150 doanh nghiệp tham gia hội chợ Vietshrimp 2025. Lục bình cản trở giao thông trên sông Vàm Cỏ Đông. Chính vụ, giá cà phê mít cao kỷ lục. Trà Vinh: Hơn 58 tỷ đồng hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
150 DOANH NGHIỆP THAM GIA HỘI CHỢ VIETSHRIMP 2025
Văn Vũ
Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam – VietShrimp 2025 lần thứ 6 với chủ đề "Xanh hóa ngành tôm" đang diễn ra tại TP. Cần Thơ với 200 gian hàng của 150 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế giới thiệu công nghệ nuôi tôm bền vững, giảm tác động môi trường, cùng với các giải pháp về con giống, chế phẩm sinh học và thức ăn hữu cơ.
Hội chợ được khai mạc ngày 26/3 và diễn ra đến ngày 28/3/2025. Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra 4 phiên hội thảo với các chủ đề như phát triển xanh hóa ngành tôm Việt Nam; nuôi tôm giảm phát thải; phát triển chuỗi cung ứng ngành tôm; tăng công nghệ, giảm chi phí trong nuôi tôm với sự tham dự của các nhà quản lý, các chuyên gia hàng đầu ngành thủy sản, các doanh nghiệp, cộng đồng người nuôi tôm…
LỤC BÌNH CẢN TRỞ CẢN TRỞ GIAO THÔNG TRÊN SÔNG VÀM CỎ ĐÔNG
Trần Trung sản xuất
Sông Vàm Cỏ Đông qua địa bàn tỉnh Tây Ninh dài 105km, chiều rộng từ 80 - 160 m. Theo ghi nhận những ngày gần đây, lục bình xuất hiện dày đặc trên nhiều đoạn sông, nhất là đoạn chảy qua các huyên, H.Châu Thành, H.Bến Cầu, TX.Hòa Thành gây cản trở giao thông thủy, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước…
Một trong những nguyên nhân phát triển nhanh của lục bình trên các hệ thống sông rạch hiện nay là do biến đổi khí hậu và tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường. Thông thường, tập tính của loài cây lục bình có vòng đời khá ngắn, chỉ chừng 2 tuần là tự chết để nhường chỗ cho những nhánh cây con. Tuy nhiên, lục bình hiện nay phát triển nhanh hơn mà mảng lớn hơn bình thường.
Trước tình trạng trên, Sở Xây dựng đã giao Cảng vụ đường thủy nội địa (cơ quan tham mưu xử lý lục bình) thường xuyên kiểm tra, giám sát thực tế mật độ lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông và các kênh rạch, để kịp thời xử lý các điểm ùn tắc, đảm bảo lòng sông và kênh rạch thông thoáng, giúp phương tiện giao thông thuận lợi.
Hiện đang là thời điểm chính vụ thu hoạch cà phê mít tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Năm nay, năng suất cà phê mít tại huyện Hướng Hóa cao nhất từ trước đến nay và đạt 15-17 tấn/ha. Giá thu mua cũng cao kỷ lục. Đầu vụ, thương lái thu mua hạt cà phê tươi tại vườn với giá từ 22-23 nghìn đồng/kg đối với cà phê chất lượng cao và 15-17 nghìn đồng/kg cà phê xô.
Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hướng Hóa cho biết, niên vụ 2024, giá cà phê các loại tăng cao khiến người dân đổ xô vào đầu tư thâm canh. Đây chính là lý do giúp năng suất, chất lượng cây cà phê tăng đột biến như năm nay.
Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 1 nghìn ha cà phê mít. Trong đó có 700 ha được trồng tại huyện Hướng Hóa. Với năng suất bình quân đạt 16 tấn/ha, năm nay, nông dân Hướng Hóa thu về gần 12 nghìn tấn cà phê tươi. Với giá bình quân 17 nghìn đồng/kg, tổng nguồn thu đạt khoảng 180 tỷ đồng.
TRÀ VINH: HƠN 58 TỶ ĐỒNG HỖ TRỢ TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Sản xuất Hồ Thảo
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho biết, sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận với tổng nguồn vốn giải ngân hơn 58 tỷ đồng.
Các chính sách đã hỗ trợ sản xuất theo VietGAP đã giúp 189 cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện hệ thống sản xuất. Bên cạnh đó, 78 cơ sở được hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, 469 cơ sở nhận hỗ trợ cải tạo vườn cây ăn quả, dừa, mía. Ngoài ra, 106 cơ sở đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả. Tỉnh cũng triển khai hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình OCOP, bảo vệ rừng, phòng chống dịch bệnh và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS cho tàu cá.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh đánh giá, các chính sách này đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.