi, có thể tuân theo nhiệt độ môi trường.
Thạc sĩ Lê Văn Trang, Trại trưởng Trại vịt giống Vigova: Nhiều khi bà con hay mắc sai lầm về nhiệt độ nhưng không theo sát thường xuyên, đảm bảo theo đúng quy trình. Nhiều khi chúng ta để kín quá sẽ khiến vịt mắc một số bệnh về hô hấp. Hoặc bị gió lùa khiến đàn vịt chồng lên nhau, gây đè chết hoặc bết lông. Giai đoạn vịt con mà bị bết lông thì sẽ ảnh hưởng về sau.
Trong giai đoạn nuôi vịt con, người chăn nuôi cần thường xuyên quan sát các hoạt động của đàn vịt, kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường liên quan đến sức khỏe, dịch bệnh để có biện pháp khắc phục nhằm giảm thiểu tỷ lệ còi cọc và hao hụt ở đàn vịt nuôi.
Người nuôi hông nên nhập vịt từ các vùng hay xảy ra dịch bệnh hay mua con giống trôi nổi. Đồng thời thực hiện công tác vệ sinh chuồng trại, máng ăn uống và dụng cụ chăn nuôi theo định kỳ thật tốt.