Đắk Lắk thu gần 1 tỷ USD từ xuất khẩu nông sản sau nửa năm. Hàng nghìn cơ hội việc làm lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc. Nông nghiệp Lai Châu khôi phục nhanh sau đại dịch. 25ha rừng ngập mặn ở Hà Tĩnh chết chưa rõ nguyên nhân.
ĐẮK LẮK THU GẦN 1 TỶ USD TỪ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN SAU NỬA NĂM
Dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid – 19, song xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản của Đắk Lắk trong nửa đầu năm 2022 vẫn tăng trưởng ấn tượng, đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mặt hàng cà phê vẫn là ngành hàng chủ lực khi mang về nguồn thu lớn với 13.000 tỷ đồng (tương đương với 525 triệu USD), chiếm 70% doanh thu; tiếp đến là cao su với trên 4.200 tỷ đồng (tương đương 180 triệu USD); hồ tiêu Đắk Lắk đứng thứ 3 với 2.100 tỷ đồng (tương đương 90 triệu USD), còn lại là các mặt hàng nông sản khác như mật ong, gạo, trái cây, rau củ quả…. Nhờ các Hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP, RCEP, UKFTA… có hiệu lực đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung tiếp cận cạnh tranh tốt tại các thị trường lớn như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh và các nước Đông Nam Á…
HÀNG NGHÌN CƠ HỘI VIỆC LÀM LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TẠI HÀN QUỐC
Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố về việc phối hợp đăng ký thi tuyển lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp. Theo kế hoạch, tổng chỉ tiêu tuyển chọn của cả 2 ngành là 2.370 người, trong đó ngành nông nghiệp tuyển 1.285 người và ngành ngư nghiệp tuyển 1.085 người. Kỳ thi sẽ được tổ chức 2 vòng: thi năng lực tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề. Người lao động có thể chọn một trong 4 nghề để đăng ký, gồm: chăn nuôi, trồng trọt của nông nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt của ngành ngư nghiệp. Điều kiện tham gia chương trình là người lao động phải đạt độ tuổi từ 18 - 39, không có tiền án tiền sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và chưa từng bị trục xuất khỏi Hàn Quốc.
Trong 6 tháng đầu năm nay, nhờ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Lai Châu đã đi vào ổn định. Nhờ đó, tổng sản phẩm GRDP của Lai Châu đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9,15% so với cùng kỳ 2021. Nổi bật nhất là các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng, dịch vụ... khi đều tăng trưởng dương so với năm ngoái. Hiện Lai Châu có 13.000ha cao su, 8.500ha chè, 4.000ha chuối. Các loại cây trồng chủ lực này đã và đang là động lực giúp Lai Châu phục hồi sản xuất và xuất khẩu nhanh, qua đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động địa phương.
25HA RỪNG NGẬP MẶN Ở HÀ TĨNH CHẾT CHƯA RÕ NGUYÊN NHÂN
Từ năm 2021 đến nay, hơn 25ha rừng ngập mặn trên địa bàn xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh chết không rõ nguyên nhân. Diện tích rừng bị chết thuộc 280ha rừng ngập mặn có chức năng bảo vệ an toàn tuyến đê biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản quan trọng của địa phương. Theo chia sẻ từ người dân sở tại, rừng ngập mặn ở đây chủ yếu trồng các loại cây như: mắm, đước, sú vẹt… từ những năm 1994. Rừng ngập mặn phát triển là nơi trú ngụ của rất nhiều loại hải sản giúp người dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập từ việc khai thác tôm, cua. Việc rừng ngập mặn chết khiến bà con địa phương mất đi nguồn thu nhập, bên cạnh đó mất đi lá chắn bảo vệ mỗi khi mùa mưa bão tới. UBND xã Kỳ Hà cho biết, đã cử cán bộ xuống kiểm tra, làm rõ nguyên nhân sự việc nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả.